Dự án Khu dân cư Hòa Lân-Bình Dương: Những quyết định bất thường của Tòa án Nhân dân quận 7

26/11/2019 09:19

Bất cứ yêu cầu nào của Công ty Thiên Phú đưa ra đều được Tòa án Nhân dân quận 7 tiếp nhận, thụ lý một cách nhanh chóng đang cho thấy sự bất thường

Bất cứ yêu cầu nào của Công ty Thiên Phú đưa ra đều được Tòa án Nhân dân quận 7 tiếp nhận, thụ lý một cách nhanh chóng đang cho thấy sự bất thường.

Thụ lý vụ án không thuộc thẩm quyền của mình; Xác định sai đối tượng của vụ án; Giải quyết khiếu nại theo kiểu bao che; Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sai quy định… Đó là những gì đang diễn ra tại Tòa án nhân dân Quận 7, TP HCM khiến doanh nghiệp lao đao. Công ty Kim Oanh đã “uất nghẹn”, phải làm đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ và đơn tố cáo thẩm phán thụ lý vụ án lên cấp có thẩm quyền:

Khởi kiện nhiều nội dung thanh tra đã kết luận

Ngày 14/2/2019, lá đơn đầu tiên của Công ty Thiên Phú gửi đến TAND quận 7 khởi kiện Công ty CP Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Đấu giá). Đơn khởi kiện của Thiên Phú cho rằng, việc đấu giá Dự án Khu dân cư Hòa Lân đã có nhiều sai phạm, như Agribank Chợ Lớn đã đo đạc, làm thiếu hụt diện tích thực tế của dự án là 8.452m2 gây thiệt hại tài sản cho công ty; Việc đưa giá khởi điểm không chính xác dẫn tới sai sót, gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong những lần điều chỉnh giá về sau.

Dù chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng Công ty Đấu giá đã chuyển nhượng cho Công ty Kim Oanh theo hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017 là gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú. Việc Công ty Kim Oanh vi phạm cam kết thanh toán là trái với Quy chế đấu giá, thông báo đấu giá và quy định ban đầu của chính ngân hàng đặt ra… Bởi vậy, Công ty Thiên Phú đề nghị Tòa án nhân dân Quận 7 tuyên hủy hợp đồng bán đấu giá dự án Hòa Lân.

Dự án Hòa Lân hiện nay vẫn là bãi đất trống

Như vậy, đơn khởi kiện của Công ty Thiên Phú có nhiều điểm trùng khớp với nội dung đơn tố cáo của những công dân đã tố cáo trước đó lên Thanh tra Bộ Tư pháp. Nội dung khởi kiện cũng có những điểm thanh tra đã kết luận. Sau gần 2 tuần gửi đơn khởi kiện, TAND quận 7 đã ra thông báo thụ lý vụ án “Hợp đồng bán đấu giá”.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 10/3/2019, Công ty Thiên Phú lại tiếp tục đâm đơn khởi kiện bổ sung. Lần này, Agribank Chợ Lớn bị đưa vào vụ án “Hợp đồng bán đấu giá” với các cáo buộc cho rằng, ngân hàng đã có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến gây thiệt hại về tài sản cho Công ty Thiên Phú.

Với các trích dẫn được kết luận trong kết luận thanh tra của Bộ Tư pháp, đó là việc trả chậm số tiền của dự án, chứ không phải trả ngay như thỏa thuận trong hợp đồng của Kim Oanh là vi phạm cam kết nghĩa vụ thanh toán. Agribank Chợ Lớn ban hành văn bản thông báo, số dư nợ và tiền lãi mà Thiên Phú còn nợ tính đến ngày 25/5/2017 là hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng thực tế Thiên Phú chỉ nợ ngân hàng gần 1.500 tỷ đồng.

Thiên Phú còn cho rằng, nếu Kim Oanh trả đủ tiền thì Thiên Phú đã thực hiện xong phần nợ tín dụng, cho nên văn bản của Ngân hàng là không đúng. Do vậy, trong vụ kiện “Hợp đồng bán đấu giá”, Thiên Phú yêu cầu Tòa tuyên hủy luôn “Biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của Công ty Thiên Phú” đã ký với Agribank.

Kiện đòi cả tài sản không còn là của mình

Không rõ vì sao, cùng một bị đơn khởi kiện hai nguyên đơn, tính chất hai vấn đề cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng chỉ 3 ngày sau khi có đơn khởi kiện bổ sung, TAND quận 7 ngay lập tức ra quyết định thông báo về thụ lý vụ án bổ sung đưa Agribank Chợ Lớn vào vụ án. Cùng với đó, ngày 15/3/2019, TAND quận 7 ra quyết định “Áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời”, do Thẩm phán Lê Thị Phơ ký với nội dung: “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với các tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án Hòa Lân tại xã Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương…”

Mới đây nhất là ngày 2/8/2019, Công ty Thiên Phú lại tiếp tục khởi kiện bổ sung và yêu cầu tòa án hủy hợp đồng đấu giá ngày 17/6/2015; khởi kiện cả Hợp đồng mà Agribank cho Công ty Thiên Phú vay vàng…

Đến đây, một câu hỏi khác đặt ra là tại sao, chủ thể khởi kiện là khác nhau, nhưng tất cả các yêu cầu của Công ty Thiên Phú “nhồi nhét” vào vụ án này đều được TAND quận 7 chấp nhận?

