Giá thuê mặt bằng bán lẻ leo cao: Doanh nghiệp lo lắng

03/01/2020 08:15

Theo tính toán, trung bình cứ 100.000 dân cần có một siêu thị cỡ lớn hoặc một trung tâm thương mại, 10.000 dân cần một siêu thị cỡ trung bình, hoặc 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Với mức này thì số lượng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam còn rất xa mới có thể đáp ứng nhu cầu của ngành bán lẻ hiện đại.

Theo tính toán, trung bình cứ 100.000 dân cần có một siêu thị cỡ lớn hoặc một trung tâm thương mại, 10.000 dân cần một siêu thị cỡ trung bình, hoặc 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Với mức này thì số lượng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam còn rất xa mới có thể đáp ứng nhu cầu của ngành bán lẻ hiện đại.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo một báo cáo mới đây của Vietnamreport, nếu như vào năm 2010 trên thị trường cả nước mới có khoảng 500 siêu thị và gần 100 trung tâm thương mại thì đến năm 2017 con số này đã lên tới 957 siêu thị, 189 trung tâm thương mại, cộng với hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển “nhảy vọt” ở các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội.

Mặc dù vậy, doanh thu lĩnh vực bán lẻ hiện đại của Việt Nam đạt khoảng 25% tổng mức bán lẻ trong khi đó Philippines là 33%, Thái Lan 34%, Malaysia 60% và Singapore 90%. Như vậy, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo tính toán của Vietnamreport, trung bình cứ 100.000 dân cần có một siêu thị cỡ lớn hoặc một trung tâm thương mại, 10.000 dân cần một siêu thị cỡ trung bình, hoặc 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Với mức này thì số lượng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam còn rất xa mới có thể đáp ứng nhu cầu của ngành bán lẻ hiện đại.

“Đây chính là thời cơ thuận lợi để các doanh nghiệp bán lẻ đang kinh doanh trên thị trường Việt Nam tiến hành các hoạt động mở rộng thị phần, mở rộng địa bàn kinh doanh”, đơn vị này nhận định.

Báo cáo của Vietnamreport cũng cho thấy, doanh thu bán lẻ ghi nhận có sự gia tăng ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, nhưng mức tăng trưởng mạnh nhất thuộc về khu vực TP. HCM và Hà Nội trong đó, số lượng siêu thị tại thị trường TP. HCM và Hà Nội đều có mức tăng trưởng đạt khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính tại thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam có hơn 8.000 khu chợ truyền thống, 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi trải rộng trên khắp địa bàn cả nước, đạt mức tăng gấp đôi so với hai năm về trước. Trong vài năm trở lại đây, cửa hàng tiện lợi là kênh bán lẻ hiện đại, phổ biến đối với người tiêu dùng (đặc biệt là nhóm người tiêu dùng trẻ).

Mặc dù vậy, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường của các vùng đô thị lớn, chi phí kinh doanh tăng cao làm cho nhiều doanh nghiệp giảm lợi nhuận trong bối cảnh nhu cầu ngắn hạn ở khu vực thành thị cũng đang dần bão hòa.

Vietnamreport dự báo, ngành bán lẻ hiện đại tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình phát triển của ngành sẽ có sự phân hóa trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Cụ thể, dưới sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp có chi phí hoạt động ở mức cao hơn trung bình ngành sẽ dần “tụt lại” phía sau trong khi các doanh nghiệp có mặt bằng chi phí hoạt động thấp sẽ ngày càng lấn lướt.

Bên cạnh đó, ngành bán lẻ hiện đại vấp phải sự cạnh tranh với mô hình chợ truyền thống và tiệm tạp hóa. Thị trường này cũng sẽ gặp phải một số thách thức nhất định trong tương lai.

Điển hình là chi phí thuê mặt bằng kinh doanh tại Việt Nam đang trên đà tăng (đặc biệt tại các đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội) đã làm các doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn do suất đầu tư cao nhưng thu hồi ngày càng chậm. Quy hoạch mạng lưới các đô thị vệ tinh chưa rõ ràng nên doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn khi tốc độ mở rộng mặt bằng bị chậm do chi phí thuê tăng cao.

Mặt khác, tình trạng quản lý ngành bán lẻ hiện đại nói riêng và bán lẻ nói chung đang được “thả nổi” tại nhiều địa phương. Chưa có quy hoạch phát triển cụ thể dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng, hoặc nơi thì tập trung quá nhiều điểm bán, nơi thì lại thưa vắng. Thiếu quy hoạch dẫn đến các doanh nghiệp triển khai kế hoạch kinh doanh bị thụ động.

Văn Thắng - Theo TBCK

https://tbck.vn/gia-thue-mat-bang-ban-le-leo-cao-doanh-nghiep-lo-lang-57197.html

Bạn đang đọc bài viết "Giá thuê mặt bằng bán lẻ leo cao: Doanh nghiệp lo lắng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.