Phải thừa nhận rằng, các hãng hàng không Việt đang tự thân vận động rất mạnh để tồn tại, vượt qua “cơn bĩ cực” của đại dịch vừa qua.

p/Máy bay VNA liên tiếp thực hiện các chuyến bay thuê chuyến chở hàng hoá đến Đức. Ảnh: CNDE.

Máy bay VNA liên tiếp thực hiện các chuyến bay thuê chuyến chở hàng hoá đến Đức. Ảnh: CNDE.

Khi bị hạn chế về chuyên chở hành khách, các hãng xoay sang đẩy mạnh chở hàng. Vietnam Airlines mở những chuyến bay chỉ chở hàng từ Hà Nội, TP HCM đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong…, cho Tổng Công ty Bưu điện thuê nguyên chuyến bay để vận chuyển bưu phẩm. Vietjet cũng khai thác thêm những chuyến bay chuyên chở hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế. Khoang hành khách biến thành khoang hàng, cứu cánh cho các hãng bay thời phong tỏa.

Ngay khi hết phong tỏa, cả Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo đều tung ra những chương trình thẻ bay không giới hạn. Khách hàng chỉ cần mua một lần là được bay thoải mái trong một khoảng thời gian nhất định. Đây chính là hình thức bán vé “buffet” theo tháng. Giải pháp từng được nhiều hãng hàng không trên thế giới sử dụng để đẩy mạnh doanh thu ngắn hạn, bù đắp vào thiếu hụt dòng tiền trong những thời điểm khó khăn.

Cho đến giờ, các chuyến bay thương mại quốc tế vẫn chưa được phép mở lại, nội địa là thị trường duy nhất để khai thác. Vietnam Airlines liên tục mở thêm các đường bay nội địa mới để tận dụng hết máy bay trong khi chưa được bay quốc tế.

Cả 3 hãng hàng không Việt đều liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi giá vé rẻ để kích cầu. Vietjet “Trở lại bầu trời” với giá 9.000 đồng, “Bay Bamboo vô tư” 48.000 đồng, Vietnam Airlines đẩy mạnh loại vé không hành lý ký gửi để giảm giá. Tất cả đều nỗ lực kéo khách bay trở lại.

Đầu tháng 5 vừa qua, tần suất bay tuyến Hà Nội - TP. HCM đã lên đến gần 800 chuyến/tuần, dần phục hồi để hướng về mức 1.000 chuyến/tuần như vào cuối năm 2019. Khó khăn có vẻ đã qua đỉnh.

Hãng nghiên cứu thị trường hàng không CAPA dự báo, đến cuối tháng 5, đa phần các hãng hàng không toàn cầu sẽ phá sản nếu như không được chính phủ ra tay hỗ trợ. Khai mào là Virgin Australia của ông chủ tỷ phú tay chơi Richard Branson. Hãng hàng không lâu đời thứ 2 thế giới, Avianca nộp đơn phá sản giữa tháng 5. Thai Airways suýt phá sản nếu như không được chính phủ Thái cứu.

Trong bối cảnh hàng không toàn thế giới vẫn rất ảm đạm, nhiều hãng đang bên bờ vực phá sản như vậy, sự lạc quan, tự tin và đang trụ vững của các hãng hàng không Việt là một tín hiệu tích cực không chỉ của ngành hàng không, mà của cả kinh tế Việt Nam.

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp 

Link gốc