Trước đó, khi vụ kiện lùm xùm liên quan đến Agribank Chợ Lớn được đưa ra công luận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng Agribank báo cáo vụ việc. Ngày 28/3/2019, Agribank có công văn số 2568 báo cáo Thủ tướng về việc bán đấu giá Dự án Hòa Lân.

Theo đó, Agribank khẳng định: Trong suốt quá trình đấu giá cũng như bàn giao tài sản đảm bảo là Dự án Hòa Lân cho ngân hàng, Công ty Thiên Phú đều có văn bản đồng thuận. Việc mua bán tài sản đấu giá cũng đã được công chứng theo đúng quy định của pháp luật. Do đó Công ty Thiên Phú không còn quyền đối với tài sản là Dự án Hòa Lân.

Đối với việc xử lý tài sản sau đấu giá, do phát sinh sự kiện pháp lý ảnh hưởng đến việc thanh toán như: Còn 10 hộ kinh doanh lấn chiếm đất dự án không chịu trả mặt bằng; 15 hộ dân kiện yêu cầu thực hiện trả đất dự án hoặc trả tiền lãi suất tái định cư trước đây Công ty Thiên Phú đã cam kết; Ranh đất đo đạc có sự chênh lệch so với thực tế, đến tháng 7/2018, Công ty Kim Oanh với hoàn thành nghĩa vụ thuế dự án mà Công ty Thiên Phú đã nợ trước đây… nên Công ty Kim Oanh xin giãn thời gian thanh toán tiền mua tài sản.

Tuy nhiên, sau kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị Agribank có biện pháp thu hồi số tiền mà Kim Oanh mua tài sản đấu giá và tiền lãi suất chậm trả thì đến ngày 15/3/2019, Công ty Kim Oanh đã thanh toán đủ số tiền mua đấu giá là hơn 1.530 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền này Agribank cũng đã thu nợ cho Công ty Thiên Phú.

Cách xử lý không bình thường của TAND quận 7

Theo Luật sư Nguyễn Quốc Phong- Đoàn luật sư TP HCM, trong đơn yêu cầu áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời, Công ty Thiên Phú nêu yêu cầu áp dụng biên pháp khẩn cấp tạm thời, cụ thể là cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản tranh chấp là quyền sử dụng đất Dự án Hòa Lân mà công ty Kim Oanh đã nhận chuyển nhượng trái pháp luật cho đến khi có quyết định cuối cùng của tòa án… là vi phạm tố tụng và không cần thiết.

Bởi, việc tòa án ban hành quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với dự án Hòa Lân vì cáo buộc Kim Oanh đã rao bán dự án này trên mạng internet nhưng không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cụ thể kèm theo đơn đề nghị. Thực tế sâu xa hơn, việc ra biện pháp này là nhằm ngăn chặn Kim Oanh được nhận chuyển nhượng dự án Hòa Lân.

Cũng theo luật sư Nguyễn Quốc Phong, việc Công ty Thiên Phú yêu cầu khởi kiện về việc hủy kết quả đấu giá Dự án Hòa Lân, tức là tước bỏ quyền sở hữu tài sản đấu giá của Công ty Kim Oanh. Cho nên đối tượng tranh chấp ở đây không phải là Dự án Hòa Lân, mà theo quy định phải do Tòa án thị xã Thuận An, nơi có bất động sản thụ lý. Bởi vậy, ông Phong cho rằng, việc TAND quận 7 thụ lý vụ án này là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Agribank Việt Nam khẳng định: “Quá trình xử lý tài sản đảm bảo hiện nay có một số vướng mắc, đó là UBND tỉnh Bình Dương vẫn chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ Công ty Thiên Phú sang Công ty Kim Oanh; Công ty Thiên Phú đã tham gia toàn bộ quá trình đấu giá, tự nguyện bàn giao tài sản, có ý kiến thống nhất bằng văn bản đối với việc thông báo bán đấu giá và giảm giả; ký kết biên bản bán đấu giá tài sản và hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá.

Bởi vậy, việc Công ty Thiên Phú kiện Agribank, Tòa án quận 7 quyết định “Áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời” là không đúng với tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng về thí điểm xử lý nợ xấu của Tổ chức tín dụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên trúng đấu giá là Công ty Kim Oanh cũng như quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của ngân hàng”.

Như vậy, việc Tòa án nhân dân quận 7 tiếp nhận đơn, thụ lý vụ kiện, cũng như đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của Công ty Thiên Phú một cách nhanh chóng như đã diễn ra, đang cho thấy sự bất thường của vụ án này (?!). Trong bài tiếp theo về vụ việc này, nhóm PV VOV tại TP HCM sẽ đề cập đến sự lùm xùm, rắc rối của vụ kiện đang làm méo mó Nghi quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu./

Nhóm phóng viên  - Theo VOV-TP HCM

https://vov.vn/kinh-te/dia-oc/nhung-quyet-dinh-bat-thuong-cua-toa-an-nhan-dan-quan-7-982331.vov

Bạn đang đọc bài viết "Dự án Khu dân cư Hòa Lân-Bình Dương: Những quyết định bất thường của Tòa án Nhân dân quận 7" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.