EVN muốn được miễn thuế phí: Đừng nghĩ cho riêng mình!

10/04/2020 14:55

Chuyên gia cho rằng, khó khăn là nhất thời, còn những đề xuất của EVN là chuyện lâu dài, EVN cần đặt vào tầm nhìn chung của cả nền kinh tế. 

Chuyên gia cho rằng, khó khăn là nhất thời, còn những đề xuất của EVN là chuyện lâu dài, EVN cần đặt vào tầm nhìn chung của cả nền kinh tế. 

EVN xin miễn thuế

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, giải quyết một số vướng mắc hiện tại cho Tập đoàn.

Cụ thể, EVN kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc giảm giá than trộn bán cho hoạt động sản xuất điện để phù hợp với tình hình giá than nhập khẩu thực tế so với giá than nhập khẩu đã xác định trong giá than trộn được TKV, Tổng Công ty Đông Bắc kê khai với Bộ Tài chính.

EVN cũng kiến nghị miễn thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các đơn vị sản xuất thủy điện với thời gian là 6 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020.

Theo EVN, đối với nguồn nhiên liệu than trong nước phục vụ phát điện, tình hình dịch bệnh cũng dẫn đến rủi ro về sản xuất và cung ứng than nếu trong lực lượng lao động có người bị nhiễm bệnh, phải cách ly.

Về nguồn than nhập khẩu, dịch bệnh đã khiến các nước có những phản ứng với mức độ khác nhau như: đóng cửa biên giới, phong tỏa khu vực hoặc quốc gia. Ngay trong giải pháp phong tỏa ở một số quốc gia thì một số nước cấm toàn bộ việc đi lại và đóng cửa các ngành kinh tế không thiết yếu, trong khi đó có nước lại cấm hoạt động của mỏ than dẫn tới rủi ro nhất định đối với nguồn than nhập khẩu.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, do nước về các hồ thuỷ điện rất thấp (tương ứng thiếu khoảng hơn 5 tỷ kWh từ thuỷ điện) nên EVN vẫn phải huy động sản lượng lớn bù lại từ nguồn chạy dầu để đảm bảo yêu cầu vận hành đối với các nguồn thuỷ điện từ nay cho đến hết mùa khô 2020. Mặc dù giá dầu có giảm nhưng giá thành sản xuất điện từ nguồn chạy dầu vẫn rất cao so với giá bán lẻ điện hiện nay.

EVN cho rằng, với diễn biến hiện tại của dịch Covid-19, sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng ở mức thấp hơn kế hoạch. Đáng chú ý có một số hộ tiêu thụ điện như: kinh doanh, dịch vụ có mức tăng trưởng âm nên dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2020 và giá bán điện bình quân sẽ giảm, từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính EVN và các Tổng Công ty Điện lực.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, thời gian qua, để chung tay hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, EVN và Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ giảm giá điện cho các đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên, muốn giảm giá điện mà không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự tồn tại của EVN thì cũng nên tìm cách giảm bớt chi phí đầu vào, như giá than cho các nhà máy nhiệt điện chạy than, thuế tài nguyên nước...

"Nếu như các nhà máy điện chạy dầu có điểm thuận lợi là giá dầu xuống thấp thì nhà máy nhiệt điện chạy than bị ảnh hưởng. Dịch Covid-19 là dịch bệnh toàn cầu, ảnh hưởng đến  tất cả các nước, trong khi EVN nhập khẩu than từ nhiều nước, như Úc, Indonesia..., nước nào cũng gặp khó khăn do dịch bệnh và biến động giá cả chắc chắn xảy ra. Do vậy, tùy từng loại nhiên liệu chịu ảnh hưởng bao nhiêu thì Nhà nước cũng nên cho phép điều tiết chi phí đầu vào cho phù hợp nhằm đảm bảo hoạt động bình thường của EVN, đồng thời có thể giảm giá điện để hỗ trợ cộng đồng", GS.TSKH Trần Đình Long nói.

EVN xin được miễn giảm thuế, phí do gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lại thể hiện một quan điểm khác.Không nên viện cớ

Theo ông, đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả các quốc gia và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên thế giới, chỉ có điều mức độ ảnh hưởng, tác động của nó đến đâu.

