Dự án liên tục dính kiện tụng, Gamuda vẫn 'thu đậm' tại thị trường Việt Nam

19/01/2024 09:35

Gamuda Berhad ghi nhận doanh số bất động sản kỷ lục 4,1 tỷ RM trong năm tài chính 2023, riêng thị trường Việt Nam đạt 1,52 tỷ RM.

du-an-lien-tuc-dinh-kien-tung-gamuda-van-thu-dam-tai-thi-truong-viet-nam-1705631467.jpg

Dự án Gamuda City. Nguồn: Gamuda Land

Giai đoạn 2022 – 2023, trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn, giao dịch gần như đóng băng, nhiều doanh nghiệp lao đao thì Gamuda Berhad - nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật và phát triển bất động sản hàng đầu Malaysia ghi nhận “thu đậm” trong mảng bất động sản tại thị trường Việt Nam.

Tập đoàn cho biết năm tài chính 2023 (kết thúc 31/7/2023) ghi nhận kỷ lục về hợp đồng xây dựng, doanh số bất động sản, tổng doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, tập đoàn đã ký hợp đồng xây dựng trị giá 21 tỷ RM (~ 110.000 tỷ đồng), mức cao nhất từ trước đến nay; doanh thu bất động tăng lên mức kỷ lục 4,1 tỷ RM (~ 21.400 tỷ đồng). Tổng doanh thu 9 tỷ RM (47.000 tỷ đồng), tăng 41% so với năm trước; lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ 860 triệu RM (4.500 tỷ đồng), tăng 7%.

Trong doanh thu bất động sản, thị trường nội địa (Malaysia) và nước ngoài đóng góp tương đương. Báo cáo cho biết, tổng doanh thu bất động sản ở nước ngoài của Gamuda trong năm 2023 đạt 2 tỷ RM, thị trường Việt Nam đóng góp tỷ trọng lớn nhất 76% (khoảng 1,52 tỷ RM, tương đương 7.950 tỷ đồng).

Trong quý đầu năm 2024 (kết thúc này 31/10/2023), Gamuda ghi nhận tổng doanh số bán bất động sản nước ngoài đạt 176 triệu RM. Việt Nam tiếp tục là thị trường đóng góp lớn nhất tới 69% doanh số quốc tế (121 RM tương đương 635 tỷ đồng).

Tại ngày 31/10/2023, tập đoàn có tổng tài sản 24,2 tỷ RM (~ 125.000 tỷ đồng). Cơ cấu nợ phải trả và vốn chủ sở hữu tương đương nhau, lần lượt 12,9 tỷ RM và 11,3 tỷ RM.

Thị trường bất động sản Việt Nam từ cuối 2022 đến nay vẫn hết sức khó khăn, thanh khoản giảm sút, nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh lao đao, doanh thu lao dốc, số lượng dự án mở bán nhỏ giọt. Do vậy, thành công của một doanh nghiệp nước ngoài là điều đáng lưu tâm. 

Mạnh tay M&A dự án có pháp lý đầy đủ

Báo cáo của Gamuda cho hay kết quả năm 2023 và quý I/2024 là thành quả của chiến lược M&A, thu mua và phát triển các dự án QTP (Quick Turnaround Project – dự án xoay dòng vốn nhanh) - một phần trong chiến lược 5 năm. Tức là tập đoàn nhắm đến những quỹ đất có vị trí phù hợp, pháp lý đầy đủ để 1 – 2 năm sau có thể đưa thêm nguồn cung sản phẩm ra thị trường, không tích trữ quá lâu.

Gamuda đánh giá dự án có pháp lý đầy đủ là một lợi thế lớn trên thị trường khi bán hàng. Nguyên nhân là việc phát triển dự án có vị trí đắc địa tại TP.HCM trong thời gian qua khá khó khăn do vướng mắc pháp lý. Đồng thời, việc Việt Nam siết dòng vốn tín dụng cũng khiến các nhà phát triển bất động sản trong nước đang đối mặt với tình trạng khó khăn tài chính, phải tái cơ cấu lại và thoái vốn tài sản chiến lược.

Không chỉ năm 2023, thị trường Việt Nam luôn đóng góp nhiều nhất trong doanh thu mảng bất động sản nước ngoài cho tập đoàn từ nhiều năm trước.

Gamuda tham gia vào thị trường Việt Nam từ 2007 khi thành lập Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam, trụ sở chính tại Km 1,5 Pháp Vân, Công viên Yên Sở, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Doanh nghiệp đã đầu tư 2 khu đô thị lớn tại Hà Nội là Gamuda City 500 ha và tại TP.HCM là Celadon City, kiến tạo Công ty Yên Sở Hoàng Mai Hà Nội rộng 327 ha.

Sau khi khai thác gần hết 2 dự án Gamuda City và Celadon City, từ 2021 tập đoàn bắt đầu mạnh tay đi M&A các dự án khác để tạo động lực tăng trưởng giai đoạn tiếp theo. Ông Andrew Chan - Tổng giám đốc Gamuda Land từng chia sẻ đã thông qua nhiều phương án đầu tư, sẵn sàng rót hàng tỷ USD vào Việt Nam để mở rộng quỹ đất dưới nhiều hình thức như M&A, chuyển nhượng, đấu thầu…

Vào cuối 2021, Gamuda Land mua lô đất 5,6 ha từ Becamex TDC (mã: TDC) với giá gần 54 triệu USD để đầu tư dự án Artisan Park. Vào tháng 8/2023, tập đoàn đã làm lễ khởi công dự án, cung cấp thị trường khoảng 350 căn nhà phố và shophouse, kết cấu gồm 3 đến 4 tầng, tổng đầu tư 117 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng).

Vào tháng 7/2022, Gamuda Land đã M&A quỹ đất 2,8 ha ở Thành phố Thủ Đức, TP.HCM để phát triển dự án Elysian. Dự án được quy hoạch 1.398 căn hộ đa dạng chủng loại từ 1 đến 3 phòng ngủ, penthouse và 8 căn shophouse. Lễ khởi công đã được tổ chức vào tháng 2/2023.

2 dự án Elysian tại TP.HCM và Artisan Park tại Bình Dương đã bắt đầu đóng góp tích cực vào doanh thu năm 2023 và quý I năm nay. Tính đến hết quý I niên độ 2024, dự án Elysian bán được 85% trong khi Artisan Park bán được 80%. Đồng thời, các dự án khu đô thị hiện hữu Celadon City tại TP.HCM và Gamuda City tại Hà Nội đều hoạt động tốt, doanh thu khoảng 753 triệu RM năm 2023.

Ngoài ra, vào tháng 7/2023, Gamuda gây sốc khi chi 315,8 triệu USD (1,5 tỷ RM) để mua toàn bộ cổ phần Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực – tổ chức sở hữu dự án 3,68 ha tại TP Thủ Đức. Đây cũng là một dự án có pháp lý đầy đủ.

Tập đoàn sẽ phát triển dự án Eaton Park trên lô đất này, tổng đầu tư lên tới 5,1 tỷ RM. Tập đoàn đã khởi công dự án từ tháng 12/2023 và sẽ cho ra mắt năm nay. Theo giới thiệu, dự án là khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ đẳng cấp quốc tế, gồm 6 tòa tháp căn hộ cao 39 tầng, dự kiến cung cấp cho thị trường 1.980 căn hộ cao cấp, 51 căn shop khối đế và 21 căn nhà phố thương mại.

Dự án liên tục dính kiện tụng, vi phạm

Sản phẩm của Gamuda khi ra mắt thị trường được đánh giá cao ở việc phát triển cảnh quan xanh, như dự án Celadon City (Tân Phú, TP.HCM) quy mô 82 ha nhưng mật độ xây dựng chỉ 20%, diện tích còn lại để phát triển tiện ích công cộng và cảnh quan sinh thái. Hay dự án Gamuda City (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng được quảng cáo là nơi đáng sống với tiêu chí xanh – thông minh – hiện đại.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, 2 dự án này lại liên tục bị dính nhiều lùm xùm về sai xây dựng, nạn trộm cắp, nhiều hạng mục xuống cấp, cư dân tiến hành khởi kiện chủ đầu tư không thực hiện đúng hợp đồng, chối bỏ việc ký thỏa thuận với cư dân.

Vào năm 2021, Gamuda Land bị phạt 45 triệu đồng vì xây dựng sai quy định tại khu đô thị Gamuda Gardens thuộc dự án Gamuda City, buộc tháo gỡ công trình vi phạm. Năm 2023, UBND TP.HCM đã xử phạt hành chính với Công ty cổ phần Gamuda Land do ký hợp đồng mua bán căn hộ tại khu chung cư A5, khu liên hợp thể dục thể thao và khu dân cư Tân Thắng kh chưa được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện mở bán. Gamuda Land bị phạt 900 triệu đồng và buộc khắc phục bằng cách hoàn trả lại cho khách hàng phần vốn huy động không đúng quy định.

Ngay cả dự án Elysian mới triển khai cũng bị phản ánh “rao bán lúa non”, triển khai xây dựng rầm rộ khi chưa có giấy phép xây dựng và bán nhà.

Bạn đang đọc bài viết "Dự án liên tục dính kiện tụng, Gamuda vẫn 'thu đậm' tại thị trường Việt Nam" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.