Ngay sau khi quận Long Biên (Hà Nội) thông tin về việc lấp ao, hồ trên địa bàn với lý do “nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt”, người dân phường Ngọc Thụy đã chỉ rõ thêm hàng chục ao hồ tự nhiên đã bị san lấp trước đó không lâu.
Bà Nguyễn Thị Lan, người bản địa sinh sống nhiều thế hệ tại phường này cho biết, phường có rất nhiều ao hồ, nhưng đã bị san lấp khá nhiều để chuyển đổi thành đất ở.
Nhiều năm trước, người dân Ngọc Thụy sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, trồng sen bán hoa, hạt và củ sen…
Hồ Đầm Nấm - một trong những hồ tự nhiên của phường Ngọc Thụy đã "biến mất", để thành đất phân lô bán nền |
Khi đó, có hàng chục ao hồ tự nhiên và được đặt tên theo những cao niên ở làng (như hồ Bà Đồ, hồ Đầm Nấm…); còn lại, thường được gọi là hồ sen theo thói quen.
Khoảng tháng 6/2021, trước khi người dân nhận được thông tin thu hồi hồ Bà Đồ để san lấp, phân lô bán nền, khu đầm sen rộng hàng chục nghìn m2 cũng bị san lấp.
Vệt hồ này chạy dọc hai bên tuyến đường 40m đang được thi công dở dang. Người dân nhận định, tuyến đường đi qua là căn cứ để chuyển đổi khu vực đất nông nghiệp tổ 11, 12 (phường Ngọc Thụy), đất ao hồ… thành đất ở một cách hợp pháp, và giá trị của nó được nâng lên gấp cả trăm lần.
Một tấm biển quy hoạch được treo trên khu đất trước đó là đất nông nghiệp, ao hồ của phường Ngọc Thụy |
Những khu đất được phân lô, đánh số trước thời điểm tuyến đường 40m được làm ở phường Ngọc Thụy |
Anh Vũ Đình Tuấn, người dân tổ 11 cho biết, tháng 6/2021, khu đầm sen liền kề với hồ Bà Đồ được lấp, sau đó quây tôn kín mít. Người dân không biết bên trong họ làm những gì.
Ngoài ra, khu hồ Chiều Bình, hồ câu Xuân Quế rộng hàng chục nghìn m2 được cho một hộ dân thuê để làm hồ câu, khu sinh thái, khu dịch vụ ăn uống… từ nhiều năm qua.
Thực tế, việc mua bán đất nông nghiệp đối với những khu “đất kẹt” dọc hai bên tuyến đường 40m chạy qua phường Ngọc Thụy đã sôi động từ rất lâu.
Bên trong khu đất quây tôn... |
...trước kia chính là hồ sen có diện tích lên tới vài chục nghìn m2. |
Anh Nguyễn Anh Điệp (số nhà 67) và anh Tô Hoài Văn (số nhà 79) cho biết, người dân đều biết có việc mua bán, đầu tư, sang nhượng đất nông nghiệp trái phép trên địa bàn. Một số cá nhân thu gom, lập dự án làm sân tennis, sân tập golf trái phép… sau đó bị chính quyền cưỡng chế vì xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Năm 2011, người dân 2 tổ trên cũng đã làm đơn kiến nghị tập thể và ngăn chặn kịp thời để hồ Đầm Sen (ở giữa làng) không bị san lấp, phân lô bán nền.
Hồ tự nhiên ở giữa tổ dân phố 11, 12 được bà con đồng lòng đấu tranh giữ được từ năm 2011. |
Sau đó, hồ được giữ lại, kè xung quanh, làm đường đi quanh hồ. Từ đó đến nay, nó trở thành không gian công cộng, lá phổi xanh cho bà con.
Lấp hồ, phân lô bán hơn 100 triệu/m2
Xác nhận với VietNamNet, anh Vũ Anh Tuấn (SN 1979, số nhà 75) cho biết, giá đất tại phường Ngọc Thụy đang được rao bán ở mức trên 140 triệu đồng/m2. “Nếu hở miếng nào ra là mất miếng đó” - anh Tuấn cho biết.
Hiện, quận Long Biên đang triển khai xây dựng khu tái định cư, giãn dân ở khu vực đất nông nghiệp giáp với phường Thượng Thanh.
Những công trình xây dựng, san lấp trái phép đất nông nghiệp để đón đầu dự án tuyến đường 40m được mở, từ đó chuyển đổi "đất kẹt" thành đất thổ cư |
Hạ tầng trường cấp 2 Ngọc Thụy cũng đã được xây dựng trên vị trí quy hoạch mới. Quận vừa khánh thành công viên Thượng Thanh, trước kia là hồ Đầm Nấm rộng hàng chục nghìn m2. Đối diện với công viên Thượng Thanh, các ô đất phân lô, bán nền thuộc dự án tái định cư đã được làm hạ tầng, đường, điện. Những tấm biển giao dịch bất động sản được mọc lên khắp nơi.
Hồ Đầm Nấm, hồ Đầm Sen, hồ Bà Đồ…, cùng hàng chục ao hồ tự nhiên không có tên, đều lần lượt biến mất, được chuyển thành đất ở.
“Hồ Bà Đồ với diện tích 8.000 m2, nếu bị san lấp chia ô thành đất ở, nó tương ứng với khoảng gần 1.000 ô đất, với giá 100 triệu đồng/m2, nó là con số cả nghìn tỷ đồng chứ không hề nhỏ” - anh Tuấn nhận định.
Những bất động sản ở phường Ngọc Thụy được bán với giá trên 100 triệu đồng/m2 |
Theo bà Nguyễn Thị Lan, khi bà ra ở khu đất bây giờ, gắn bó với hồ Bà Đồ, vùng này còn rất hoang vu, thưa dân cư.
“Khi đó phường Ngọc Thụy có đến vài chục ao hồ. Mỗi năm cứ mất dần, họ san lấp vô tội vạ. Người dân không biết dự án nào vào dự án nào, chỉ thấy hồ bị lấp thì tiếc thôi. Tới đây, mấy hồ này bị lấp hết, thì Ngọc Thụy mất sạch hồ tự nhiên” - bà Lan ngậm ngùi.
Trả lời câu hỏi của PV VietNamNet, phường Ngọc Thụy hiện tại có bao nhiêu ao hồ, bà Lê Thị Bích Hoài, quyền Chủ tịch phường thừa nhận, bà không nắm được.
“Tôi mới phụ trách nên cũng không nắm được phường có bao nhiêu ao hồ tự nhiên”, bà Hoài nói.
Những công viên được xây dựng nhanh chóng cho có tên và đủ trong danh mục được quy hoạch |
Những hạng mục này kéo theo giá trị bất động sản lên cao rất nhiều |
Công viên Thượng Thanh vừa được xây dựng |
Trả lời câu hỏi về thực trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn, nếu thuộc về dự án đang triển khai thì sẽ xử lý như thế nào, đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên, Phó Chánh Văn phòng UBND quận và quyền Chủ tịch phường Ngọc Thụy đều cho biết: “sẽ xử lý theo quy định”.
Điều đáng nói, từ tháng 6/2009, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ rà soát các đồ án quy hoạch, kịp thời điều chỉnh, tăng cường công tác quản lý đô thị, kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, san lấp ao hồ; Đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, thống kê danh mục các hồ trên địa bàn Thủ đô để lập kế hoạch kè bờ, cải tạo, chống lấn chiếm...
Theo Kiên Trung/Vietnamnet