Trong điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Chính phủ phải  tập trung nguồn lực để chống dịch cũng như hỗ trợ cho các đối tượng nghèo, yếm thế trong xã hội, hỗ trợ các lĩnh vực, ngành nghề bị tác động trực tiếp hoặc tác động nhiều bởi dịch bệnh.

Khi cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, người dân ở nhà nhiều hơn đồng nghĩa với việc sử dụng điện nhiều hơn, và mức độ tiêu thụ điện càng cao thì người dân càng phải trả nhiều tiền.

Vì lẽ đó, EVN và Bộ Công thương giảm giá điện cũng là việc nên làm. Hơn nữa, việc này càng có cơ sở hơn khi các nhà máy điện chạy dầu củdaauevn đang được hưởng lợi nhờ giá dầu giảm sâu.

"Trước đây EVN từng kêu gọi người dân thông cảm, giúp đỡ tập đoàn khi giá xăng dầu, giá than tăng cao, thì giờ trong lúc xã hội khó khăn thế này, tiêu dùng điện của người dân tăng vọt do phải ở nhà thì EVN cũng nên giảm giá điện và Bộ Công thương mới đây cũng đã đề nghị Chính phủ giảm giá điện 10% cho các đối tượng khách hàng.

Nhưng đi đôi với đề nghị giảm đó, giờ EVN lại xin hỗ trợ bằng cách miễn giảm thuế, phí. Xin hỗ trợ cũng là điều hợp lý, vì dịch bệnh tác động đến tất cả các ngành nghề, nhưng khó khăn của EVN không phải do đại dịch Covid-19 tạo ra", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Theo vị chuyên gia, ngoài nhiệt điện than, EVN còn có các nguồn năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện chạy dầu, ngoài ra điện gió, điện mặt trời còn đang dùng chưa hết... Hơn nữa, EVN đề xuất giảm giá bán than thì hãy thử đặt mình vào vị trí của TKV, với hoạt động khai thác than ngày càng sâu hơn, khó hơn, dịch bệnh lại phát triển khiến việc xuống hầm lò trở nên nguy hiểm gấp bao lần do môi trường dưới lòng đất là môi trường yếm khí.

"Dĩ nhiên EVN có những khó khăn nhất định về nhập khẩu than nhưng chúng không phải quá lớn vì than không thiếu đến mức đó. Bao giờ cũng phải có dự trữ than mấy tháng, TKV và Tổng công ty Đông Bắc vẫn cung cấp than cho EVN đều đều. Còn than nhập khẩu thì đã ký hợp đồng sẵn với nước ngoài, họ cứ thế chuyển về, giá vận chuyển có thể cao lên một chút nhưng không đáng kể", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Về kiến nghị miễn thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các đơn vị sản xuất thủy điện, theo vị chuyên gia, là không thể bởi đó là những khoản bắt buộc để đảm bảo phát triển bền vững cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn về môi trường. 

"Khó khăn của EVN là có, nhưng mức độ cũng vừa phải và có thể vượt qua mà không cần đòi hỏi miễn giảm thuế tài nguyên, môi trường hay giá than. Đó đều là những vấn đề mang tính lâu dài, trong khi dịch bệnh sẽ không kéo dài, nhất là với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Vì thế, EVN không nên vin vào cái cớ khó khăn để xin hỗ trợ.

Nếu muốn san sẻ khó khăn với các ngành nghề trong nền kinh tế quốc dân và xã hội thì có lẽ EVN nên xem lại đề xuất của mình cho hợp lý. 

Đúng là ngành nào cũng khó khăn, nhưng túi tiền ngân sách chỉ có hạn, vừa phải lo ứng phó với dịch vừa phải đảm bảo đời sống an sinh xã hội, đảm bảo sự ổn định cho sản xuất kinh doanh khi đang thực hiện giãn cách xã hội.

Trong hoàn cảnh ấy, doanh nghiệp khó khăn thì phải chấp nhận, đồng thời phải tự mình vươn lên. Dĩ nhiên doanh nghiệp có thể đề xuất hỗ trợ nhưng các đề xuất đó phải hợp lý và phải nghĩ đến cái chung của nền kinh tế quốc dân và của xã hội, đừng vì mình quá", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ quan điểm.

Thành Luân - Theo Báo Đất Việt

Link gốc

 

 

Bạn đang đọc bài viết "EVN muốn được miễn thuế phí: Đừng nghĩ cho riêng mình!" tại chuyên mục Thương hiệu mạnh. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.