Tiêu thụ nông sản phải gắn với các đầu mối liên kết giữa các nhà sản xuất, thúc đẩy minh bạch thông tin, tạo lòng tin cho khách hàng...
Không thể giải cứu mãi
Do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi do virus corona, nhiều loại nông sản như dưa hấu, thanh long được kêu gọi giải cứu. Bình luận về việc này, ông Nguyễn Hữu Thắng - nguyên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho rằng, chiến lược giải cứu đang bộc lộ những bất cập đáng lo ngại.
Tuyến phố nào cũng có biển kêu gọi giải cứu dưa hấu. Ảnh: VoH
Về việc này, trước hết ông Thắng đánh giá cao tính nhân văn, đạo đức của chiến dịch giải cứu, nhờ sự vào cuộc của các doanh nghiệp, siêu thị mà ngàng nghìn tấn nông sản bị tồn đọng, không xuất được qua các cửa khẩu đã được giải quyết nhanh chóng.Phân tích cụ thể, ông Thắng đề cập tới thông tin sau vài ngày dưa hấu được giải cứu với giá bán ra từ 6.000 đồng - 8.000 đồng/kg, thanh long với giá từ 6.000 đồng/kg thì các siêu thị đã không còn mua được hàng giải cứu.
"Giải cứu là chương trình rất nhân văn, nhân đạo, thông qua giải cứu nhiều nông sản tồn đọng, không xuất được qua cửa khẩu đã được bán hết.
Tuy nhiên, cũng chính vì giá giải cứu quá thấp, chưa bảo đảm được lợi ích cho người trồng nên ngay sau khi giải cứu được hết số hàng tồn đọng, người trồng dưa, thanh long đã không còn muốn được giải cứu nữa. Đây là lý do các siêu thị không còn hàng để giải cứu.
Nhưng cũng phải thấy ở đây là tâm lý làm ăn chụp giật, không ký kết hợp đồng, thấy lợi là làm của người nông dân. Khi giá lên cao thì bán ra ngoài cho thương lái, khi giá thấp lại kêu gọi được giải cứu.
Vì thế, cần phải nhìn nhận lại việc giải cứu vì nếu thật sự mức giá giải cứu là quá thấp sẽ tạo xu hướng tiêu cực, không khuyến khích người nông dân hướng tới trồng nông sản chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Còn nếu giải cứu chỉ vì muốn bán hết hàng tồn, sẽ trở thành khuyến khích người nông dân làm ăn manh mún, chụp giật, không hướng tới sản xuất bền vững, thông qua các hợp đồng ký kết chặt chẽ, khi giá lên thì bán ra ngoài, còn khi hàng ế thì ỉ lại, kêu gọi giải cứu", ông Thắng nói.
Vấn đề nữa, ông Thắng cho hay, lâu nay dư luận luôn có cái nhìn không thiện cảm với thương lái và cho rằng nông sản trong nước trồng rẻ, bán đắt là do thương lái ăn lãi nhiều.
Tuy nhiên, việc này được ông Thắng giải thích rằng, khâu bảo quản, vận chuyển tại Việt Nam tốn quá nhiều chi phí, đây là nguyên nhân khiến giá nông sản bị đẩy lên cao.
"Tôi đồng ý có việc thương lái lạm dụng thị trường, lợi dụng dịp đầu vụ, cuối vụ hoặc khi giá nông sản biến động lên, xuống bất thường để mua rẻ, bán đắt, đẩy ra khi đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng, kiếm lợi.
Nhưng cũng phải nhìn nhận hàng nông sản là hàng thời vụ, dễ hỏng, thối vì thế chi phí liên thông bị đẩy lên rất lớn.
Ví dụ như xoài, chỉ cần chuyển mã là gần như mất giá hay như vải, tỉ lệ hao hụt, bị bốc hơi, mất nước... vì vậy, bản thân thương lái cũng không có lãi nhiều.
Chưa tính các chí phí bảo quản khác như: cước phí vận chuyển, bao bì, đóng gói, kho tàng... với nông sản quá cao, khiến giá sản phẩm cũng bị đẩy lên.
Theo tính toán, nếu để nông sản có lãi thì mức giá từ người trồng cho tới người mua cuối cùng là người tiêu dùng phải có mức chênh lệch cao gấp đôi, thậm chí gấp 3, khâu trung gian mới có lãi. Đây chính là lý do người tiêu dùng của Việt Nam phải ăn hoa quả giá cao, còn người nông dân vẫn chưa có lãi", ông Thắng phân tích.
Làm gì để người tiêu dùng ăn rẻ, nông dân có lãi?
So sánh với các nước, ông Thắng cho biết đó là thiệt thòi lớn cho người trồng nông sản cũng như cả người tiêu dùng trong nước.
Khẳng định, hoa quả Việt Nam có nhiều loại rất ngon, ngon hơn cả hoa quả nhập khẩu nhưng lại bán giá thấp hơn, không được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Lấy ví dụ như cam của Úc, bán tại nước này chỉ có 3USD/kg (khoảng 60.000/kg) nhưng khi được nhập vào Việt Nam thì đã có giá 5-6USD/kg (khoảng hơn 100.000 đồng/kg) vẫn được người dân đổ xô đi mua. Trong khi cam trong nước chỉ có vài nghìn tới vài chục nghìn một ki-lô-gam vẫn khó bán.
Lý giải nguyên nhân, ông Thắng cho rằng do khâu xúc tiến thị trường, tuyên truyền quảng cáo, đầu tư cho các nhà kinh doanh, sản xuất để thúc đẩy phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam... chưa được quan tâm, làm tốt.
