Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) thời gian vừa qua có đăng loạt bài phản ánh hiện tượng một số đối tượng ở xã Hưng Long (huyện Bình Chánh, TP HCM) lợi dụng nhu cầu cần mua đất rẻ xây nhà đã nên tổ chức phân lô trái phép đất nông nghiệp, sau đó lừa bán giấy tay cho nhiều người.
Phân lô bán nền trên đất người khác
Hàng chục người dân là nạn nhân mua đất nông nghiệp phân lô đã đồng loạt gửi đơn tố cáo đến Báo PLVN và nhiều cơ quan chức năng khác. Trong đơn, các nạn nhân đều tố cáo ông Trần Quốc Tuấn (tên khác là Út Ba, ngụ tại ấp 4 xã Hưng Long, Bình Chánh, TP HCM) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các nạn nhân thông tin, trong năm 2019, sau khi nghe tin ông Tuấn phân lô và bán nền tại đường Kinh T9 (xã Hưng Long), nhiều người đã đến văn phòng Công ty Tuấn Phát (công ty của ông Trần Quốc Tuấn) tìm hiểu. Tại đây, ông Tuấn đưa cho người mua xem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và Bản đồ hiện trạng vị trí 1/500 do ông Tuấn tự thuê vẽ. Theo Bản đồ hiện trạng, mảnh đất được phân ra khoảng 25 lô có diện tích từ 60m2/lô trở lên. Giá bán xê dịch từ hơn 200 triệu đồng/nền đến gần 300 triệu đồng/nền tùy vị trí và thời điểm.
Cách thức mua bán của ông Tuấn và ông Phan Chím Hùng (có tên khác là Quốc Hùng, Chiếm Hùng) vẫn như vụ việc trước mà báo đã nêu: sau khi người mua đặt cọc theo vị trí lô được chọn, kẻ bán hẹn ngày ký vi bằng và bàn giao tiền tại văn phòng Công ty Tuấn Phát.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, các vi bằng do Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn và Văn phòng Thừa phát lại quận 10 thực hiện. Nội dung đều ghi nhận việc ông Tuấn và ông Hùng nhận tiền, kèm theo hình ảnh và văn bản thỏa thuận chuyển nhượng đất có chữ ký và dấu lăn tay của hai bên mua bán.
Cần nói thêm, sau khi TP HCM nghiêm cấm việc lập vi bằng đối với mua bán đất bằng giấy tay, các thừa phát lại “lách” bằng cách lập vi bằng giao nhận tiền, kèm theo soạn luôn cho hai bên mua bán Văn bản thỏa thuận chuyển nhượng đất.
Nạn nhân phần đông người nghèo
Hàng chục người, trong đó không ít gia đình là công nhân, người nghèo đã vay mượn, gom góp tiền bạc mua đất vì thấy giá vừa túi, đồng thời mỗi khi mua xong đều nhận được lời hứa “sau 2 tháng sẽ được xây nhà cấp 4”. Bà Diệp Thị Vân, một nạn nhân của ông Tuấn kể: “Có những lô được bán cho vài người, thậm chí nhiều “cò” đất dẫn khách vào ban đêm, phải soi đèn pin bán”.
Một nạn nhân khác cũng là công nhân tên Nguyễn Thị Ngọc Mai kể thêm, bà mua một lô đất vào tháng 4/2019 với giá 220 triệu, ông Tuấn cam kết 2 tháng là xây được nhà. Tuy nhiên nhà không những không xây được mà có dấu hiệu ông Tuấn đã bán lô đất của bà cho người khác.
Ông Đặng Tấn Hiếu, một nạn nhân khác, cho biết: “Tôi làm công nhân ở Long Cang, Long an, lương tháng 5 triệu, nghe đất được xây nhà giá có 250 triệu nên chắt góp, vay mượn để mua. Ban đầu còn nghĩ có đất dù vừa làm vừa trả nợ cũng thấy vui, nhưng khi biết tin bị lừa thành ra đầu óc không còn bình thường, không thiết làm ăn gì nữa”.
Cùng chung hậu quả như bà Vân, bà Mai, ông Hiếu còn có các ông bà: Hà Phước Hưng (quận 8), Ngô Thị Tuyết (huyện Nhà Bè), Đào Thị Lý (quận Tân Phú)… đã bị ông Tuấn và ông Hùng bán đất nông nghiệp tự phân lô, giao dịch qua vi bằng. Tuy nhiên, khi đến nhận đất đã mua, mọi người mới vỡ lẽ, đất ông Tuấn, ông Hùng bán cho họ là của người khác.
Điều nhận thấy, đa số nạn nhân mua đất của ông Tuấn và ông Chiếm Hùng đều là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, một phần cũng vì thiếu hiểu biết nên vướng vào đất nông nghiệp phân lô. Hiện nay không ít người đều trong tình cảnh phải đi mướn nhà trọ, bỏ làm để đi đòi lại quyền lợi cho mình.
Thủ đoạn mới
Thông tin chúng tôi nhận được, sổ đỏ của mảnh đất trên là đất nông nghiệp, tổng diện tích hơn 3000m2, thuộc thửa đất số 26, tờ bản đồ số 41 đứng tên bà Tô Thị Huyền Trân (ngụ tại ấp 4 Hưng Long, Bình Chánh). Tuy chỉ một người đứng tên trên sổ đỏ nhưng thực tế, mảnh đất trên ngoài bà Trân, còn có hai người khác có quyền sử dụng là bà Trần Thị Kim Huệ và chồng là ông Trương Minh Hùng (cùng ngụ tại xã Tân Quý Tây, Bình Chánh).
