Hệ lụy khôn lường từ Thẩm mỹ viện “chui”: Vì đâu nên nỗi? (kỳ 1)

02/04/2021 08:14

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ngày càng trở nên cần thiết. Nắm bắt được tâm lý đó những thẩm mỹ viện (TMV) mọc lên như “nấm sau mưa”. Tuy nhiên, nhiều ca tai biến khi làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ “chui” liên tiếp xảy ra tại Hà Nội cho thấy, vấn nạn hành nghề “chui” vẫn còn tiếp diễn và công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng…

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ngày càng trở nên cần thiết. Nắm bắt được tâm lý đó những thẩm mỹ viện (TMV) mọc lên như “nấm sau mưa”. Tuy nhiên, nhiều ca tai biến khi làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ “chui” liên tiếp xảy ra tại Hà Nội cho thấy, vấn nạn hành nghề “chui” vẫn còn tiếp diễn và công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng…

Tràn lan Thẩm mỹ viện “chui”

Sau Tết Nguyên đán năm 2021, tại các tuyến đường chính của TP. Hà Nội, không khó để bắt gặp những cơ sở làm đẹp với biển hiệu quảng cáo hoành tráng với các dịch vụ phun thêu màu mắt, môi, lông mày, cắt mí, chỉnh mũi, hút mỡ, nâng ngực, tiêm botox, tiêm Filler, triệt lông, điều trị nám, tàn nhan bằng tia laser.... Phần lớn các cơ sở làm đẹp này được dựng lên dưới cái mác như spa, thẩm mỹ viện...

Tại Bệnh viện (BV) E vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 20 tuổi trong tình trạng nhiễm khuẩn ở hai bên mặt, xuất hiện các ổ áp xe gây sưng tấy, chảy mủ liên tục nhiều ngày. Trước đó, bệnh nhân sử dụng dịch vụ tiêm botox làm thon gọn cơ hàm tại một spa của người quen. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, BV E, quá trình điều trị tại spa khiến tình trạng bệnh tăng nặng. Khi nhập viện, mủ đã lan rộng, gây khó khăn cho việc điều trị.

Trước đó, TMV Việt - Hàn từng hành nghề trái phép khiến một người đàn ông bị tử vong do hút mỡ giảm béo)

Hay tại Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, BV Đa khoa Xanh Pôn cũng đã tiếp nhận cấp cứu 2 nạn nhân bị biến chứng nghiêm trọng do phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín tại cơ sở thẩm mỹ “chui”. Theo gia đình bệnh nhân, do nghe theo những lời quảng cáo “có cánh” của các cơ sở làm đẹp nên người thân của họ đã tìm tới để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Có một thực tế không thể phủ nhận là, thời gian qua, các sự cố, tai biến y khoa đều xảy ra tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân. Thực tế cho thấy, đa số khách hàng lựa chọn làm đẹp tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân nhiều hơn các cơ sở y tế công lập.

Lý giải về vấn đề này, một chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tư thường rất tích cực quảng cáo để bán dịch vụ của mình. Về điểm này, các cơ sở bệnh viện công dù đã cố gắng nhưng vì nhiều lý do, vẫn còn đi sau rất xa so với các cơ sở tư nhân.

Vì nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn của xã hội cũng như những lợi nhuận do loại hình dịch vụ này mang lại, dẫn đến việc hiện nay có một bộ phận cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, phẫu thuật, thủ thuật khi không đủ điều kiện và không được cấp giấy phép. Trong bối cảnh đó, yêu cầu phải có một cơ chế, kế hoạch quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ một cách toàn diện; công tác quản lý cần sự tham gia của nhiều tổ chức chính trị xã hội và cả người dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, đồng thời tạo kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện nay  các bệnh viện ngoài công lập được Bộ Y tế cấp phép có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ gồm 10 bệnh viện: BV Hồng Ngọc, BV Thu Cúc, BV Việt Pháp, BV Trí Đức, BV Vinmec, BV Đa khoa An Việt, BV ĐK quốc tế Bắc Hà, BVĐK Tư nhân Hà Thành, BV ĐK Tư nhân Hà Nội, BV Phương Đông.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Mặc dù hết sức cố gắng nhưng công tác quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn, nhân lực còn hạn chế, đặc biệt ý thức người dân sử dụng dịch vụ thông qua quảng cáo, truyền miệng mà không quan tâm tới những thông tin mà các cơ quan chức năng khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, ý thức của người hành nghề đã cố tình lách luật, cố tình vi phạm các quy định của pháp luật để trục lợi lợi ích cá nhân.

Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Quang Trung cho biết: Hiện nay, Hà Nội có hơn 100 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và quản lý trực tiếp. Còn các cơ sở chăm sóc sắc đẹp như: Thẩm mỹ viện, spa, cơ sở chăm sóc da, cơ sở massage..., do UBND quận, huyện, thị xã cấp phép kinh doanh và quản lý.

Theo quy định, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu như: Nhấn mí mắt, nâng mũi, tạo lúm đồng tiền..., không được làm các phẫu thuật lớn như căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực…

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân - Sở Y tế Hà Nội)

Còn những cơ sở làm đẹp chỉ được phép làm các dịch vụ ngoài da, không được thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: Xăm mắt, môi, lông mày…

Quy định rõ ràng là vậy nhưng trên thực tế các cơ sở làm đẹp hầu hết đều gắn biển hiệu thẩm mỹ viện để đánh lừa khách hàng. Tuy nhiên, những cơ sở thẩm mỹ viện như vậy, Sở Y tế không cấp phép nên cũng khó bề kiểm soát nổi, rất mong chính quyền địa phương vào cuộc tích cực hơn” - ông Nguyễn Quang Trung nói.

Song song với đó, ThS.BS. Vũ Trung Trực, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ, BV Việt Đức, Hà Nội cũng khuyến cáo: Không có phẫu thuật hay thủ thuật nào là tuyệt đối an toàn. Bản thân phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng cũng như các phẫu thuật khác nói chung đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dị ứng thuốc, chảy máu, nhiễm trùng... Nhưng thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở đã được cấp phép, có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, đặc biệt các trang thiết bị và quy trình cấp cứu, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm thì nguy cơ sẽ ít đi.

Ngoài ra, hiện nay, việc tìm kiếm thông tin về làm đẹp vô cùng đơn giản, trong khi đó tình trạng mạo nhận thương hiệu các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp đang diễn ra khá phổ biến. Thêm vào đó, việc quảng cáo không được kiểm soát, ngày càng nhiều cơ sở quảng cáo vượt quá phạm vi cho phép. Do đó, BS. Trực khuyến cáo người có nhu cầu làm đẹp cần phải tỉnh táo trong lựa chọn cơ sở thực hiện làm đẹp để tránh “tiền mất, tật mang”.

Có thể nói, thẩm mỹ làm đẹp là nhu cầu của không ít chị em phụ nữ hiện đại. Tuy nhiên không phải ai cũng thông thái và may mắn lựa chọn được những địa chỉ thẩm mỹ uy tín, an toàn. Do vậy, để tránh “tiền mất tật mang”,  mọi người cũng cần cân nhắc và tìm hiểu kĩ trước khi áp dụng dịch vụ làm đẹp nào.

Theo Huyền Chi/TH&PL

https://thuonghieuvaphapluat.vn/he-luy-khon-luong-tu-tham-my-vien-chui-vi-dau-nen-noi-bai-1-d41124.html

Bạn đang đọc bài viết "Hệ lụy khôn lường từ Thẩm mỹ viện “chui”: Vì đâu nên nỗi? (kỳ 1)" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.