Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế như trồng trọt, xây dựng hạ tầng xã hội, kinh doanh dịch vụ... nhưng sau đó không triển khai, dẫn đến lãng phí quỹ đất, gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, việc UBND tỉnh quyết định thu hồi và dứt khoát với các dự án này là cần thiết.
Dứt khoát với dự án "chiếm đất"
25/01/2021 10:16
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế như trồng trọt, xây dựng hạ tầng xã hội, kinh doanh dịch vụ... nhưng sau đó không triển khai, dẫn đến lãng phí quỹ đất, gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, việc UBND tỉnh quyết định thu hồi và dứt khoát với các dự án này là cần thiết.
Cấp đất xong... làm chiếu lệ
Một trong những ưu đãi của tỉnh thời gian qua đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là DN có nhu cầu đầu tư, làm ăn tại tỉnh là vận dụng tối đa các văn bản quy định của pháp luật một cách có lợi nhất để hỗ trợ DN, trong đó có hỗ trợ về quỹ đất. Thế nhưng, sau khi được cấp đất, nhiều DN không thực hiện đúng chủ trương cấp phép, mà triển khai “lấy có” để duy trì dự án. Thậm chí là sau khi cấp đất và thực hiện một số thủ tục đầu tư, thì rút toàn bộ nhân lực chủ chốt đi nơi khác và thuê người dân địa phương bảo vệ.
Trên địa bàn huyện Mộ Đức, nhiều năm qua, các DN đầu tư về nông nghiệp, dịch vụ liên tục “đổ bộ” đến, kèm theo đó là những báo cáo dự án có quy mô lớn được xem là cú huých cho các địa phương ven biển như Đức Minh, Đức Phong, Đức Lợi... Dạo quanh một vòng các xã ven biển trên không khó để nhận thấy những tấm pano, những khu vực được rào chắn một cách kỹ lưỡng để phân vùng dự án.
Trên địa bàn xã Đức Minh, có ít nhất 3 dự án được cấp phép và cho chủ trương thực hiện. Đến nay, cả ba dự án này đều “èo uột”. Đơn cử như dự án Trang trại tổng hợp, có quy mô 5ha, tổng mức đầu tư trên 6,7 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã triển khai dự án, đầu tư hệ thống phun tưới tự động, trồng măng tây, rau, quả sạch, xây chuồng trại chăn nuôi... nhưng đến nay chỉ là khu đất hoang. Cách đó không xa, dự án Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức, có quy mô gần 21ha cũng rơi vào tình cảnh tương tự...
Cũng trên địa bàn huyện Mộ Đức, dự án Vùng sản xuất rau, củ và quả dược liệu công nghệ cao, được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư vào năm 2017, trên diện tích hơn 11ha tại xã Đức Phong. Thế nhưng, cũng như các dự án nông nghiệp ven biển khác, dự án này triển khai không đúng tiến độ sau hơn 3 năm được cấp chủ trương, giao đất thực hiện.
Trên địa bàn xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) có một khu đất trống khá rộng. Bên trong khu đất bằng phẳng là một lán trại nhỏ đã đổ sập, lác đác vài viên gạch, đá nằm trơ trọi. Mọi thứ còn lại chẳng có gì để hình dung được nơi đây từng được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án Trang trại chăn nuôi lợn thịt sạch Thảo Nguyên Xanh.
Cần quyết liệt với dự án nửa vời
Việc hàng trăm hécta đất đã giao cho DN thực hiện dự án nhưng kéo dài, lãng phí, khiến người dân bức xúc, bởi không những không phát huy hiệu quả quỹ đất, mà còn đẩy nhiều nông dân tham gia dự án rơi vào cảnh khó khăn, sau khi góp cổ phần bằng đất sản xuất hoặc vốn và nhân công.
Nhiều người dân cho rằng, dự án đã được giao đất xong nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện cho lấy có là bất thường. Anh T, một nông dân ở xã Đức Minh đặt câu hỏi: Nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền không nhỏ từ thủ tục cho đến thi công, xây dựng hạ tầng... nhưng lại thực hiện dự án một cách èo uột. Phải chăng các dự án nông nghiệp ven biển trên địa bàn là có vấn đề?
Trong khi đó, nguyên một cán bộ Sở TN&MT đặt nghi vấn: Hầu hết các dự án đầu tư ven biển có diện tích hàng chục, thậm chí là hơn 100ha đất. Nhưng các dự án này đều “bất động”, vậy liệu đằng sau có ẩn khuất gì hay không?. “Tôi cho rằng, UBND tỉnh cần rà soát lại tất cả các dự án và kiên quyết thu hồi. Nếu không có động thái quyết liệt, thì tương lai quỹ đất này Nhà nước sẽ không khai thác được”, vị này kiến nghị.
Sớm chấn chỉnh
Thu hút đầu tư, trải thảm mời gọi DN là ưu tiên của UBND tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, UBND tỉnh cũng phải kiên quyết với những dự án, nhà đầu tư thiếu năng lực, hoặc những DN có mục đích khác khi xin chủ trương đầu tư, xin cấp đất nhưng không thực hiện. Bởi những dự án nửa vời không chỉ cản trở sự phát triển chung, mà còn để lại những hệ lụy không tốt cho xã hội, cũng như “ngáng đường” các nhà đầu tư tiềm năng khác.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định thu hồi chủ trương đầu tư và thu hồi đất đối với nhiều dự án được cấp phép thực hiện trong các năm 2017, 2018 như: Dự án Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Phổ An; dự án Khu thương mại và dịch vụ Hải Đông Viên; dự án Khu dịch vụ Nam sông Trà; dự án Trường Mầm non quốc tế SNAM...
Tại cuộc họp bàn về phát triển kinh tế - xã hội do UBND tỉnh tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tổng rà soát các dự án đã cấp phép và dự án cho chủ trương khảo sát, nhất là đối với các dự án nông nghiệp ven biển từ Mộ Đức đến Đức Phổ. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, dự án làm nửa vời hoặc dự án được cấp chủ trương đầu tư, giao đất nhưng không thực hiện. Đây là việc làm cần thiết để khai thác có hiệu quả quỹ đất ven biển.
Bạn đang đọc bài viết "Dứt khoát với dự án "chiếm đất"" tại chuyên mục Bất động sản.
Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.