Cắt giảm gần một nửa thu nhập nhân viên
Trong năm 2023, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ghi tên mình vào danh sách các nhà băng mạnh tay tuyển dụng. Nhưng Eximbank lại “ngược dòng” khi cắt giảm rất mạnh thù lao cho người lao động. Có lẽ Eximbank là một trong những ngân hàng giảm thu nhập người lao động mạnh nhất.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, tổng số người lao động của Eximbank và các công ty con đạt 6.234 người, tăng 606 người, tương đương 10,8% so với cuối năm 2022.
Tuy nhiên, chi lương và phụ cấp lại “lao dốc”, giảm 269 tỷ đồng, tương đương 37,7% so với con số 714 tỷ đồng của năm 2022.
Như vậy, trong quý 4 năm 2023, bình quân mỗi người lao động Eximbank được trả 71,4 triệu đồng/quý, tương đương 23,8 triệu đồng/người/tháng. Con số này trong quý 4/2022 là 42,3 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2022, Eximbank lọt top các ngân hàng nội trả lương cao nhất. Thế nhưng, tới năm 2023, thù lao của người lao động Eximbank giảm tới 18,5 triệu đồng/người/tháng, tương đương 43,7%.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh
Eximbank mạnh tay giảm thu nhập của người lao động trong bối cảnh ngân hàng phải dành nguồn lực rất lớn cho trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khi nợ xấu tăng mạnh.
Cụ thể, trong năm 2023, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Eximbank lên đến 694 tỷ đồng, tăng 590 tỷ đồng, tương đương 567% so với năm 2022. Chi phí này tăng khi nợ xấu tại Eximbank tăng 1.379 tỷ đồng, tương đương 58,7% lên 3.727 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,8% lên 2,65%.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.632 tỷ đồng lên 1.868 tỷ đồng.
Có thể thấy, nợ xấu tại Eximbank có tốc độ tăng vượt trội so với tín dụng.
Hồi cuối năm 2023, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại Eximbank đạt 140.449 tỷ đồng, tăng 9.943 tỷ đồng, tương đương 7,62%, thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 58,7% của nợ xấu. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng của Eximbank lại thấp hơn con số 13,5% mặt bằng chung toàn thị trường.
Chỉ hoàn thành một nửa chỉ tiêu lợi nhuận
Có thể thấy Eximbank nỗ lực cắt giảm thu nhập nhân viên trong bối cảnh phải dành ngân sách lớn cho dự phòng rủi ro tín dụng nhưng vẫn không “cứu” được đà tăng trưởng dương của lợi nhuận. Đồng thời, Eximbank cũng không hoàn thành kế hoạch.
Hồi đầu năm 2023, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thực hiện trong năm 2023 chỉ là 2.720 tỷ đồng, giảm 989 tỷ đồng, tương đương 26,7% so với năm 2022 và chỉ bằng 54,4% kế hoạch đặt ra.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Eximbank cũng “cài số lùi” khi chỉ đạt 2.165 tỷ đồng, giảm 781 tỷ đồng, tương đương 26,5%.
Không chỉ không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận, Eximbank còn có nhiều chỉ tiêu thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra hồi tháng 4/2023, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án: Tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022; Huy động vốn đạt 165.000 tỷ đồng, tăng 11%; Tỷ lệ nợ xấu nội bảng nhỏ hơn 1,6%.
Tuy nhiên, thực tế thực hiện, Tổng tài sản Eximbank chỉ đạt 201.417 tỷ đồng, bằng 95,9% kế hoạch; Huy động vốn là 156.329 tỷ đồng, bằng 94,7% kế hoạch; Tỷ lệ nợ xấu lên tới 2,65%, cao gấp 1,66 lần kế hoạch.