Đặc biệt là vấn đề minh bạch trong quá trình đánh giá sản phẩm, người dân không biết cơ sở nào làm tốt, bảo đảm, cơ sở nào không bảo đảm yêu cầu.
Theo ông Thắng, việc minh bạch các cơ sở sản xuất và sản phẩm là yếu tố rất quan trọng giúp củng cố niềm tin, khích lệ người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. Ông lấy ví dụ, với một quả cam, quả thanh long sẽ được lựa chọn nhiều hơn khi người tiêu dùng biết rõ nó được trồng ở đâu, chất lượng thế nào.
Ngược lại, hàng hóa hiện này được bày bán khắp các chợ nhưng không ai kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng dẫn tới việc người tiêu dùng nghi ngờ chất lượng sản phẩm, không yên tâm khi lựa chọn.
Từ chỗ không được người dân lựa chọn cũng không kích cầu được phong trào tiêu thụ trong nước, như vậy cũng không thể kỳ vọng nông sản trong nước sẽ bứt phá, thoát khỏi cảnh giải cứu được.
Vì thế, khâu minh bạch thông tin chính là khâu quan trọng hàng đầu cần phải được đầu tư mạnh. Ông Thắng đánh giá, khâu này hiện nay còn quá rời rạc, chưa được quan tâm đúng mực, dẫn tới những thiệt thòi không đáng có cho người trồng nông sản.
"Từ sau những thương vụ giải cứu có thể thấy người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ nông sản thực sự nhưng bản thân người tiêu dùng còn chưa rõ về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Vì lý do này nhiều người đã chấp nhận mất tiền cao mua hàng nhập khẩu để đổi lấy sự minh bạch về thông tin.
Trong khi người dân đang hoang mang về nông sản trong nước thì việc cần làm là phải xây dựng các tiêu chí, chỉ dẫn an toàn cho người tiêu dùng bằng cách minh bạch hóa các cơ sở sản xuất, minh bạch thông tin chất lượng sản phẩm.
Việc này nhà nước phải đầu tư vào cuộc vì nó liên quan tới vấn đề kiểm soát kỹ thuật, chất lượng, liên quan tới công tác tuyên truyền, không đơn vị nào có thể làm thay", ông Thắng nói.
Về vấn đề phân phối, khi sản phẩm đã được chỉ dẫn thông tin, nhà nước tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thị trường sẽ tự điều tiết giá của sản phẩm.
"Khi môi trường kinh doanh minh bạch, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sức mua của người dân sẽ tăng lên. Sức mua tăng, nhu cầu sản xuất sẽ tăng lên, giá thành sẽ giảm", ông Thắng nêu.
Tiếp theo là vấn đề liên kết trong sản xuất, phân phối tại Việt Nam chưa cao, vai trò của các hiệp hội, hợp tác xã rời rạc, chưa rõ ràng.
"Chúng tôi mua táo ở hơn 40 nông trường tại Hà Lan nhưng không bao giờ được mua táo trực tiếp tại từng nông trường mà phải thông qua một hợp tác xã tiêu thụ chung. Nhiệm vụ của hợp tác xã này là đầu tư toàn bộ từ kho tàng, phương tiện vận tải, con giống, phân bón, đồng thời chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng của tất cả 40 nông trường đó.
Đến thời gian thu hoạch, sản phẩm của tất cả 40 nông trường đều phải chuyển hết tới hợp tác xã dịch vụ, không được phép bán ra ngoài.
Nhiệm vụ tiếp theo của hợp tác xã này là tiêu thụ bằng hết sản phẩm các nông trường sản xuất ra. Hợp tác xã sẽ được hưởng khoảng 5% giá trị tiêu thụ sản phẩm từ các nông trường.
Việc này vừa bảo đảm sự ổn định sản xuất cho các nông trường, vừa bảo đảm được mức giá có lợi cho người trồng, đồng thời vẫn bảo đảm được lợi ích cho các đơn vị tiêu thụ. Người trồng không còn phải lo đầu ra. Người tiêu thụ phải linh hoạt, tự tìm kiếm thị trường, cân đối giá cả để bán hàng...
Ở Việt Nam không làm được như vậy. Hợp tác xã được hình thành nhưng vai trò không rõ ràng, hợp tác xã thậm chí lại trở thành thương lái, đi gom hàng và đi buôn. Trong khi người nông dân hám lợi, giá rẻ thì mong giải cứu, giá đắt lại bán tháo để kiếm lợi. Sự cam kết không được bảo đảm, không có sự liên kết dẫn tới giá cả hàng hóa nhảy múa, giá bị đẩy lên, không thúc đẩy được đầu ra cũng đồng nghĩa không thúc đẩy được sản xuất", ông Thắng phân tích.
Ngoài ra, ông Thắng cũng đề cập tới vấn đề phải hỗ trợ, hình thành các chợ nông sản để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Lấy ví dụ từ chợ Long Biên, ông Thắng cho hay rất nhiều thương lái đã lựa chọn việc ra chợ mua nông sản thay vì mua trực tiếp của nông dân do chi phí vận chuyển cao, ngại thu gom. Trong khi đó, sản phẩm tại chợ Long Biên lại chưa được kiểm soát về chất lượng, không rõ nguồn gốc, có cả sản phẩm trong nước cả sản phẩm nhập ngoại, không bảo đảm chất lượng.
Vì thế, phải hình thành các chợ nông sản kèm với đó là các cơ chế kiểm soát chất lượng đầu vào thật chặt chẽ, minh bạch.