Hàng loạt doanh nghiệp lộ nhiều vấn đề sau kiểm toán

15/04/2020 14:15

Các báo cáo kiểm toán của nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn mới đây cho thấy nhiều sai lệch lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, cùng với đó là hàng loạt vấn đề nội tại được kiểm toán chỉ ra.

Các báo cáo kiểm toán của nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn mới đây cho thấy nhiều sai lệch lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, cùng với đó là hàng loạt vấn đề nội tại được kiểm toán chỉ ra.

Bộ đôi HAGL và HAGL Agrico tăng lỗ trăm tỷ đồng

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) ghi nhận mức lỗ sau thuế 2.444 tỷ đồng, tăng lỗ 119 tỷ so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân là kiểm toán viên đề nghị trích thêm chi phí dự phòng liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Trong đó, lỗ từ hoạt động kinh doanh 967 tỷ chủ yếu do chi phí lãi vay lớn, lỗ khác 1.408 tỷ do đánh giá lại các tài sản và chuyển đổi chi phí đầu tư vườn cây, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại 69 tỷ đồng do ảnh hưởng từ dự phòng đầu tư tại các công ty con…

HAGL Agrico lỗ lớn năm thứ 2 liên tiếp.

Ngoài tăng lỗ, kiểm toán cũng chỉ ra HAGL Agrico không ghi nhận khoản dự phòng thuế TNDN theo quy định tại Nghị định 20 với số tiền hơn 39 tỷ đồng do áp dụng các nội dung mới của dự thảo sửa đổi Nghị định 20 mặc dù dự thảo này chưa được phê duyệt chính thức.

Nếu thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 20 và không hoàn nhập chi phí thuế TNDN, thu nhập khác sẽ giảm hơn 192 tỷ, đồng thời thuế TNDN sẽ tăng hơn 39 tỷ. Tương ứng, mức lỗ trước thuế và lỗ sau thuế sẽ tăng lần lượt hơn 192 tỷ đồng và 232 tỷ.

Tính đến 31/12/2019, lỗ lũy kế nhóm công ty ghi nhận 2.324 tỷ đồng. Nếu áp dụng theo Nghị định 20 hiện hành, lỗ lũy kế HAGL Agrico sẽ tăng hơn 232 tỷ đồng, lên 2.556 tỷ đồng.

Là công ty mẹ hợp nhất báo cáo tài chính của HNG, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) cũng tồn tại những vấn đề tương tự.

Theo báo cáo được kiểm toán bởi EY, HAGL ghi nhận lỗ sau thuế gần 1.809 tỷ đồng, tăng lỗ 200 tỷ so với báo cáo tự lập do trích thêm chi phí dự phòng liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ không có nhiều thay đổi.

Kiểm toán cũng chỉ ra doanh nghiệp có các khoản phải thu tồn đọng với gần 10.505 tỷ đồng. Trong đó, EY không thể thu thập đầy đủ bằng chứng để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng gần 5.669 tỷ đồng và không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục này hay không và các ảnh hưởng nếu có trên báo cáo kết thúc 31/12/2019.

Tương tự, HAGL cũng áp dụng các nội dung mới của Nghị định 20 dù chưa được phê duyệt chính thức. Kiểm toán cho rằng nếu áp dụng quy định hiện hành thì chi phí khác sẽ tăng 355 tỷ đồng, lỗ sau thuế và lỗ lũy kế cùng tăng 483 tỷ đồng.

Mặc dù lỗ sau thuế hợp nhất 1.809 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ vẫn đạt gần 217 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2018 và giảm 14% so với con số tự lập. Công ty vẫn có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 291 tỷ đồng, nhưng sẽ chuyển thành lỗ lũy kế 192 tỷ đồng nếu áp dụng quy định hiện hành.

