Dự án Hanoi Paragon chậm trễ bàn giao, người mua “oằn lưng” cõng lãi ngân hàng

30/12/2020 22:04

Mặc dù được cam kết sẽ nhận căn hộ vào tháng 8/2018, nhưng đến nay hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án Hanoi Paragon, quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn mòn mỏi chờ nhà về ở. Việc chủ đầu tư chậm bàn giao nhà gần 2 năm khiến các gia đình tại dự án này lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa không có nhà ở vừa phải oằn lưng trả lãi vay ngân hàng hàng tháng.

Mặc dù được cam kết sẽ nhận căn hộ vào tháng 8/2018, nhưng đến nay hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án Hanoi Paragon, quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn mòn mỏi chờ nhà về ở. Việc chủ đầu tư chậm bàn giao nhà gần 2 năm khiến các gia đình tại dự án này lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa không có nhà ở vừa phải oằn lưng trả lãi vay ngân hàng hàng tháng.

Nhiều khách hàng căng băng rôn phản đối chủ đầu tư (Ảnh: TL).)

Khách hàng lo sợ tiền mất, tật mang

Tìm hiểu được biết, dự án Hanoi Paragon do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT (thành viên trực thuộc Tincom Group – nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long, ông Thang Văn Lương là Chủ tịch HĐQT) làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên lô đất số A3, Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Đây là tổ hợp khu nhà ở, văn phòng và dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 8.200 m2 và từng được quảng cáo rầm rộ là dự án với “phong cách sống Singapore giữa lòng Hà Nội”.

Tiền thân của dự án là khu đất được Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT (Công ty VT) thuê để xây dựng Tòa nhà trung tâm thương mại Paragon từ năm 2007 và được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2009. Sau đó, tới năm 2011, dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh chuyển mục đích đầu tư dự án thêm chức năng nhà ở và văn phòng. Tới năm 2012, chủ đầu tư chính thức nhận quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở lâu dài để triển khai dự án Hanoi Paragon.

Tuy nhiên, phải tới hơn 2 năm sau, dự án mới chính thức được cấp phép triển khai khi Bộ Xây dựng ban hành Công văn số 3352/BXD-HĐXD về việc miễn giấy phép xây dựng dự án do đã có Quy hoạch chi tiết 1/500 toàn thể Khu đô thị mới Cầu Giấy từ trước đó.

Đến quý II/2015 dự án mới chính thức khởi công với cam kết hoàn thành, bàn giao và đi vào sử dụng từ quý IV/2017. Cuối tháng 3/2017, Hanoi Paragon chính thức mở bán và trở thành một trong những dự án hot nhất vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, cuối năm 2017, dự án đã bị “phanh phui” hàng loạt vấn đề như: Chưa hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính, chưa nộp tiền sử dụng đất… Đồng thời, chủ đầu tư dự án cũng rơi vào “kiện tụng” tranh chấp với nhà thầu và buộc phải dừng thi công, nên không thể hoàn thành cam kết bàn giao nhà với khách hàng như dự kiến ban đầu.

Trong báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội với HĐND Thành phố cuối năm 2018, dự án cũng đã được liệt kê trong danh sách dự án chậm tiến độ thực hiện hơn 24 tháng.

Được biết, ngày 21/10/2019 Công ty VT đã có Văn bản gửi khách hàng xin gia hạn thời gian bàn giao căn hộ đến ngày 1/2/2020. Theo đó, bên bán sẽ phải trả cho bên mua lãi suất quá hạn theo quy định tại hợp đồng mua bán. Chủ đầu tư cam kết sẽ trả đầy đủ tiền phạt chậm bàn giao được tính từ ngày thứ 91 kể từ ngày bàn giao được ghi tại khoản 3,4 điều 3 trong Hợp đồng mua bán căn hộ đến thời gian khách hàng nhận bàn giao căn hộ. Số tiền phạt chậm bàn giao sẽ được khấu trừ vào số tiền khách hàng phải thanh toán khi nhận Bàn giao căn hộ. Tuy nhiên đến nay sau nhiều lần cam kết lời hứa vẫn chưa được thực hiện.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tới thời điểm hiện tại mới chỉ có tòa A và tòa B được hoàn thiện phần cơ bản, còn tòa C đến nay vẫn chưa tiếp tục thi công.

