Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn có 13 con sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2.300km, trong đó có nhiều sông lớn. Ngoài ra, sản lượng hàng hóa có nhu cầu vận chuyển bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh cũng rất lớn.
Từ những lợi thế trên, năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5), theo đó đến năm 2030, trên địa bàn Đồng Nai sẽ có 46 cảng trên 4 sông lớn gồm sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Long Tàu và sông Thị Vải.
Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng đến nay việc phát triển cảng ở Đồng Nai vẫn diễn ra ì ạch, nhiều dự án chậm triển khai, “đắp chiếu,” điển hình như dự án xây dựng Cảng xăng dầu COMECO.
Năm 2002, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng Cảng xăng dầu COMECO quy mô 20ha tại xã Phú Đông và Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch).
Sau đó, chính quyền các địa phương cũng đã giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau hàng chục năm nhà đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng.
Năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cấp phép dự án Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch), dự án có khu cảng với diện tích hơn 180ha, nơi đây chủ yếu tiếp nhận tàu tổng hợp, container tải trọng đến 60 ngàn DWT, gồm 10 bến tàu có tổng chiều dài hơn 3.000 mét.
Diện tích khu dịch vụ hậu cần cảng gần 550 ha, gồm dịch vụ kho bãi hàng hóa, bến xà lan… phục vụ hoạt động giao nhận vận tải và logistics cho khu vực cảng Phước An đến các khu công nghiệp trong khu vực.
Cảng có quy mô khai thác hàng container khoảng 2,2 triệu TEUs/năm và hàng tổng hợp 4 triệu tấn/năm.
Cảng Phước An là dự án cảng quy mô rất lớn nhất của tỉnh Đồng Nai. Dự án đã ra đời nhiều năm, cơ quan chức năng Đồng Nai đã nhiều lần họp bàn, đề ra giải pháp song đến nay dự án vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho thấy, đến nay, tỉnh Đồng Nai mới chỉ có 17 cảng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, chưa bằng 1 nửa tổng số cảng đã được quy hoạch.
Đối với 29 bến cảng còn lại trong quy hoạch, đến nay có 6 bến cảng đã được tỉnh Đồng Nai chấp thuận đầu tư, số còn lại chưa được chấp thuận đầu tư, đã ngưng hoạt động.
Trong số các cảng đang hoạt động chỉ có 2 cảng quy mô trên 100ha gồm cảng Nhà máy luyện phôi thép Sunsteel (huyện Nhơn Trạch, diện tích gần 140ha) và cảng Vedan (huyện Long Thành, diện tích 120ha).
Hầu hết cảng còn lại có quy mô nhỏ (dưới 30ha), một số cảng có quy mô rất nhỏ như Cảng Unique gas, diện tích 1,8ha; cảng chuyên dùng SCT gas Việt Nam, diện tích 3ha; cảng xăng dầu VT gas, diện tích gần 4,5ha.
Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết, Đồng Nai có hệ thống sông tốt, tiếp nhận được tàu trọng tải trên 30.000 tấn. Dù có nhiều lợi thế, nhưng đến nay việc phát triển cảng biển trên địa bàn tỉnh diễn ra chậm, chưa khai thác hết tiềm năng. Nguyên nhân vì thiếu hệ thống giao thông kết nối, các tuyến đường liên cảng chưa được đầu tư xây dựng.
Ông Lê Quang Bình đánh giá, hầu hết cảng biển ở Đồng Nai đang ở trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Điều này do phần lớn cảng chuyên dùng được đầu tư phục vụ nhu cầu riêng của doanh nghiệp; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gì thì đề xuất mở cảng phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh ngành hàng đó. Nếu không có sự điều chỉnh, thay đổi, trong tương lai, hệ thống cảng biển của tỉnh đối diện nhiều nguy cơ, không thể phát triển xứng tầm.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế từ hệ thống sông, Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện phát triển cảng biển theo hướng cụm cảng quy mô lớn để đón tàu trọng tải lớn.
Đồng thời đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai điều chỉnh các cảng biển (chưa triển khai thực hiện) thành các cụm cảng với diện tích lớn để mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng.
Ông Lê Quang Bình cho rằng, đối với các cảng đã quy hoạch nhưng chưa triển khai đầu tư, tới đây, tỉnh Đồng Nai cần đề ra quy định về diện tích cần có để được xây dựng cảng. Khi đó, doanh nghiệp muốn mở cảng sẽ phải liên doanh, liên kết với nhau để tạo thành cụm cảng. Chỉ khi có cụm cảng lớn thì mới đón được tàu tải trọng lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, tình hình phát triển hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh diễn ra chậm, chưa có dự án cảng tầm cỡ, mang tính bứt phá. Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rà soát đối với các dự án xây dựng cảng biển trên địa bàn tỉnh.
Đối với những dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã giao đất nhưng quá thời hạn mà chủ đầu tư chưa triển khai thì tham mưu tỉnh thu hồi.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, hiện Đồng Nai đã giao các đơn vị liên quan thực hiện rà soát lại việc quy hoạch cảng biển, đề xuất tỉnh điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Quan điểm của Đồng Nai là quy hoạch cảng biển phải căn cứ vào quy hoạch giao thông, tránh tình trạng cảng xây xong hoạt động không hiệu quả vì thiếu giao thông kết nối. Đồng thời, quy hoạch cảng biển căn cứ vào nhu cầu của các địa phương cũng như các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.