Hàng tồn kho lớn, Tài chính Hoàng Huy đối mặt với gánh nặng nợ vay

17/11/2019 07:36

Tính đến ngày 30/9, nợ phải trả của Hoàng Huy là 3.066 tỷ đồng, tăng 68%. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.763 tỷ đồng, tăng 131%; nợ dài hạn là 1.303 tỷ đồng, tăng 23%.

Tính đến ngày 30/9, nợ phải trả của Hoàng Huy là 3.066 tỷ đồng, tăng 68%. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.763 tỷ đồng, tăng 131%; nợ dài hạn là 1.303 tỷ đồng, tăng 23%.

Báo cáo tài chính giữa niên độ của Hoàng Huy cho thấy, tính đến 30/9/2019, tồn kho của công ty này là 2.131 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với đầu kỳ. Trong đó, tồn kho kinh doanh ô tô và phụ tùng ô tô là hơn 760 tỷ đồng, còn lại là tồn kho bất động sản.

Cụ thể, tồn kho dạng thành phẩm bao gồm 811 tỷ đồng dạng biệt thự tại dự án Hoàng Huy Riverrside (Hải Phòng) và 160 tỷ đồng chung cư thành phẩm tại Golden Land Building.

Tồn kho bất động sản dưới dạng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là 397 tỷ đồng, nằm ở 2 toà nhà N01, N02 và Tòa nhà Gold Tower. Đây là các công trình thuộc dự án Tổ hợp công tình hỗn hợp cao tầng tại Thanh Xuân, Hà Nội.

Công ty còn có ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại 5 dự án vào thời điểm cuối quý 2/2019. Theo đó 5 dự án là dự án của tạo, xây dựng lại Chung cư cũ U1, U2, U3 Lê Lợi; dự án Hoàng Huy Riverside; cụm dự án cải tạo chung cư cũ HH1, HH2, HH3, HH4 Đồng Quốc Bình; và dự án khu thương mại và nhà ở Hoang Huy Mall tại Hải Phòng.

Tuy có nhiều điểm sáng ở nhiều dự án cũng như hàng tồn kho nhiều, Hoàng Huy phải đối mặt với gánh nặng nợ vay lớn. Và như vậy, mảng bất động sản của Hoàng Huy chưa mang về doanh thu tương xứng cho công ty trong 9 tháng đầu năm.

Theo báo cáo tài chính giữa niên độ, Hoàng Huy đang xây dựng dở dang nhiều dự án tại Hải Phòng như: Hoàng Huy Riverside, Hoang Huy Mall, một số dự án chung cư và cải tạo chung cư cũ khác. Tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 1.008 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2019, nợ phải trả của Hoàng Huy là 3.066 tỷ đồng, tăng 68% và chiếm gần 41% tổng tài sản. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.763 tỷ đồng, tăng 131% (chủ yếu là người mua trả trước ngắn hạn, vay và thuê tài chính, chi phí phải trả ngắn hạn…).

Nợ dài hạn của công ty là là 1.303 tỷ đồng, tăng 23%. Trong nợ dài hạn có khoản nợ trái phiếu chuyển đổi gần 564 tỷ đồng. Đây là trái phiếu mà Hoàng Huy đã phát hành choShinhan – Core Trend Global Fund 1 và Shinhan Bank Co.,Ltd tháng 3/2019, có kỳ hạn 3 năm.

Tính đến 30/9/2019, Hoàng Huy còn dư nợ tại 3 ngân hàng. Trong đó, có hai hợp đồng vay ngắn hạn (2 tháng) với TPBank để nhập khẩu xe đầu kéo Mỹ (mỗi hợp đồng có số tiền vay 25 tỷ đồng).  Một hợp đồng vay ngắn hạn với Woorri Bank Việt Nam chi nhánh Hải Phòng với số tiền vay là 115,2 tỷ đồng, thời hạn vay đến cuối năm 2019 lãi suất 6.2%/năm.

Ngoài ra, ngân hàng còn có một khoản vay dài hạn tại Techcombank ký theo hợp đồng tín dụng ký từ tháng 11/2018 tổng hạn mức với 500 tỷ đồng để cải tạo một số chung cư cũ và xây dựng chung cư HH3, HH4 ở Hải phòng. Thời hạn vay 24 tháng, lãi suất cho vay thả nổi. Dư nợ gốc tại thời điểm 30/9/2019 là hơn 233 tỷ đồng.

Trong nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn mới, vào khoảng tháng 3/2019, Hoàng Huy phát hành 50 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc gồm Shinhan Investment, CoreTrend Investment và ValueSystem. Phương án này làm giảm áp lực tài chính (trả nợ và lãi vay) cho công ty nhưng đẩy các cổ đông Hoàng Huy vào rủi ro pha loãng cổ phiếu khi việc chuyển đổi diễn ra.

Đáng lưu ý, con số 1.200 tỷ đồng dự kiến huy động lớn gấp hơn 2 lần doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm tài chính 2018 – 2019 phản ánh trên báo cáo tài chính của TCH (574 tỷ đồng); bằng xấp xỉ 30% tổng mức vốn đầu tư các dự án mà TCH đã và đang đầu tư (được phản ánh trên báo cáo tài chính tại ngày 31/12/2018), trong đó bao gồm cả những dự án đã đầu tư xong chờ quyết toán.

Nhiều công ty phân tích đánh giá, các dự án của Hoàng Huy đều là đất sạch thuộc trung tâm thành phố Hải Phòng và có giá đất rẻ nhờ hoạt động hoán đổi từ các hợp đồng BT. Đây là lợi thế lớn của Hoàng Huy so với các dự án khác. Cùng với đó Hoàng Huy đang được hưởng lợi từ việc thị trường bất động sản ở Hải Phòng đang chuyển mình mạnh mẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, toàn bộ quỹ đất của Hoàng Huy hình thành từ các hợp đồng BT là một rủi ro, đặc biệt khi mô hình này xuất hiện nhiều bất cập gây thất thoát tài sản nhà nước ở một số tỉnh thành.

Từ giữa năm ngoái, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự BT đã bị tạm dừng chờ quy định chi tiết của cơ quan chức năng. Mới đây một Nghị quyết về việc này được ban hành đã yêu cầu các hợp đồng BT phải đảm bảo đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

Văn bản này yêu cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm nếu có.

Dung Hoàng - Theo An ninh Tiền tệ

http://antt.nguoiduatin.vn/hang-ton-kho-lon-tai-chinh-hoang-huy-doi-mat-voi-ganh-nang-no-vay-285521.htm

Bạn đang đọc bài viết "Hàng tồn kho lớn, Tài chính Hoàng Huy đối mặt với gánh nặng nợ vay" tại chuyên mục Thương hiệu. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.