Dự án khu đô thị treo 12 năm, người dân lâm cảnh khốn cùng, sống lay lắt trong "nhà thỏ"

30/07/2021 16:02

Thay vì thu hồi dự án vì chậm tiến độ kéo dài, chủ đầu tư không “tâm huyết”, khiến người dân khiếu nại nhiều năm thì tỉnh Lâm Đồng lại liên tục gia hạn tiến độ cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung.

Sống lay lắt trong "nhà thỏ"

Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị số 6 Trại Mát (phường 11, TP.Đà Lạt) là cái tên mà phóng viên báo Dân Việt đã nhiều lần được người dân phản ánh. Mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư tới 12 năm nay nhưng chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kiên Trung vẫn "án binh, bất động".

Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi sử dụng xe gắn máy chạy dọc theo con đường hướng vào mỏ đá 1646. Hướng về căn nhà tình thương rộng chừng 30m2 của gia đình ông Hà Thanh Hoa (60 tuổi, tổ Đa Phước 2, phường 11, TP.Đà Lạt). Đây là căn nhà tình thương được Chùa Linh Phước đứng ra xây dựng giúp cho gia đình ông Hoa vì hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

61-1627618037.png

Ông Hoa và con gái tận dụng nhà nhà nuôi thỏ trước đây để sơ chế rau và kê giường ngủ. Ảnh: Văn Long.

 

Với 2.000m2 đất trồng su su lấy ngọn, đường vào căn nhà của ông Hoa không có cổng, chỉ là con đường mòn, được dải một lớp bê tông mỏng để chống trơn trượt vào mùa mưa. Ngay từ cổng, cháu ngoại ông Hoa, chân đất, đầu trần chạy ra trước nhà nhìn chúng tôi với ánh mắt ngơ ngác. Khi đó, mẹ và ông ngoại cháu đang cắt những đọt su su trong phòng ngủ của ông Hoa và cũng là chuồng thỏ để kịp giờ chợ.

"Đó các anh xem, chỗ nhà tôi đang ở đây cũng là một phần của Khu đô thị mới số 6 "trong mơ" mà người dân vẫn chờ đợi 12 năm ròng rã. Đến giờ các thủ tục như quyết định thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đã xong. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Giờ tôi đã 60 tuổi nhưng chẳng biết nên ở hay đi nữa. Chỉ biết "chờ" thôi các anh ạ!", ông Hoa buồn bã nói với gương mặt khắc khổ, đôi bàn tay đen nhẹm đi vì nhựa su su bám vào đan chặt như kìm nén.

62-1627618036.png

Ông Hoa đã nghiên cứu rất kỹ các quy định về đất đai, đầu tư, đền bù...để làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng về việc chậm trễ khiến người dân chịu khổ tại dự án Khu đô thị số 6. Ảnh: Văn Long.

Điều mà ông Hoa chờ không phải khoảng 700 triệu đồng tiền bồi thường của nhà đầu tư mà là phản hồi của cơ quan chức năng, quyết định bảo vệ người dân tại địa phương của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Ông Hoa cho hay, "vào thời điểm năm 2009, số tiền 700 triệu cũng khá lớn, tuy nhiên vào thời điểm này, 700 triệu chúng tôi biết đi đâu, làm gì?". Hơn nữa trước đây, tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 303 (ngày 19/1/2016) về việc gia hạn tiến độ thực hiện dự án này. Trong đó, UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ nhà đầu tư phải huy động nguồn lực để thực hiện hoàn thành toàn bộ các hạng mục đầu tư của dự án. Hết thời gian được gia hạn mà nhà đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng".

Thế nhưng, đến ngày 21/5/2021, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ra văn bản số 3260 về việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới số 6 này khiến người dân vô cùng bức xúc.

63-1627618036.png

Một góc của dự án Khu đô thị mới số 6. Ảnh: Văn Long.

