Thời gian qua, dư luận phản ánh nhiều về những bất cập, tồn tại trong việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư. Những vụ việc lùm xùm, tranh chấp liên quan đến phí bảo trì chung cư giữa Ban Quản trị với chủ đầu tư xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo tìm hiểu được biết, tại các tòa nhà chung cư đang được vận hành sử dụng tại Hà Nội, số chung cư được bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị lại chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Mặt khác, với 2% giá trị căn hộ, thì tổng số tiền quỹ bảo trì chung cư mà chủ đầu tư nắm giữ và chưa bàn giao cho Ban Quản trị tòa nhà là rất lớn.
Trong khi đó, nhiều chung cư mặc dù đã vận hành, sử dụng từ lâu, thậm chí là xuống cấp, hư hỏng, thế nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ, không bàn giao quỹ bảo trì. Theo tìm hiểu, nhiều chủ đầu tư ngang nhiên chiếm dụng hàng chục tỷ đồng khoản phí bảo trì tòa nhà khiến người dân vô cùng bức xúc. Đó cũng là căn nguyên khiến cho những mâu thuẫn, tranh chấp quỹ bảo trì nhà chung cư diễn ra thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, trật tự tại các khu chung cư.
Trước những phản ánh của người dân, vừa qua, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc tìm các giải pháp và đưa ra phương án xử lý nghiêm với những chủ đầu tư vi phạm.
Đặc biệt, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố 15 Kết luận Thanh tra về phí bảo trì của 22 chung cư ở Hà Nội. Qua 15 Kết luận Thanh tra, đã yêu cầu chuyển trả cho Ban Quản trị nhà chung cư 250 tỷ đồng. Hầu hết các kết luận đều chỉ ra những vi phạm, thiếu sót, qua đó yêu cầu chủ đầu tư và các bên phải khắc phục.
Theo đó, nhiều chung cư tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư đang quản lý kinh phí bảo trì tại tài khoản của chủ đầu tư với lãi suất không kỳ hạn; bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đối với khu căn hộ; một số dự án khác cũng liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng phí bảo trì và vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng: Chung cư: Riverside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân) chủ đầu tư là Liên danh Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty Cổ phần đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Videc), Chung cư hỗn hợp Hateco Hoàng Mai chủ đầu tư Công ty Cổ phần Hateco Hà Nội, Chung cư Hope Residences (do Công ty Cổ phần phát triển nhà Phúc Đồng là chủ đầu tư); Chung cư CT1, CT2A, CT2B và CT3 – Gelexia Riverside (của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam); Tòa nhà hỗn hợp Hateco Hoàng Mai (do Công ty Cổ phần Hateco Hà Nội làm chủ đầu tư); Chung cư Intracom 1, Intracom Riverside (của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông); chung cư 17T1, 17T2 thuộc dự án khu nhà ở Trung Văn (Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông là chủ đầu tư)…
Thậm chí có trường hợp do giữa chủ đầu tư và ban quản trị không thống nhất được việc phân chia diện tích chung riêng và diện tích mà chủ đầu tư giữ lại dẫn đến không quyết toán được số liệu, chậm bàn giao kinh phí bảo trì từ 1 đến 3 năm.
Được biết quy định về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những tranh chấp, lùm xùm về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và Ban Quản trị nhà chung cư vẫn diễn ra thường xuyên. Hiện tại nhiều dự án chung cư tại Hà Nội, các chủ đầu tư vẫn cố tình chây ỳ, phớt lờ việc bàn giao quỹ cho Ban Quản trị khiến dư luận bức xúc.
Các chuyên gia cho rằng, việc cố tình chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư trong thời gian dài và có yếu tố sai phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự. Các Kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng như đã nêu trên sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những chủ đầu tư nếu cố tình chây ỳ, chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư. Để hạn chế những bất cập này, cần thiết có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đặc biệt là việc thanh kiểm tra, giám sát từ các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.