Hết thời hoàng kim, Công ty đường nợ “khủng” hơn 1.000 tỷ, giải quyết ra sao?

23/08/2020 10:00

Công ty CP đường Bình Định từng được mệnh danh là “quả đấm thép” của ngành mía đường Bình Định với công suất 2.000 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, đến nay đang mang số nợ “khủng” với hơn 1.000 tỷ đồng.

Công ty CP đường Bình Định từng được mệnh danh là “quả đấm thép” của ngành mía đường Bình Định với công suất 2.000 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, đến nay đang mang số nợ “khủng” với hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngày 22/8, TAND tỉnh Bình Định cho  hay, Công ty Hợp danh Quản lý thanh lý tài sản Việt (ở TP. Hồ Chí Minh) đã chọn Công ty đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group là đơn vị tổ chức đấu giá tài sản của Công ty CP đường Bình Định (huyện Tây Sơn, Bình Định) để giải quyết vụ việc phá sản của công ty này.

Theo thông báo đấu giá ngày 3/8 của Công ty Hợp danh Quản lý thanh lý tài sản Việt, giá khởi điểm dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất đường và phương tiện vận tải đã qua sử dụng của Công ty CP đường Bình Định hơn 53,6 tỷ đồng, công trình xây dựng hơn 23,2 tỷ đồng (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất).

Công ty CP đường Bình Định nằm tại xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) từng được mệnh danh là “quả đấm thép” của ngành mía đường Bình Định với công suất 2.000 tấn mía/ngày. Thế nhưng, từ tháng 9/2018 công ty đã ngưng hoạt động, máy móc bị tháo tung, cỏ mọc um tùm. Lao động tại công ty này bị nợ tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội… đâm đơn kêu cứu cơ quan có chức trách vì ông chủ người Ấn Độ đột nhiên “biến mất”.

Bên trong Công ty CP đường Bình Định trở nên vắng vẻ, tan hoang. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tháng 9/2019, TAND tỉnh Bình Định quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP đường Bình Định và chỉ định Công ty Hợp danh Quản lý thanh lý tài sản Việt tham gia quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản này.

Tính đến tháng 12/2019, Công ty CP đường Bình Định còn nợ 24 đơn vị với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng (cả gốc và lãi), trong đó nợ Ngân hàng Standard Chartered (Việt Nam) hơn 876,7 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc tế – chi nhánh TPHCM hơn 98,8 tỷ đồng, Cục Thuế Bình Định 26 tỷ đồng, Bảo hiểm xã hội huyện Tây Sơn hơn 7 tỷ, Công đoàn Công ty CP đường Bình Định hơn 17 tỷ đồng (tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc của người lao động)…

 

Nguồn Dân Việt
Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Hết thời hoàng kim, Công ty đường nợ “khủng” hơn 1.000 tỷ, giải quyết ra sao?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.