Lời tòa soạn: Việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng dẫn đến hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc này đã tạo điều kiện cho rất nhiều chủ đầu tư tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM liên tục vi phạm, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội khi quyền lợi, tài sản của người dân bị đe dọa. Nổi cộm là dự án xây dựng công trình chức năng hỗn hợp Đại Thanh. Tại thời điểm thanh tra, dự án chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước, nhưng chủ đầu tư đã khởi công xây dựng, trong quá trình xây dựng có nhiều sai phạm. Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông qua khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Dự án Khu đô thị Đại Thanh: Khi niềm tin đặt sai chỗ!" - Bài 2: Bao giờ quyền lợi người dân được đảm bảo? với mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này. |
Sau khi Reatimes đăng tải bài viết Dự án Khu đô thị Đại Thanh: Khi niềm tin đặt sai chỗ! đã nhận được những phản hồi, chia sẻ từ phía độc giả. Nội dung phân tích xoay quanh câu chuyện hàng trăm hộ dân “điêu đứng” khi bỏ tiền tỷ để mua đất dự án trong Khu đô thị Thanh Hà nhưng hàng chục năm vẫn không xây được nhà, không được cấp sổ đỏ.
Mua nhầm dự án “ma”?
Qua tìm hiểu được biết, Khu đô thị Đại Thanh được thực hiện bởi chủ đầu tư có nhiều “tai tiếng” là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh). Dự án gồm các khu nhà liền kề, biệt thự và 6 khối nhà cao tầng được phê duyệt xây dựng 29 tầng. Các tòa nhà chung cư được đồng ý về chủ trương xây dựng 29 tầng. Còn khu biệt thự và nhà liền kề thực chất là khu đất quy hoạch để sản xuất gạch ngói.
Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý xây thành khu nhà 32 tầng khi chưa được cấp phép. Tương tự, khu biệt thự và nhà liền kề cũng được xây dựng không phép bằng tiền huy động của người dân có nhu cầu mua.
Đáng chú ý, năm 2017, khi dự án bị thanh tra, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được quyết định giao đất, chưa nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước và dự án vẫn chưa được phê duyệt nhưng đã bán hết toàn bộ số nhà liền kề, biệt thự và căn chung cư cho hàng nghìn người dân từ những năm trước đó.
Được biết, gần 500 hộ gia đình đang “sống dở chết dở” khi mua phải những lô đất liền kề tại Khu đô thị Đại Thanh. Người ít thì bỏ 2 tỷ đồng, người nhiều khoảng 5 đến 6 tỷ đồng nhưng gần 10 năm nay vẫn không xây được nhà. Và giờ mới “vỡ lẽ” đã mua phải đất của dự án "ma". Nhiều chuyên gia nhận định khách hàng có nguy cơ mất trắng do không tìm hiểu kỹ về pháp lý.
Trao đổi với phóng viên Reatimes qua điện thoại, đại diện Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thanh Trì cho rằng: “Trách nhiệm chủ đầu tư phải chung tay với khách hàng, tháo gỡ cho khách hàng, để nhiều năm nay không được xây dựng, chúng tôi cũng rất xót xa. Quá trình dựng nhà tạm chúng tôi bắt buộc phải xử lý theo quy định, nếu không phải chịu trách nhiệm với thành phố”.
“Đẩy” người dân vào bế tắc!
Nhiều năm qua, hàng nghìn người dân đã 9 lần cầu cứu các cơ quan chức năng để tìm hướng giải quyết nhưng sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”. Điều đáng nói, số tiền hàng nghìn tỷ đồng tiền mua nhà, mua đất của người dân đương nhiên vẫn nằm yên trong túi chủ đầu tư nhưng họ lại luôn vắng mặt trong các cuộc đối thoại.
Phải đến ngày 5/4/2021, chủ đầu tư mới có buổi đối thoại đầu tiên với người dân vì trước đó hàng trăm người dân mua đất tại dự án đã đồng loạt căng băng rôn đòi quyền lợi, bức xúc trước việc chính quyền huyện Thanh Trì phá dỡ nhà của họ mà không rõ nguyên nhân.
Buổi đối thoại xoay quanh nội dung: Chủ đầu tư làm rõ những vấn đề liên quan tới việc cấp phép xây dựng? Cấp sổ đỏ vào thời điểm nào? Thời gian hoàn thiện đồng bộ hạ tầng khu đô thị, yêu cầu chủ đầu tư bồi thường cho những những khách hàng đã dựng nhà tạm nhưng bị chính quyền phá dỡ và cung cấp tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất.
Tại buổi đối thoại, đại diện chủ đầu tư là ông Đỗ Trung Kiên, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên khẳng định, thông tin khách hàng mua nhầm dự án “ma” và tự ý chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp là không đúng, không có căn cứ. Tuy nhiên, lại không đưa ra bất kỳ văn bản, tài liệu nào chứng minh cho việc này!
Chị Hạnh, một khách hàng mua đất tại dự án bức xúc chia sẻ, tất cả những nội dung trong buổi đối thoại đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Đồng thời, chủ đầu tư lại cử một người đại diện không đủ thầm quyền, thiếu hiểu biết về pháp luật để đối thoại với khách hàng nhằm “bưng bít” thông tin.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Vũ Thị Phương Loan - Trưởng Văn phòng Luật sư Phương Loan phân tích: "Vấn đề khách hàng khi mua nhà không tìm hiểu kỹ dự án, giả sử còn có một số nơi không hợp pháp như đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, khu vực này được chủ đầu tư thu hồi, san lấp, phân lô bán cho khách hàng. Với những lô như vậy không thể xây nhà vì không đúng quy hoạch".
Vị luật sư này nhìn nhận đây là một vấn đề bất cập nhưng song song đó cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao chủ đầu tư thu hồi đất để bán cho khách hàng mà chính quyền sở tại lại không hề hay biết?