Ngày 26/7, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại thành phố Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016).
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm tài chính ở các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất với số tiền trên 3.974 tỷ đồng.
Theo kết luận thanh tra, giai đoạn 2003 - 2016, UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị của thành phố đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vục nội thành không còn phù hợp quy hoạch phát triển đô thị hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành phù hợp quy hoạch, để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển ổn định lâu dài; đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án, trong đó chủ yếu là các dự án phát triển kinh tế (văn phòng, nhà ở; khách sạn; trung tâm thương mại, dịch vụ; bãi đỗ xe có thu tiền...).
Việc chuyển mục đích sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình hạ tầng xã hội; hạ tầng kỹ thuật; phát triển quỹ nhà nâng cao diện tích bình quân nhà ở trên địa bàn thành phố, đảm bảo điều kiện môi trường, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị; góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố, là động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng đối với một số dự án chuyển mục đích sử dụng đất còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm.
Một trong những dự án có sai phạm được Thanh tra Chính phủ nêu tên đó là dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại 409 đường Nguyễn Tam Trinh.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND quận Hoàng Mai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 4 thửa đất thấp tầng ký hiệu C12, C13, C36, C37 của dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại 409 đường Nguyễn Tam Trinh do Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư khi không đủ điều kiện theo quy định như:
Phần diện tích tăng thêm của mỗi thửa đất là 30m2 ra đất đường giao thông nội bộ so với quy hoạch tổng mặt bằng do chủ đầu tư chuyển nhượng cho khách hàng nhưng chưa được các cơ quan chức năng và TP điều chỉnh quy hoạch, chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung.
“Việc làm trên đã vi phạm Điều 72, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/3014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đại năm 2013”. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét phần dịch tích đất tăng thêm của 4 thửa thấp tầng ký hiệu C12, C13, C36, C37 so với quy hoạch tổng thể mặt bằng được phê duyệt, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại 409 đường Nguyễn Tam Trinh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, diện tích sử dụng đất của dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại 409 đường Nguyễn Tam Trinh là khoảng 13.123 m2, với tổng mức đầu tư 164 tỷ đồng, do Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Constrexim nhận ủy thác.
Trước đây, khu đất thực hiện dự án là cơ sở sản xuất của Công ty Da giầy Hà Nội thuê; cho đến năm 2004, Công ty Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam và Công ty Da giầy Hà Nội ký hợp đồng hợp tác đầu tư.
Sau đó, Công ty Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu được ủy quyền làm chủ đầu tư dự án. Năm 2006, UBND TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích đất để thực hiện dự án.
Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ xây dựng về việc thành lập Công ty Xây lắp, Xuất nhập khẩu vật liệu và Kỹ thuật xây dựng - tên viết tắt là CONSTREXIM. Thực hiện Quyết định số 565/QĐ-BXD của Bộ xây dựng, doanh nghiệp đã tiến hành Đại hội đồng Cổ đông và hoạt động theo mô hình cổ phần toàn diện từ tháng 6/2017. Ngành nghề kinh doanh: xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi; hoạt động kinh doanh bất động sản... Doanh nghiệp được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2012, với mã chứng khoán là CTX. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2021, cổ phiếu CTX đã bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện bị cảnh báo do chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán quá 15 ngày. Cũng trong tháng 5/2021, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã có thông báo về việc đưa cổ phiếu CTX của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, nguyên nhân là do chứng khoán bị cảnh báo. Kết thúc năm 2020, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam chỉ đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 152,9 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.092,6 tỷ đồng của năm 2019. Năm 2020, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam cũng lỗ sau thuế lên tới hơn 14,3 tỷ đồng, trong khi đó công ty từng đạt lãi sau thuế lên tới hơn 201 tỷ đồng trong năm 2019. |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.