HAGL bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Kiểm toán còn nhấn mạnh vấn đề khoản nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 1.016 tỷ đồng. Các điều kiện này cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Giải trình vấn đề này, HAGL cho biết doanh thu bán trái cây vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu. Doanh thu bán chuối đem lại nguồn tiền chính trong ngắn hạn do thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, sản lượng cao và giá bán ổn định. Công ty chủ trương mở rộng thêm diện tích chuối và các loại cây kinh tế khác để đem lại nguồn thu lớn. Công ty cũng tái cơ cấu tài chính và làm việc với các bên cho vay để giãn nợ, giảm lãi suất. Theo đó, HAGL cho rằng sẽ có khả năng tiếp tục hoạt động bình thường và việc lập báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục là hợp lý.

Cotec Land giảm lợi nhuận, ngân hàng phong tỏa tài khoản

Công ty Đầu tư phát triển Nhà đất Cotec (Cotec Land, HoSE: CLG) ghi nhận lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2019 hơn 208 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 109 tỷ đồng so với số liệu công ty tự lập. Doanh thu bán hàng không có nhiều thay đổi.

Kiểm toán đã điều chỉnh tăng giá vốn thêm 103 tỷ đồng so với số liệu tự lập. Chỉ tiêu doanh thu tài chính giảm hơn 90 tỷ và chi phí tài chính giảm 72 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 39 tỷ do kiểm toán tăng chi phí dự phòng phải thu khó đòi. Lợi nhuận khác ghi âm hơn 21 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với số liệu tự lập.

Sai lệch sau kiểm toán năm 2019 của Cotec Land.

Ngoài điều chỉnh số liệu, kiểm toán còn cho biết tập đoàn này đang bị các ngân hàng phong tỏa tài khoản. Cục thuế TP HCM đang cưỡng chế nợ thuế lâu năm với số tiền gần 23 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp chậm nộp hơn 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cotec Land có khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán số tiền gần 64 tỷ đồng. Tập đoàn cũng đang tái cơ cấu tài chính, thanh lý một số tài sản, các khoản đầu tư tài chính quan trọng và nhân sự giảm sút đáng kể. Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Báo cáo cũng nhấn mạnh công ty mẹ là  CTCP Kỹ thuật xây dựng và VLXD (Cotec) đã thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần mình đã góp tại Cotec Land cho một đơn vị khác. Hiện các bên đang tiến hành đàm phán để thực hiện thỏa thuận trên.

Kiểm toán cũng chưa thu thập đủ bằng chứng về các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, phải trả người bán ngắn hạn, giá trị xây dựng dở dang tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, giá trị hàng tồn kho, số tiền ứng trước người bán…

Với việc bất ngờ lỗ lớn năm 2019, lỗ lũy kế của Cotec land đã lên đến 201 tỷ đồng trên vốn điều lệ 211,5 tỷ đồng.

Kiểm toán từ chối cho ý kiến cho báo cáo của PVX

Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) điều chỉnh lỗ thêm 36 tỷ đồng sau kiểm toán lên mức lỗ gần 393 tỷ đồng trong năm 2019. PVX đã vào diện bị hủy niêm yết bắt buộc với 3 năm liên tiếp ghi nhận lỗ.

Đáng nói là kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến khi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Đơn vị kiểm toán là Deloitte đã đưa ra 10 cơ sở của việc từ chối cho ý kiến kiểm toán.

Một số cơ sở như lỗ lũy kế khoảng 3.899 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 563 tỷ đồng, thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn, nợ quá hạn thanh toán 1.011 tỷ đồng, không thu thập bằng chứng kiểm toán tại các đơn vị thành viên như Petroland, Khách sạn Lam Kinh, PVC MS, dự án Dầu khí Thái Bình, Dầu khí Đông Đô…

PVX đã lỗ liên tiếp 3 năm và sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính năm 2019 không có ý kiến kiểm toán, tổng tài sản của PVX là 9.668 tỷ đồng. Công ty có lỗ lũy kế 3.899 tỷ trên vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Tổng vay nợ hơn 1.500 tỷ đồng.

CII, TTF cũng lỗ thêm trăm tỷ đồng

Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HoSE: CII) cũng điều chỉnh giảm lợi nhuận cổ đông công ty mẹ xuống 196 tỷ đồng, tức giảm 524 tỷ đồng (gần 73%) so với trước kiểm toán. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu tài chính giảm 571 tỷ và chi phí tài chính tăng 52 tỷ so với báo cáo tự lập.

Nói về vấn đề này, CII cho biết cũng bất ngờ khi lợi nhuận sau kiểm toán giảm mạnh. Trong quá trình làm việc, CII và đơn vị kiểm toán đã có nhiều sự khác biệt trong quan điểm liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí.

Cụ thể, doanh thu từ các thương vụ đã được xác định và khách hàng đã đặt cọc không hoàn lại hoặc dòng tiền đã về CII trong năm 2019. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính và thanh toán diễn ra vào đầu năm 2020, do đó kiểm toán không chấp nhận việc ghi nhận các doanh thu này trong năm 2019 mà phải được hạch toán trong năm 2020 hoặc năm kế tiếp.

Một số nguyên nhân khác như phân bổ chi phí mua lại trái phiếu trước hạn cho Rhinos Asset Management, trích trước lãi trái phiếu chưa đến hạn, tăng chi phí khấu hao do thay đổi thời gian thu phí cầu đường, trích quỹ dự phòng…

CII và đơn vị kiểm toán khác biệt quan điểm với nhau về thời điểm ghi nhận doanh thu.

Không chỉ điều chỉnh giảm lợi nhuận, kiểm toán còn nhấn mạnh khoản phải thu Công ty Đầu tư Tuấn Lộc giá trị 715 tỷ đồng theo hợp đồng ký với Tuấn Lộc để góp vốn vào Công ty BOT Trung Lương Mỹ Thuận. Dự án này gặp nhiều khó khăn trong viêc triển khai nhiều năm nhưng CII cho biết dự án đã được Chính phủ chấp thuận giải ngân 1.390 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ, công ty  tin tưởng rằng khoản đầu tư trên có hiệu quả và chắc chắn sẽ bảo toàn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, liên quan đến khoản đền bù 104 tỷ đồng cho vụ cháy chung cư Carina do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Sản xuất Hùng Thanh, đến thời điểm lập báo cáo, CII chưa có cơ sở để ghi nhận dự phòng nghĩa vụ phải trả vì còn chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. Công ty đánh giá khoản đền bù (nếu có) không ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính.

Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) ghi nhận lỗ tăng thêm 122 tỷ đồng sau kiểm toán, lên mức 1.003 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là kiểm toán chuyển lợi nhuận liên doanh từ lãi 1 tỷ sang lỗ 21 tỷ đồng và lợi nhuận khác chuyển từ lãi 1 tỷ sang lỗ gần 114 tỷ đồng, đều phát sinh từ liên doanh tại công ty Trồng rừng Trường Thành OJT (TTO).

Kiểm toán viên cũng đưa ý kiến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của TTF khi nợ ngắn hạn vượt 811 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn, các khoản vay ngân hàng đã quá hạn phải trả. Đồng thời, khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2019 đã lên mức 3.019 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 615 tỷ đồng.

Dù đang khó khăn, công ty vẫn đặt kế hoạch doanh thu 2.427 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2019 và lợi nhuận trước thuế 69,6 tỷ đồng. Công ty tiếp tục củng cố vị thế nhà cung cấp nội ngoại thất hàng đầu cho Vingroup, Tân Hoàng Minh, Sun Group… đồng thời mở rộng hoạt động xuất khẩu với nhà máy tủ bếp, nhà máy ván ép…

Lan Điền - Theo NDH

Link gốc

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Hàng loạt doanh nghiệp lộ nhiều vấn đề sau kiểm toán" tại chuyên mục Thương hiệu. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.