Một khách hàng đặt mua căn hộ tại đây bức xúc chia sẻ: Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết của mình nhưng họ liên tục trì hoãn. Rất nhiều gia đình ở đây rơi vào tình cảnh khó khăn, không có nhà để ở, phải đi thuê nhà hàng tháng với con số không hề nhỏ. Tôi nhận thấy rằng chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, cố tình chậm trễ bàn giao nhà.

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị H cho biết: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi có liên hệ đến chủ đầu tư nhưng không được. Mỗi tháng chúng tôi phải vất vả để trả tiền lãi ngân hàng trong khi đó chủ đầu tư hứa giao nhà cách đây 2 năm rồi. Trong 2 năm này chúng tôi phải đi thuê nhà với lãi rất cao, không có khả năng trả lãi ngân hàng nữa. Chính vì dự án này nhiều gia đình lục đục, khó khăn.

Dự án Hanoi Paragon gồm 3 tòa tháp mỗi tòa hơn 30 tầng và có 3 tầng hầm liên thông với nhau.)

Chủ đầu tư đầy “tai tiếng”

Hanoi Paragon không phải dự án đầu tiên “dính vết” của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long. Công ty này cũng từng dính lùm xùm với dự án Tincom Pháp Vân. Các khách hàng của dự án này đã đóng tiền hơn 11 năm, nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thiện và bàn giao.

Tincom Pháp Vân được UBND Thành phố Hà Nội trao quyết định đầu tư từ năm 2009. Tuy nhiên, dù chưa hoàn thiện hạ tầng và móng cốt để đủ điều kiện bán, chủ đầu tư dự án đã vội vã chào bán cho khách hàng dưới hình thức hợp đồng góp vốn theo "chính sách" của công ty.

Khi ấy, chủ đầu tư dự kiến sẽ bàn giao nhà vào năm 2014. Thế nhưng, vì thi công chưa có giấy phép xây dựng, dự án đã bị đình chỉ. Đến cuối năm 2011, dự án Tincom Pháp Vân mới có giấy phép xây dựng. Đến tháng 11/2011, dự án vẫn chưa xong phần móng, chỉ là một đống ngổn ngang, hoen rỉ. Thời gian tái thi công chẳng được bao lâu thì đến đầu năm 2012 dự án rơi cảnh “đắp chiếu”. Trước tình cảnh này, nhiều khách hàng làm đơn đề nghị thoái vốn.

Tuy nhiên, phản hồi lại đề nghị của khách hàng, chủ đầu tư dự án này cho rằng, hợp đồng góp vốn trên dựa trên chính sách tạo điều kiện về nhà ở cho cán bộ nhân viên. Trong khi đó, quy chế tại công ty này quy định cán bộ nhân viên không có quyền hủy ngang số tiền góp vốn và hợp đồng ủy thác đầu tư. (?)

Đến năm 2016, dự án được đổi tên thành “Dragon Riverside Pháp Vân” và trở lại quảng bá rầm rầm khắp nơi. Thế nhưng, tái thi công được khoảng 2 năm với việc nỗ lực xây thô đến tầng 25, Dragon Riverside Pháp Vân lại rơi vào cảnh đình trệ tầng cho đến nay. Trước viễn cảnh có nguy cơ "tiền mất, nhà mất", những tháng đầu năm 2020, rất nhiều khách hàng đã gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng tố cáo chủ đầu tư đã không hoàn thành cam kết bàn giao nhà cho khách hàng dù đã thu tới cả tỷ đồng.

Trong số 3 dự án được Tincom Group triển khai, chỉ có duy nhất Imperial Giải Phóng đã được hoàn thiện, bàn giao và đi vào sử dụng từ năm 2018. Tuy nhiên, từ đó tới nay, dự án liên tục bị cư dân căng băng rôn phản đối vì chậm tiến độ làm sổ hồng. Chưa kể, dự án còn bị tố chất lượng dịch vụ kém có ý chây ỳ không bàn giao quỹ bảo trì về cho Ban quản trị chung cư.

Người dân đặt câu hỏi, chủ đầu tư sử dụng vốn để thực hiện dự án khác hay năng lực tài chính của doanh nghiệp này có vấn đề? Để đảm bảo quyền lợi của cư dân đề nghị chính quyền kiểm tra, làm rõ.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Theo Khánh An – Thanh Thanh/Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết "Dự án Hanoi Paragon chậm trễ bàn giao, người mua “oằn lưng” cõng lãi ngân hàng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.