Vào tháng 5/2019, ông Tuấn với ba người có quyền sử dụng mảnh đất trên đã ký một Văn bản thỏa thuận tại văn phòng công chứng với nội dung “bà Trân, bà Huệ, ông Trương Minh Hùng thỏa thuận hứa chuyển nhượng mảnh đất cho ông Trần Quốc Tuấn với giá 4,5 tỷ đồng. Ông Tuấn đặt cọc trước 500 triệu đồng, trong vòng 45 ngày hai bên sẽ hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và đăng bộ”.
Sau đó,bà Trân, bà Huệ, ông Trương Minh Hùng (chủ đất) đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ mảnh đất trên cho ông Nguyễn Xuân Thủy (ngụ tại quận 12) vào cuối tháng 6/2019. Như vậy, hoặc ông Tuấn đã không nhận chuyển nhượng (bỏ cọc) hoặc ông Tuấn đã nhận chuyển nhượng bằng giấy tay (không qua công chứng), sau khi san lấp phân lô lừa bán cho hàng chục người, tiếp tục chuyển nhượng cho ông Thủy và nhờ các chủ đất (đứng tên trên sổ) ký hợp đồng chuyển nhượng. Chúng tôi đã liên lạc với ông Thủy để làm rõ vấn đề chuyển nhượng trên, được ông xác nhận có ký hợp đồng mua bán toàn bộ mảnh đất, sổ đỏ hiện nay đứng tên ông từ cuối tháng 7/2019.
Tại thời điểm mảnh đất đã được chuyển nhượng hợp pháp và sang tên cho ông Thủy, hàng chục người đã xuống tiền mua đất nền của ông Tuấn (ông Hưng, bà Tuyết, bà Đào…) vẫn không hề hay biết mình bị lừa. Nhưng sự việc không dừng lại, sau khi mảnh đất có chủ mới, ông Tuấn và ông Chím Hùng vẫn tiếp tục bán nền bằng giấy tay cho nhiều người khác, như: bà Vân (ký vi bằng vào tháng 11/2019), bà Lý (ký cuối tháng 7/2019)… Cá biệt ông Đặng Tấn Hiếu, ký vi bằng vào cuối tháng 3/2020, tức là sau 9 tháng kể từ ngày mảnh đất sang tay chủ mới.
Chỉ đến khi người chủ đất là ông Thủy xuống thăm đất, biết tin mảnh đất nông nghiệp do mình đứng tên bị người khác tự ý cắm cọc phân lô mua bán lung tung nên ông mới rào lại. Lúc đó người dân mới vỡ lẽ lô đất mình bỏ hàng trăm triệu để mua đã bị ông Tuấn, ông Chím Hùng lừa.
Chính quyền phản ứng chậm chạp
Sau khi biết được sự việc một lô đất nông nghiệp bán cho nhiều người, các nạn nhân đã tìm gặp ông Trần Quốc Tuấn và Phan Chím Hùng để làm rõ việc lừa đảo. Một số người bức xúc, thuê người để đòi lại tiền thì được ông Tuấn trả tiền hoặc đổi đất. Ông Đặng Tấn Hiếu, cho biết: “Chúng tôi do thấp cổ, bé họng, thiếu hiểu biết nên ông Tuấn hứa hẹn nhiều lần, lúc thì 5/12, lúc thì hứa 10/12 nhưng cuối cùng im bặt”.
Hiện khu đất đã được chủ mới quây lại bằng cột bê tông và lưới B40, cũng tại đây, chúng tôi gặp và trao đổi cùng ông Trần Văn Sinh, một người dân sinh sống kế mảnh đất lừa bán cho nhiều người. Ông Sinh cho biết: “Mảnh đất này được bán qua 3,4 chủ rồi, ban đầu đây là miếng ruộng, sau này được phân lô để bán. Khi đó, ông Tuấn có ý muốn đổi một phần đất mặt tiền của tôi để làm đường, thỏa thuận đổi 3,5m lấy 2 nền, tôi đã đồng ý”. “Tuy nhiên, sau khi ông chủ mới (ông Thủy) rào đất thì tôi mới phát hiện không ổn, rồi rào theo luôn”, ông Sinh kể.
Cũng theo người dân sinh sống tại đây kể lại, sau khi khu đất này được san lấp, cắm cọc để phân lô, mua bán ầm ĩ được một thời gian thì xã Hưng Long mới xuống cắm bảng Thông báo với nội dung: nghiêm cấm mọi hành vi phân lô đất, san lấp, xây dựng công trình nhà ở khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng đến nay, mảnh đất trên đã được bán hết cho hàng chục người.
Được biết, hiện các cơ quan chức năng của huyện Bình Chánh, Công an TP HCM đều đã nhận được hàng chục đơn tố cáo ông Trần Quốc Tuấn và ông Phan Chiếm Hùng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một số lần mời người tố cáo lên làm việc, đến nay chưa có một trả lời chính thức nào từ các cơ quan chức năng khiến vụ việc dường như dậm chân tại chỗ và người dân vô cùng bức xúc.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin.