Nhóm cổ phiếu phân bón bứt phá thời gian gần đây có thể cho là đến từ việc giá dầu thế giới giảm sâu.
Thời gian gần đây, cổ phiếu phân bón trên thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ diễn biến theo chiều hướng tích cực, một số mã chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng đã tăng đến 20-50%. Điển hình như DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau trong khoảng thời gian từ 1/4 đến phiên 23/4 đã tăng từ 5.310 đồng/cp lên thành 7.990 đồng/cp, tương ứng mức tăng gần 48,8%. Tương tự, DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP cũng tăng 33,6% từ 11.450 đồng/cp lên thành 15.300 đồng/cp. LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng tăng 20% sau khoảng thời gian từ 1/4 đến 23/4.
Nhóm cổ phiếu phân bón đi lên trong bối cảnh kết quả kinh doanh phân hóa theo từng doanh nghiệp. Trong đó, DPM là đơn vị có kết quả khả quan nhất khi doanh thu thuần trong kỳ đạt đến 1.697 tỷ đồng tăng 7,8% so với cùng kỳ. Công ty báo lãi ròng công ty mẹ đạt 104,8 tỷ đồng cao gấp 2 lần so với quý I/2019. Về kế hoạch kinh doanh năm 2020 của DPM cũng theo chiều hướng tốt hơn năm trước, DPM ước đạt 9.237 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 33% so với con số 6.945 tỷ đồng đạt được năm 2019. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 433 tỷ đồng, tăng 17% kết quả đạt được năm 2019.
Trong khi đó, DCM ước đạt 1.306 tỷ đồng doanh thu tương đương với 22% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế 64,7 tỷ đồng, đã vượt 18% kế hoạch năm. Trong khi đó, cùng kỳ, công ty mẹ có doanh thu 1.491 tỷ và lợi nhuận trước thuế 201,5 tỷ đồng, như vậy lợi nhuận quý năm nay đã giảm 68% so với cùng kỳ. Đơn vị này đưa ra kế hoạch khá thận trọng cho năm 2020. Công ty ước tính đạt hơn 7.956 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng so với kết quả đặt ra cho năm 2019. Tuy nhiên kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ hơn 57 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt gần 52 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh của công ty tạm tính theo phương án giá dầu năm 2020 đạt bình quân 60USD/thùng.
Còn đối với LAS, kết quả kinh doanh quý I chỉ đi ngang so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu đạt 537,8 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tương đương cùng kỳ ở mức 4 tỷ đồng, còn số ở cùng kỳ là 3,98 tỷ đồng. LAS là đơn vị đặt kế hoạch tham vọng nhất cho năm 2020 với doanh thu thuần 2.961 tỷ đồng giảm 68 tỷ đồng so với thực hiện 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng cao gấp 4,6 lần so với thực hiện 2019. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2019 của công ty này là thấp nhất trong lịch sử với lãi ròng vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng, giảm tới 98% so với kết quả năm trước.
Kỳ vọng hưởng lợi từ giá dầu thế giới giảm
Nhóm cổ phiếu phân bón bứt phá thời gian gần đây có thể cho là đến từ việc giá dầu thế giới giảm sâu. Theo chứng khoán BIDV (BSC), giá dầu giảm giúp các doanh nghiệp phân bón được hưởng lợi theo hai hướng thứ nhất là giá khí đầu neo theo giá dầu FO giảm sẽ giảm ngay lập tức, thứ 2 là giá xăng dầu giảm giúp chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng giảm.
Giá khí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá vốn của các đơn vị ngành phân bón. Cụ thể, giá vốn hàng bán năm 2019 của DPM chiếm 82% doanh thu, chủ yếu là khí đầu vào. Tỷ lệ này tại DCM lên đến 86,4%. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào giảm cũng giúp giá vốn của CTCP Phân bón Bình Ðiền giảm do giá nguyên liệu chiếm đến 80% doanh thu của doanh nghiệp này.
Ngày 20/4 (rạng sáng 21/4 giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng, đây là hiện tượng có "1-0-2" trong lịch sử thế giới. Trong khi đó, vào ngày 22/4, giá dầu WTI tương lai giao tháng 6 cũng chỉ ở mức 13,78 USD/thùng.
Một thông tin nữa cũng được cho là giúp triển vọng ngành phân bón phần nào được cải thiện đó là ngày 13/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã ký ban hành Công văn số 2593/BCT-HC gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức 0% hoặc 5% như trước đây sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phân bón. Thực tế cho thấy, việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng đã gây nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Toàn bộ thuế VAT nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ, nên doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất - kinh doanh khiến giá phân bón tăng hơn 5%. Ðiều này làm giảm cạnh tranh so với giá phân bón nhập khẩu.