Hàng loạt website giả mạo, bán hàng lừa đảo

02/06/2020 15:30

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn bị giả mạo website, fanpage để rao bán hàng dỏm, hàng giả lừa gạt người tiêu dùng

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn bị giả mạo website, fanpage để rao bán hàng dỏm, hàng giả lừa gạt người tiêu dùng.

Công ty CP Tập đoàn Mai Linh vừa phát thông báo khẩn đến khách hàng cảnh báo tình trạng taxi "dù" giả số hotline của hãng và đe dọa khách hàng. Thời gian gần đây, tại Bình Dương xuất hiện website tên miền taxi24hbinhduong.com do một nhóm người lập ra với mục đích kinh doanh dịch vụ taxi bất chính. Trên trang chủ của website này niêm yết số hotline giả mạo các hãng như Mai Linh, Vinasun, Thắng Lợi nhằm lừa gạt những khách hàng cả tin. 

Đã có trường hợp khách hàng truy cập vào website giả này nhưng từ chối đặt xe và bị đe dọa, chửi bới. Ông Nguyễn Công Lanh, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại Bình Dương, cho biết đơn vị chỉ sử dụng một số tổng đài chung của taxi Mai Linh trên toàn quốc là 1055 cùng số hotline 0274 38383838. "Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục với công an để làm sáng tỏ vụ việc" - ông Lanh nhấn mạnh.

Cũng phải cảnh báo khẩn hướng dẫn khách hàng phân biệt fanpage, website thật và giả vì trên mạng internet xuất hiện nhiều trang fanpage, website giả công ty để bán hàng, đại diện thương hiệu mỹ phẩm Lancôme Việt Nam (thuộc L’Oreal Việt Nam) cho biết các trang giả mạo đã dùng hình ảnh thật của thương hiệu này để bán hàng giả.

Hàng loạt website giả mạo, bán hàng lừa đảo - Ảnh 1.

Các trang fanpage và website bán hàng Lancôme giả mạo với giá giảm cực sốc Ảnh: THANH NHÂN

Cụ thể, trùng với sự kiện Lancôme chính thức khai trương gian hàng chính hãng tại LazMall của Lazada hồi đầu tháng 5, hàng loạt trang Facebook và website giả mạo Lancôme xuất hiện, bán hàng với giá chỉ bằng 25% - 50% giá chính hãng. Những fanpage này có giao diện giống với Lancôme Việt Nam, thậm chí sao chép y hệt trang chính hãng từ nội dung đến hình ảnh và niêm yết giá bán rất rẻ, kèm giảm giá đến 50% - 70%..., trong khi hàng chính hãng thường không có chương trình giảm giá đến 70%. Thậm chí, thương hiệu này không có chính sách giảm giá, thay vào đó là các chương trình ưu đãi tặng kèm quà hấp dẫn vào những sự kiện hoặc ngày lễ lớn.

Việc làm giả website để lừa gạt khách hàng, trục lợi bất chính diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực, không chỉ giả thương hiệu doanh nghiệp mà còn giả cả thương hiệu phân phối bán lẻ. Thời gian gần đây, Trung tâm Mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim liên tục tiếp nhận phản ánh của khách hàng về các website mạo danh trung tâm bảo hành Nguyễn Kim, cố tình đưa ra một số địa chỉ giống gây lầm tưởng cho khách hàng. Bộ phận pháp chế công ty đang tiến hành thủ tục pháp lý để giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền của các website giả mạo, giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi những mục đích xấu. 

Thế Giới Di Động cũng nhận được rất nhiều phản ánh của các khách hàng hỏi về chương trình khuyến mãi của thegioididong.com được đăng tải trên một số trang mạng mang tên miền gần giống với tên miền thegioididong.com hoặc DienmayXANH.com. Trắng trợn hơn, một số website còn sử dụng hình ảnh biển hiệu và nhân viên của thegioididong.com trong các thông tin của họ. Đại diện Trung tâm Điện máy Thiên Hòa cho biết phần lớn những trang web giả mạo Thiên Hòa để sửa chữa sản phẩm, thay thế linh kiện trôi nổi gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ngoài việc cảnh báo người tiêu dùng, liên hệ với các đơn vị quản lý website để tháo gỡ thông tin giả mạo trên mạng, các trung tâm, doanh nghiệp bị làm giả website để kinh doanh lừa đảo đã cung cấp thông tin các địa chỉ này cho cơ quan công an xử lý. 

PHƯƠNG AN - NGUYỄN HẢI/Theo NLĐ

 

Bạn đang đọc bài viết "Hàng loạt website giả mạo, bán hàng lừa đảo" tại chuyên mục Xe và công nghệ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.