Giới kinh doanh dự báo khả năng các hãng và đại lý xe hơi mượn cớ giảm lệ phí trước bạ khiến nhu cầu mua xe tăng để đẩy giá lên.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cho đến hết năm 2020.
Khách hàng chờ đợi
Tuy kỳ vọng giá ôtô sẽ giảm đáng kể nhờ quyết định giảm lệ phí trước bạ nhưng do chưa rõ thời gian bắt đầu áp dụng nên đa phần khách hàng vẫn đang lưỡng lự trước quyết định mua xe.
Theo khảo sát của phóng viên, sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, các đại lý ôtô tại TP HCM đã trở lại kinh doanh, nhiều showroom ôtô được trang trí bắt mắt hơn trước với các tấm áp phích ưu đãi giảm giá, tặng quà để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng khách hàng đến các đại lý vẫn còn thưa thớt.
Ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành Ôtô, nhìn nhận doanh nghiệp (DN) ôtô trong mùa dịch này đã lâm vào tình trạng "khó khăn chồng chất khó khăn". "Thị trường ôtô sụt giảm nghiêm trọng trong suốt những tháng đầu năm. DN vừa mới hy vọng thị trường hồi sinh sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt thì lại vụt tắt bởi thông tin giảm lệ phí trước bạ khiến người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi quyết định chính thức. Đến nay, chưa rõ ngày bắt đầu áp dụng giảm lệ phí trước bạ nên thị trường vẫn đứng im" - ông Thân nói.
Tương tự, ông Lê Minh Hiếu - quản lý một đại lý ôtô ở quận Tân Bình, TP HCM - cho biết từ đầu tháng 5-2020, khi hoạt động xã hội gần như trở lại bình thường, các đại lý ôtô vẫn thưa vắng khách. Hầu hết khách tới đại lý để tham khảo giá và chờ thời điểm chính thức giảm lệ phí trước bạ thì mới quyết định có mua xe hay không.
Ghi nhận ý kiến từ phía khách hàng, nhiều người cũng cho rằng cần suy nghĩ kỹ khi mua xe ở thời điểm này. Có kế hoạch mua ôtô vào đầu năm 2020 để tận dụng nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, ông Trần Hoàng Minh (ngụ quận 1, TP HCM) phải tạm dừng bởi kinh tế gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đến nay, khi có thông tin giảm lệ phí trước bạ, ông Minh quyết định chờ đợi tiếp.
Ông Ngô Văn Thái (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) có hơn chục ôtô cho thuê chạy xe công nghệ cũng đang đau đầu vì bị đối tác trả xe do ế ẩm. Trước áp lực trả nợ ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh, ông Thái buộc phải bán phần lớn số xe cho thuê. Tuy nhiên, ông thừa nhận: "Nếu lệ phí trước bạ giảm ngay lúc này, tôi cũng cân nhắc mua lại 1-2 chiếc để kinh doanh, bởi nhu cầu đi lại vẫn chưa thực sự hồi phục, khó cho thuê xe như trước kia" - ông Thái bộc bạch.
Khách hàng đến đại lý ôtô chủ yếu tham khảo, chưa quyết định mua xe
Mức giảm chưa hấp dẫn
Tuy thừa nhận giảm lệ phí trước bạ có nhiều ý nghĩa với việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh nhưng các đại lý nhìn nhận ảnh hưởng của dịch Covid-19 là quá lớn, chỉ giảm lệ phí trước bạ vẫn chưa đủ để thu hút khách hàng.
Theo tính toán của giới kinh doanh, lệ phí trước bạ được tính 10% hoặc 12% trên giá bán xe tùy địa phương. Một chiếc xe giá 500 triệu đồng tương ứng với lệ phí trước bạ theo quy định cũ là 50 triệu đồng. Khi được giảm 50% lệ phí trước bạ, số tiền khách hàng được giảm khi mua xe là 25 triệu đồng. Giới kinh doanh và khách hàng đều đánh giá số tiền giảm không lớn. "Chỉ những xe thuộc phân khúc đắt tiền, lên tới hàng tỉ đồng mỗi chiếc thì mức giảm lệ phí trước bạ mới đáng kể. Tuy vậy, đối tượng mua xe sang hiện nay không nhiều và họ cũng không quá bận tâm đến mức giảm phí này" - chủ một đại lý cho hay.
Chưa kể, có khả năng khi quy định giảm lệ phí trước bạ chính thức có hiệu lực, mức giảm giá xe trong giao dịch thực tế sẽ không lớn, thậm chí có thể tăng thêm. Nguyên nhân bởi khi áp dụng quy định giảm lệ phí trước bạ, các hãng xe và đại lý sẽ cắt bỏ phần ưu đãi hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách hàng lên đến 100% theo chính sách kích cầu các hãng tự đưa ra trước đây hoặc cắt các gói ưu đãi, giảm giá, quà tặng… "Nhiều người còn lo ngại khi lệ phí trước bạ giảm, thị trường sôi động trở lại, các hãng, các đại lý lợi dụng cơ hội để tăng giá xe nhằm kiếm lợi nhuận bù lại những tháng đầu năm thị trường tê liệt" - chủ một đại lý xe cảnh báo.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), số xe bán ra của các hãng xe đều giảm rất mạnh. Tính chung toàn thị trường, lượng hàng bán trong tháng 4 chỉ 11.761 xe, giảm 39% so với tháng trước đó và giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch giảm 40%, xe thương mại giảm 36% và xe chuyên dụng giảm 16% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, sản lượng xe lắp ráp trong nước cũng giảm 38% và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm 40% so với tháng trước.
Bài và ảnh: Long Giang - Theo NLĐ
Link gốc