Căn nhà của tôi được các sư thầy chùa Linh Phước xây cho, đến nay nó đã quá chật trội để 3 thế hệ cùng chung sống, tôi tận dụng luôn căn nhà thỏ trước đây để kê mấy tấm gỗ nằm ngủ thôi", ông Hoa chia sẻ.

Mong chờ tái định cư

Đang sơ chế ngọn su su trong nhà thỏ cũng là phòng ngủ của bố mình, chị Lệ Quyên (30 tuổi, con gái ông Hoa) buồn bã nói: "Bố em năm nay đã 60 tuổi, mẹ đã mất nhưng nhà chẳng có gì, chỉ sống tạm bợ trong căn nhà mấy chục mét vuông. Nhiều khi em cùng với chồng muốn sửa sang lại căn nhà để ở cho đàng hoàng nhưng khổ vì cái dự án treo này nên chả dám bỏ tiền ra. Giờ tiền bồi thường thì chưa nhận, đất bán không được mà muốn đầu tư cũng chẳng xong. Người dân ở đây cũng như gia đình em muốn dự án này phải chấm dứt để người dân ổn định cuộc sống".

64-1627618037.png

Chị Lệ Quyên trong căn nhà nuôi thỏ và cũng là nơi ngủ của bố mình để sơ chế ngọn su su. Ảnh: Văn Long.

Chị Quyên cũng cho hay, vài năm trở lại đây, chị cùng bố chỉ trồng su su lấy ngọn do dự án không có "chuyển động" gì. Nếu đầu tư trồng cây lâu năm hay làm nhà kính thì sẽ không được bồi thường nếu dự án được làm trở lại. Vì vậy, gia đình chị phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ như hiện nay với số tiền chỉ khoảng 150.000 đồng mỗi ngày nhờ bán ngọn su su.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Minh (54 tuổi, người dân trong khu vực dự án) chia sẻ, gia đình ông đã nhận được số tiền bồi thường 700 triệu đồng và hứa sẽ có đất ở tái định cư. Tuy nhiên, từ đó đến nay gia đình ông vẫn chưa được bàn giao phần đất tái định cư theo quy định.

65-1627618037.png

Ông Minh chia sẻ với phóng viên, mong muốn được có đất tái định cư để ổn định cuộc sống. Ảnh: Văn Long.

"Tiền thì đã nhận từ rất lâu, giờ gia đình 3 thế hệ ở trong căn nhà tôn chỉ có khoảng 50m2. Với 2.000m2 đất của gia đình tôi hiện nay cũng chỉ trồng được ít cây atiso nhưng hiệu quả không có. Cả gia đình phải đi làm thuê, trong khi đó lại phải sống tạm bợ, không dám sửa sang nhà cửa, đầu tư vào mảnh vườn. Tất cả là vì dự án treo 12 năm trên. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng. Nếu tiếp tục đầu tư thì phải nhanh chóng bàn giao đất tái định cư để người dân ổn định cuộc sống. Còn không thì phải chấm dứt, thu hồi dự án này để chúng tôi đầu tư sản xuất. Hơn nữa, giá trị mảnh đất hiện tại không thể tính và bồi thường với số tiền đã cách đây 12 năm. Điều này là rất vô lý", ông Minh giải thích.

66-1627618037.png

Diện tích đất trồng atiso của gia đình ông Minh không mang lại hiệu quả khiến cả gia đình ông phải đi làm thuê. Ảnh: Văn Long.

Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới số 6 được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 với mục tiêu đầu tư xây dựng, kinh doanh khu đô thị mới. Dự án với tổng mức vốn đầu tư 167 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

Tuy được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 nhưng đến nay chủ đầu tư của dự án này là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kiên Trung gần như không tác động gì lên đất. Đến nay vẫn chỉ là những khoảng trống cỏ mọc um tùm khiến người dân vô cùng bức xúc.

 

Theo Văn Long /Dân Việt
Bạn đang đọc bài viết "Dự án khu đô thị treo 12 năm, người dân lâm cảnh khốn cùng, sống lay lắt trong "nhà thỏ"" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.