Sau những phản ứng sôi sục của dư luận, sự lúng túng của chính quyền, cuối cùng số phận của nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng đã được định đoạt.

AGAGAG

Số phận của nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng đã được định đoạt

Lệch pha

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Mèo Vạc chỉnh trang, cải tạo một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. Toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh.

Theo Đồ án quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực có nhà hàng nêu trên là nơi hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng.

Sai phạm đã rõ. Nhưng có một sự lãng phí không hề nhỏ, một sự lệch pha lớn giữa chính quyền với chủ đầu tư. Như một nghịch lý nhà hàng Panorama lại nằm trên chính cung đường “Hạnh phúc” với bao kỳ vọng được gửi gắm.

Chủ nhà hàng rơi nước mắt kể, trước kia đây là mảnh đất hoang, chỉ có sỏi đá, không trồng được cây cối gì. Từ khi đặt viên đá đầu tiên làm móng nhà, đến khi công trình hoàn thành là những ngày bà cực nhọc và mất ăn, mất ngủ. Tâm nguyện của bà là muốn thu hút thêm nhiều khách du lịch đến đây, cho "người dân địa phương đỡ khổ".

Bà Vũ Ngọc Ánh, chủ nhân Mã Pì Lèng Panorama khẳng định việc xây dựng có sự ủng hộ, hậu thuẫn của chính quyền huyện Mèo Vạc.

Trong báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Giang gửi Chính phủ, thừa nhận có chủ trương xây một điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng. Chủ trương này dựa trên khuyến nghị của GS Guy Martini, Tổng Thư ký Ban điều phối Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, về việc xây điểm dừng chân phục vụ du khách tại khu vực hiện nay là công trình Panorama chủ nhân Mã Pì Lèng Panorama.

Giám đốc một doanh nghiệp có  nhiều năm gắn bó với Hà Giang từng thở dài thườn thượt mà rằng: Nói đến Hà Giang là… dang dở! Phải chăng đó là số phận khó cải biến của mạnh đất này?

Nhìn rộng hơn sẽ thấy, thời kỳ đại công trường đầu những năm 2000 đã chôn vùi hàng chục doanh nghiệp. Hậu quả để lại cho Hà Giang là con số nợ xây dựng cơ bản gần 1.800 tỉ đồng, kéo chững sự phát triển của tỉnh so với các địa phương khác.

Tầm nhìn “panorama”

Với phương án được đưa ra có thể hình dung Mã Pì Lèng Panorama sẽ vẫn tồn tại theo một cách nào đó. Nhưng rõ ràng, một phần công sức, một phần vốn không nhỏ đã bị ném xuống vực Tu Sản. Quan trọng hơn nó đánh mất niềm tin vào năng lực thực thi của chính quyền.

“Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” thông điệp quan trọng của các cấp chính quyền khi nói về mối quan hệ với doanh nghiệp, với nhà đầu tư. Nhưng dường như với Hà Giang là một ngoại lệ. Thêm một công trình dang dở và người ta nhận ra sự “độc hành” của bà Vũ Ngọc Ánh trên đỉnh Mã Pí Lèng.

Nó cũng lý giải vì sao nhiều năm liền năng lực cạnh tranh cấp tỉnh(PCI) của Hà Giang luôn đì đẹt ở top cuối. Năm 2018, Hà Giang xếp thứ 52/63 tỉnh thành trên bảng xếp hạng PCI.

Hà Giang, kinh tế còn nghèo, đó là một thực tế. Nhưng Hà Giang giàu tài nguyên và luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư mà Mã Pì Lèng Panorama là một phép thử. Rồi đây, các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận và đến với Hà Giang như thế nào?

Khi được hỏi về sai phạm của nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng, Giám đốc Sở Xây dựng than thở rằng, một phần nguyên nhân bởi đến nay tỉnh vẫn chưa có quy hoạch chi tiết. Tỉnh cũng chưa biết khi nào sẽ xây dựng được quy hoạch chi tiết, bởi hiện vẫn không có tiền làm. Nếu không có quy hoạch chi tiết thì rất có thể thời gian tới, sẽ lại có thêm nhiều công trình khác mọc lên dọc đèo Mã Pì Lèng.

Nói vậy không sai nhưng rõ ràng với bối cảnh thực tại của Hà Giang là chưa đúng.

Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đặt ra nguyên tắc: Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.

Vậy chính quyền Mèo Vạc đã trao đổi với những gì trong các cuộc họp và đồng hành ra sao với chủ đầu tư Mã Pì Lèng Panorama?

Bài học đã có, thiệt hại là hiện hữu, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng. Chương trình hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn của tỉnh với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Hà Giang sẽ trở thành địa bàn trọng điểm trong phát triển du lịch tại vùng núi phía Bắc.

Muốn vậy phải có hạ tầng để phát triển du lịch. Muốn vậy phải huy động được nguồn lực xã hội, phải trân trọng từng đồng vốn của nhà đầu tư và hơn cả là tầm nhìn “panorama” của các cấp chính quyền!

Theo Diễn đàn doanh nghiệp