Giữ không gian cho TP biển Nha Trang

11/08/2020 10:00

TP biển Nha Trang, trong đó có Vịnh Nha Trang được mệnh danh là cảnh quan kỳ vĩ, thơ mộng. Nơi đây được tôn vinh là một trong những tài nguyên thiên nhiên vào loại đẹp, quý hiếm bậc nhất của thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và phát triển. Thế nhưng, những năm gần đây môi trường sống đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và những công trình đang được bê-tông hóa đã dần chiếm chỗ, thay thế diện tích cây xanh vốn được coi là “lá phổi xanh” của người dân Nha Trang.

TP biển Nha Trang, trong đó có Vịnh Nha Trang được mệnh danh là cảnh quan kỳ vĩ, thơ mộng. Nơi đây được tôn vinh là một trong những tài nguyên thiên nhiên vào loại đẹp, quý hiếm bậc nhất của thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và phát triển. Thế nhưng, những năm gần đây môi trường sống đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và những công trình đang được bê-tông hóa đã dần chiếm chỗ, thay thế diện tích cây xanh vốn được coi là “lá phổi xanh” của người dân Nha Trang.

Dự án 44 Trần Phú, xây dựng xong 36 tầng chính quyền mới phát hiện chưa có thủ tục, giấy tờ xây dựng.

Kỳ 1: Những “lá phổi xanh” đang bị “teo tóp”

Sự xâm chiếm của bê-tông cốt thép

Theo Quyết định số 1396/QĐ-TTg ngày 25-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 thì phạm vi nghiên cứu điều chỉnh với tổng diện tích là 26.547 ha, bao gồm: TP Nha Trang có tổng diện tích tự nhiên là 25.260 ha và khoảng 1.287 ha thuộc hai xã Diên An và Diên Toàn của huyện Diên Khánh. Quy mô dân số năm 2015 toàn TP Nha Trang khoảng 560 nghìn người (nội thành khoảng 415 nghìn người); đến năm 2025 dân số toàn thành phố khoảng 630 nghìn người (nội thành khoảng 560 nghìn người); với diện tích đất đô thị đến năm 2025 là 5.500 ha – trung bình 122 m²/người.

Trước đó, năm 2005, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định số 230/QĐ-UB về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch Hệ thống cây xanh TP Nha Trang đến năm 2010 và 2020. Theo đó, đến năm 2010 hệ thống cây xanh với quy mô 750 ha (đạt bình quân 15 m²/người), năm 2020 đạt bình quân 20 m²/người. Thời điểm năm 2010 (được tính dân số khoảng 500 nghìn người), cây xanh tại công viên các loại là 273 ha, chiếm 36,4%; cây xanh giao thông là 117 ha, chiếm 15,6%; hoa kiểng vườn ươm  60%, chiếm 8%; cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên môn khoảng 300 ha, chiếm 40%. Dân số tính đến năm 2020 khoảng 650 nghìn đến 740 nghìn người, đạt 20 m² cây xanh/người.

Đến ngày 25-12-2012, UBND thành phố Nha Trang tiếp tục có Quyết định số 5231/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Nghiên cứu điều chỉnh một số chủng loại cây xanh đường phố và công viên trên địa bàn TP Nha Trang thì mục tiêu thực hiện điều tra hệ thống cây xanh đường phố khu vực TP Nha Trang để nắm lại đầy đủ, chính xác số liệu thực tế phục vụ công tác quản lý duy tu cây xanh hiện tại. Xác định chủng loại cây xanh cho từng tuyến đường phù hợp đặc trưng từng khu vực và đề xuất cây trồng cho các công viên chức năng. Đối tượng là cây xanh công cộng (cây đường phố và cây công viên). Trong đó, định hướng phát triển cây xanh đô thị trên nguyên tắc chung là đối với các điểm cây xanh cổ thụ, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của TP Nha Trang cần được bảo tồn, đối với những tuyến đường tồn tại những hàng cây lâu năm cần được duy trì, giữ lại và phát triển thêm trong quá trình chỉnh trang, mở rộng đường. Nâng cao ý thức cộng đồng tham gia công tác bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị thông qua hoạt động giáo dục tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia. Mặt khác, có quy định nghiêm, phạt nặng mọi hành vi xâm hại hệ thống cây xanh đô thị.

Với những bản quy hoạch này, có thể thấy phát triển cây xanh tại TP Nha Trang là một việc rất cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế những diện tích cây xanh của thành phố du lịch này đã bị “teo tóp” nhanh chóng. Theo ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, một kết quả nghiên cứu năm 2018 cho thấy mật độ cây xanh tại TP Nha Trang chỉ còn khoảng 0,9 m²/người. Trong khi đó, bảng thống kê chỉ tiêu mật độ diện tích cây xanh/người trong đề án nghiên cứu chỉnh trang cây xanh cảnh quan TP Nha Trang, hiện trạng năm 2018 cây xanh công viên chỉ đạt 0,56 m²/người; cây xanh vườn hoa đạt 0,24 m²/người; cây xanh đường phố đạt 0,79 m²/người (chỉ tiêu cây xanh theo quy chuẩn là từ 10 đến 12 m²/người).

Ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến việc diện tích cây xanh bị giảm mạnh tại TP Nha Trang chính là việc cấp giấy phép đầu tư xây dựng không theo quy hoạch và xây dựng không phép, trái phép tràn lan trên địa bàn đã phá vỡ quy hoạch của Nha Trang. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì chắc chắn những “lá phổi xanh” của TP Nha Trang sẽ dần biến mất”. Theo ông Lộc, hiện tại TP Nha Trang không còn một công viên cây xanh thực thụ mà chỉ còn khu cây xanh chạy dọc theo bãi biển Trần Phú, tuyến đường huyết mạch đẹp nhất TP Nha Trang nhưng cũng đang bị “teo tóp” bởi sự xâm chiếm của những khối bê-tông cốt thép từ các công trình xây dựng ven biển.

Nhiều công trình vi phạm 

Theo quy hoạch, trục phát triển đô thị tại TP Nha Trang được xác định với trục đô thị ven biển bao gồm không gian công viên kết hợp dịch vụ du lịch và dải công trình phía tây đường Trần Phú và phía tây đường Phạm Văn Đồng. Trong đó, trục đô thị dọc sông Cái: Khu vực cửa sông từ cầu Đường sắt ra đến biển. Tạo các không gian công cộng, quảng trường ven sông, các bến cập thuyền; Khu vực phía tây Đường sắt: Không tổ chức đường giao thông chính đô thị chạy dọc sông, các tuyến đường dọc sông là đường khu vực, bảo đảm liên kết hoạt động của các khu chức năng với các không gian công cộng, quảng trường sát bờ sông; Trục đô thị chạy dọc khu đô thị sinh thái phía nam đường Phong Châu: Bao gồm các trung tâm đô thị gắn với cảnh quan sinh thái ven mặt nước, các trục đô thị dọc theo các tuyến đường hướng biển, khuyến khích xây dựng tập trung, cao tầng dọc theo các tuyến đường này. Các khu chức năng gồm khu đô thị ven biển với quy mô đất xây dựng đô thị 2.740 ha, dân số dự báo là 245 nghìn người, chiều cao xây dựng tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng khoảng 40%, ưu tiên các hoạt động du lịch – dịch vụ.

Quy hoạch là vậy, nhưng trên thực tế tại TP Nha Trang những năm gần đây tốc độ phát triển đô thị hóa ồ ạt, với những công trình cao tầng mọc san sát dọc các tuyến đường ven biển đang dần phá “nát” TP biển Nha Trang. Ngay việc cấp phép xây dựng cho nhiều công trình cao tầng ngay trên tuyến đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng, dải đô thị và công viên dọc bờ biển TP Nha Trang vượt cả 40 tầng so với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí, công trình quy mô xây dựng 36 tầng, được xây dựng trên khu đất rộng 9.000 m² nhưng không có giấy phép xây dựng được mọc lên ngay tại số 44 Trần Phú. Mãi đến khi công trình hoàn thành các cơ quan chức năng tại tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang mới phát hiện xử phạt chủ đầu tư.

Ngay dải cây xanh chạy dọc đường Trần Phú, nơi được coi “lá phổi xanh” duy nhất còn tồn tại cũng đang bị nhiều công trình xây dựng, resort, nhà hàng, quán nhậu, quán bar… chiếm dụng, “băm nát” mặt biển. Theo quan sát của chúng tôi, từ Quảng trường trung tâm TP Nha Trang chạy dọc đường Trần Phú về hướng Công viên Bạch Đằng có đến hàng chục công trình như quán bar Sailing, Bboss Egame Club, nhà hàng và quán bar Ana Beach House, khu resort Ana Mandara… Hầu hết các công trình này đều làm tường rào phía mặt đường Trần Phú bịt kín cả lối ra biển và phía mặt biển là nhiều công trình được xây dựng khá kiên cố.

Trong đó, phải kể đến khu resort Ana Mandara do Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Thực tế, khu resort Ana Mandara được UBND tỉnh Khánh Hòa cho Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa thuê từ năm 2004, 2005 để xây dựng khách sạn và kinh doanh các dịch vụ khách sạn, thể thao. Đầu năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép thành lập liên doanh giữa công ty này với Công ty CP Sovico để thành lập ra Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa. Ngày 13-6-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1488/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, mặt nước biển do Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa thuê sử dụng và cho Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa thuê để kinh doanh khu resort Ana Mandara, với diện tích thu hồi và cho thuê hơn 28.189 m² và diện tích mặt nước biển thu hồi và cho thuê 10.000 m²; thời hạn thuê đất và mặt nước biển kể từ ngày 1-1-2014 đến hết ngày 31-12-2018.

Tuy vậy, đến thời điểm này resort Ana Mandara vẫn đang hoạt động bình thường và chưa được di dời. Đây là dự án được coi là khá “kín cổng, cao tường” khi phía trước dọc theo đường Trần Phú được “rào” kín bởi tường rào là cây xanh cao khoảng ba mét, chạy dài hàng trăm mét và phía sau là những căn biệt thự, phòng nghỉ được xây kiên cố ra tận mép biển. Hai bên khu resort có trạm gác luôn có nhân viên bảo vệ. Với những công trình xây dựng kiên cố ra tận mép biển, có thể thấy được dự án này không những vi phạm hành lang bảo vệ biển mà đã góp phần phá vỡ cảnh quan, môi trường và “lá phổi xanh” của TP Nha Trang (?).

Bài & ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI NAY

Link gốc

 

Bạn đang đọc bài viết "Giữ không gian cho TP biển Nha Trang" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.