Cụ thể, trao đổi với phóng viên, bà T. – một người mua căn hộ tại dự án trên cho biết mình và rất nhiều khách hàng "vì tin tưởng" đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng đặt cọc giữ chỗ chung cư An Sinh (Asa Light) tại đường số 17, Phường 4, Quận 8, TP.HCM do DVCI Q8 làm chủ đầu tư và công ty Thái Bảo làm đơn vị phát triển.
Theo cam kết từ chủ đầu tư và đơn vị phát triển, dự án có tổng diện tích hơn 14.000m2 này sẽ được bàn giao vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án liên tục chậm tiến độ. Đến tháng 6/2018 khi dự án chỉ mới xây dựng đến tầng 6 khối B và tầng 2 các khối A, C thì ngưng thi công hoàn toàn cho tới nay.
Dù vậy, Công ty Thái Bảo vẫn thông báo thu tiền của khách hàng, nhiều người đã nộp bình quân 30% (khoảng 400 triệu đồng) giá trị căn hộ nhưng dự án tiếp tục đứng yên.
"Chúng tôi khổ lắm chú ơi, ai đời tin tưởng chủ đầu tư là công ty nhà nước, có 100% vốn nhà nước nên mới chạy vạy, vay mượn đủ thứ để có thể đặt cọc, chỉ mong có được căn nhà. Như tôi, chồng mất, một mình nuôi con đến bây giờ tuổi nhà muốn có căn nhà sống cùng con ở thành phố, mẹ con nương tựa nhau mà sao khó quá. Tôi đã bỏ không ít tiền cho dự án này, phải làm sao bây giờ?" – bà T. nghẹn ngào.
Không chấp nhận mất trắng, mong muốn tìm một câu trả lời thỏa đáng, tập thể người dân mua căn hộ tại dự án trên nhiều lần tìm cách đối thoại, đấu tranh, thậm chí, khiếu nại lên chính quyền địa phương để được giải quyết.
Sau nhiều lần đấu tranh, khách hàng được Công ty Thái Bảo cam kết sẽ hoàn trả tiền góc đã đóng và 30% tiền lãi phạt trên số tiền cư dân đã đóng, cùng với đó là số tiền hỗ trợ 6% mỗi năm trên tổng số tiền khách hàng đã đóng cho khách hàng nào thanh lý sau ngày 30/4/2019. Tuy nhiên, đến nay nhiều người vẫn chưa được hoàn trả lại tiền như cam kết của công ty.
Theo bà T., số lượng người bỏ tiền ra đặt cọc giữ chỗ căn hộ An Sinh không dưới 500 người, trong đó, một số người đã nhận hoàn trả tiền theo kiểu nhỏ giọt từ công ty. Còn lại chưa thấy gì, dù người dân đã nhiều lần tìm cách.
"Thái Bảo có trả 1 vài lần, mỗi lần 5 triệu đồng. Nhưng được một vài lần rồi ngưng tới giờ. Hơn 3 năm rồi, dự án chưa thành hình, tiền không trả, hỏi sao chúng tôi sống?" – bà T. bức xúc.
Theo tìm hiểu, trong văn bản ngày 1/4/2019, UBND Q.8 xác định, Công ty Thái Bảo đã ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư Asa Light trái luật với 530 khách hàng. Trong đó, công ty đã thanh lý hợp đồng và hoàn tiền cho 119 khách hàng; đã thanh lý hợp đồng nhưng chưa hoàn tiền cho 31 trường hợp; 380 hợp đồng còn hiệu lực.
Tại thông báo kết luận thanh tra về xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại UBND Q.8 giai đoạn 2018 – 2019, Thanh tra TP.HCM cũng cho biết, Công ty Thái Bảo đã tổ chức huy động vốn trái quy định với tổng số tiền 234 tỉ đồng tại dự án Asa Light.
Ngày 26/8/2020, trong văn bản phản hồi người dân mua dự án chung cư An Sinh, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, dự án chung cư cao tầng An Sinh Phường 4, Quận 8 được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 151/GPXD (giai đoạn 1) ngày 02/8/2017 quy mô gồm 2 tầng hầm (hầm + lửng hầm) chung cho 3 khối A, B, C.
Đến ngày 9/2/2018, dự án được cấp giấy phép xây dựng số 37/GPXD (giai đoạn 2) với quy mô: Phần thân Khối B cao 21 tầng và tầng sân thượng.
Hiện trạng Khối B thi công đến tầng 10 phù hợp giấy phép xây dựng. Khối A, Khối C thi công đến tầng 2 hiện đang ngừng thi công do chưa được cấp phép xây dựng phần thân.
Cũng theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc hợp tác giữa DVCI Q8 và Công ty Thái Bảo vẫn chưa được UBND thành phố chấp thuận theo quy định. Nhưng, Công ty Thái Bảo đã tự ý ký hợp đồng mua bán căn hộ theo hình thức thương mại với người dân không đúng quy định của pháp luật, không đúng mục tiêu đầu tư của dự án.
Ngoài ra, theo Sở Xây dựng TP.HCM, chung cư An Sinh là dự án được phê duyệt phục vụ tái định cư, chỉnh trang thương mại, di dời nhà ở khu vực ven kênh quận 8, nên công ty Thái Bảo tự ý mở bán, nhận cọc từ người dân là trái quy định pháp luật.
Ghi nhận thực tế đầu tháng 6/2021, công trường dự án Asa Light vẫn bất động. Cánh cửa ra vào dự án đóng kín, bên trong công trình ngổn ngang chỉ có một bảo vệ túc trực, không có bóng dáng công nhân.