Chưa đủ năng lực vẫn trúng thầu thiết kế dự án
Theo tài liệu mà PV Infonet thu thập được thể hiện, sau nhiều lần ''lùm xùm'' bị vỡ ống nước trong quá trình thử áp tại Công trình cấp nước thôn Tiến Cường, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhanh chóng vào cuộc. Đến tháng 5/2021, cơ quan này ban hành kết luận khẳng định, dự án này có nhiều sai phạm, đáng chú ý là năng lực của đơn vị thiết kế công trình.
Cụ thể, phía Thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định, Nhà thầu tư vấn Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng (CP ĐT&XD) CENCO chưa đủ điều kiện năng lực theo quy định tại khoản 1, Điều 10, Thông tư số 17/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng (sửa đổi bổ sung Thông tư số 24/2016/TT-BXD). Công ty CENCO chưa có chứng chỉ năng lực của tổ chức.
Hồ sơ mời thầu quy định về kinh nghiệm của nhà thầu đã thực hiện các gọi thầu tương tự trong vòng 7 năm trở lại đây (tính từ thời điểm đóng thầu) không đúng với quy định tại Mục 2.1.4 mẫu Hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư số 11/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là ghi rõ số năm yêu cầu, thông thường từ 3-5 năm.
Đánh giá Hồ sơ dự thầu của nhà thầu trúng thầu chưa chính xác, nhà thầu này cũng không có hợp đồng nào trong 5 năm gần đây có hợp phần về xây dựng mô hình thể chế.
Công ty không có hồ sơ tài liệu chứng minh doanh thu từ các dịch vụ tư vấn tối thiểu bình quân hàng năm trong 3 năm vừa qua. Công ty này cũng không có xác nhận của chủ đầu tư về uy tín của nhà thầu.
Chứng chỉ của ông Nguyễn Công Quý (người của Công ty CENCO - đơn vị thiết kế) đã hết hạn vào ngày 31/1/2012. Tổ chuyên gia có văn bản yêu cầu làm rõ nhưng nhà thầu không bổ sung.
Báo cáo đánh giá Hồ sơ dự thầu chưa đúng và đầy đủ, các thành viên trong tổ chuyên gia không có bản cam kết theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hàng loạt đơn vị phải chịu trách nhiệm
Bên cạnh việc chỉ ra những thiếu sót nghiêm trọng của đơn vị khảo sát, thiết kế là Công ty CENCO, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ ra một loạt sai phạm khác xung quanh công trình này như: việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư khi thuyết minh thiết kế cơ sở chưa đầy đủ theo quy định của Luật xây dựng.
Cụ thể, chưa phân tích chi phí khai thác sử dụng công trình, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; chưa đánh giá yếu tố đảm bảo tính hiệu quả của dự án gồm chi phí khai thác vận hành, phân tích rủi ro, hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế xã hội của dự án.
Thiết kế chiều dày lớp đất đắp trên tuyến ống chính nhỏ hơn theo quy định (một số tuyến ống chiều dày đất đắp nhỏ hơn 0,7m), chưa có biện pháp đề phòng hiện tượng nước và thủy lực.
Theo Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trách nhiệm với những tồn tại, thiếu sót trên thuộc về nhà thầu tư vấn, tổ chuyên gia đấu thầu, nhà thầu tư vấn thẩm tra, đơn vị thẩm định, Ban quản lý dự án tỉnh (PPMU) và chủ đầu tư.
NhưInfonet đã phản ánh, dù được đầu tư số tiền lớn (gần 73 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên Dự án cấp nước cho cây cà phê tại huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) không thể vận hành vì quá nhiều lỗi.
Cụ thể, dù đã kết thúc hơn 1 năm và tiền thi công đã quyết toán cho các nhà thầu gần hết nhưng đường ống chính bị vỡ đến 13 lần trong thời gian thử áp. Đặc biệt sự cố này gần như không có khả năng khắc phục; nếu khắc phục được thì kinh phí sẽ ''đội'' lên hàng chục tỉ đồng.
Điều đáng bàn, dù dự án đang bị sự cố nghiêm trọng như vậy nhưng chủ đầu tư và nhà thầu thi công liên tục 'đá quả bóng trách nhiệm' cho nhau.
Vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc nhằm làm rõ sự việc để xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Theo Infonet