6 tháng qua, một phần ba dự án căn hộ dịch vụ miễn phí tiện ích hoặc giảm 20% giá thuê, xuống mức thấp nhất từ năm 2016.
Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam cho biết, sau quý I đầy khó khăn, sang quý II thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê tại TP HCM tiếp tục ảm đạm do ảnh hưởng của Covid-19. Nửa đầu năm 2020, thị trường ghi nhận 2 dự án hạng C đóng cửa, làm giảm 121 căn hộ trong tổng nguồn cung 109 dự án (6.400 căn). Hai dự án này chuyển đổi chức năng sang văn phòng cho thuê, các dự án khác vẫn duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, nhằm thu hút khách thuê, trong quý II, giá thuê căn hộ dịch vụ tiếp tục giảm còn 23 USD mỗi m2 một tháng, giảm 4% theo quý và năm. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, khoảng một phần ba dự án trong tổng nguồn cung giảm 20% giá thuê hoặc miễn phí các dịch vụ tiện ích như tiền điện, nước tối đa trong 3 tháng.
Hai quý vừa qua, căn hộ dịch vụ chỉ đạt công suất trung bình 61%, tiếp tục giảm 5 điểm phần trăm theo quý và 19 điểm phần trăm theo năm. Công suất hoạt động của phân khúc hạng B bị ảnh hưởng nhiều nhất do phụ thuộc vào nguồn khách ở ngắn hạn.
Thị trường căn hộ dịch vụ khu lõi trung tâm TP HCM. Ảnh: Vũ Lê.
Do căn hộ dịch vụ là phân khúc bất động sản hướng đến đối tượng khách thuê nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam, trong đó, gồm những người công tác dài ngày và một số ít là khách du lịch ngắn ngày. Do vậy, trong thời gian đóng cửa biên giới, nguồn cầu chính của thị trường là khách thuê dài hạn từ các doanh nghiệp. Trong nhiều năm qua, đối tượng thuê căn hộ dịch vụ cao cấp thường làm việc ở các công ty FDI, đại sứ quán, chuyên viên khu công nghiệp, ngân hàng quốc tế và các ngành công nghệ, phần mềm... hoạt động tại Việt Nam.
Savills đánh giá trong những tháng nửa cuối năm 2020, thị trường căn hộ dịch vụ TP HCM vẫn chịu áp lực do sự không chắc chắn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh. Dự kiến vào nửa cuối năm 2020, nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ dự báo sẽ phần nào cải thiện với hơn 7.000 lao động nước ngoài được đề nghị ưu tiên nhập cảnh vào Việt Nam. Các nhà điều hành kỳ vọng thị trường căn hộ dịch vụ phục hồi từ năm 2021 trở đi.
Kết quả khảo sát toàn cầu của đơn vị này thực hiện vào tháng 6/2020 cho thấy, Việt Nam dẫn đầu về tiềm năng thu hút các tập đoàn toàn cầu dịch chuyển sản xuất nhờ vào khả năng cạnh tranh về chi phí hoạt động thấp cùng với cơ sở sản xuất ngày càng phát triển đa dạng và hiện đại.
Với 2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nửa đầu năm 2020, TP HCM đã trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Mặc dù con số này giảm 35% so với cùng kỳ năm trước, TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Trung Tín - Theo Vnexpress