Tại phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: Dự án sân bay Long Thành là dự án mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Phát biểu về việc lựa chọn nhà đầu tư dự án sân bay Long Thành, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự án) cho biết, hiện vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất đối với dự án sân bay Long Thành là đề xuất Quốc hội quyết định việc giao ACV đầu tư dự án. Trong tổng số 4 hạng mục triển khai tại dự án thì có tới 3 hạng mục được giao ACV, một hạng mục giao Tổng công ty Quản lý bay (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước).
Đáng chú ý, hiện ACV không phải là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, bởi ACV đã cổ phần hoá và chỉ còn lại 95% vốn Nhà nước, về nguyên tắc ACV vẫn là công ty cổ phần. Qua đó, việc quyết định giao dự án sẽ thực hiện theo Điều 22, Luật Đấu thầu. Như vậy, thẩm quyền quyết định hoàn toàn thuộc Chính phủ.
"Việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có", ông Vũ Hồng Thanh phân tích.
Đề cập tới việc chỉ định thầu cho ACV, ông Thanh thẳng thắn: "Ý Thủ tướng khi đề xuất Quốc hội quyết định việc giao dự án cho ACV là mong Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ. Bởi sau này Uỷ ban Kiểm tra Trung ương lại vào, xác định chỉ định thầu như thế là sai thì không biết sẽ làm sao. Đó là vấn đề còn băn khoăn nhiều nhất".
Báo cáo về dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: "Hiện Chính phủ mới chỉ giao ACV lập dự án. Về nguyên tắc, sau khi dự án được duyệt sẽ đến bước chọn ai là người triển khai dự án".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án sân bay Long Thành là dự án mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, do đây là sân bay gắn liền với an ninh quốc gia nên chỉ có thể đấu thầu trong nước. Theo Luật Đấu thầu, sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, sẽ cần thời gian cho doanh nghiệp nghiên cứu, quyết định tham gia. Tiếp đó là khâu chấm thầu, công bố trúng thầu.
Theo đó, phải có từ 3 doanh nghiệp mới mở thầu, dưới 3 doanh nghiệp thì sẽ phải xin Chính phủ cơ chế mở thầu đặc biệt trong trường hợp đấu thầu không thành công. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể cho đấu thầu lần 2, nhưng nếu vẫn không đủ 3 doanh nghiệp thì vẫn phải xin mở thầu.
Đáng nói, ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành.