Đất không giao, sao triển khai?
Theo tìm hiểu, Dự án Khu nhà ở kinh doanh có diện tích 12.283m2 nằm tại khu Đầm Liễng, phường Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội.
Mặt phía Đông Nam dự án giáp đường Vành đai 3, phía Đông Bắc giáp đường quy hoạch và Khu đô thị mới C2.
Ngày 21/9/2011, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 8057/UBND-KH&ĐT chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Á Đại Thành làm chủ đầu tư dự án.
Tiến độ thực hiện dự án là vào quý III/2011 đến quý II/2014.
Sau đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận Hoàng Mai cũng đã ra các văn bản xác nhận quy hoạch mặt bằng xây dựng của dự án.
Tuy nhiên, sau khi đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, từ đó đến nay, đã cả một thập kỷ trôi qua, nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai.
Khu đất dự án có tổng diện tích 12.272m2, trong đó đối với diện tích 6.087,13m2 đất nông nghiệp của 182 hộ gia đình, cá nhân được giao đất theo Nghị định 64 của Chính phủ, chủ đầu tư thực hiện thủ tục thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuế quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Còn lại diện tích 6.184,87m2 đất nông nghiệp chưa giao và đất chuyên dùng do UBND phường Yên Sở quản lý.
Ghi nhận của phóng viên, hiện trạng dự án vẫn đang là một bãi đất trống quây tôn tạm bợ, cỏ cây mọc um tùm. Phía bên trong khu vực dự án có một số xe cẩu, máy xúc nằm im lìm, không hoạt động.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai, Dự án Khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng do Tân Á Đại Thành làm chủ đầu tư vì nhiều nguyên nhân mà chưa thể triển khai.
“Dự án không phải thuộc diện Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận, nhận chuyển nhượng của người dân. Ở thời điểm trước, quy hoạch của thành phố có thay đổi nên dự án cần phải điều chỉnh. Hiện nay, thủ tục gia hạn đầu tư đang được doanh nghiệp thực hiện ở Sở Kế hoạch và Đầu tư”, ông Nguyễn Đức Thọ cho biết.
Trả lời PV Báo GD&TĐ ngày 3/8, đại diện Tập đoàn Tân Á Đại Thành nói rằng, trong tổng diện tích Dự án khu Đầm Liễng, phần đất thuộc sở hữu của người dân đã được doanh nghiệp mua lại, chuyển đổi sang đất thổ cư vào cuối năm 2022. Đối với phần đất công, từ khi có chủ trương đầu tư dự án đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được thành phố giao đất nên không thể triển khai.
“Chủ trương, quy hoạch là vậy, nhưng phương án đấu giá, hay giao đất như thế nào thì thành phố không có hướng dẫn cụ thể.
Lý do bởi thay đổi các đời chủ tịch thành phố, gián đoạn do đại dịch Covid-19. Từ trước tới giờ, doanh nghiệp đã làm rất nhiều văn bản kiến nghị.
Đến năm ngoái, kiến nghị nhiều thì thành phố mới yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát khó khăn của doanh nghiệp để giúp đỡ triển khai”, đại diện Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết.
Thiếu đất xây trường học
Tại quận Hoàng Mai hiện nay, do dân số cơ học tăng, dẫn đến số học sinh trên địa bàn quận tăng nhanh hàng năm, cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng kịp; số lượng học sinh đông, số học sinh/lớp cao, diện tích đất/học sinh không đảm bảo tiêu chuẩn, thiếu quỹ đất để mở rộng trường học công lập.
Quận Hoàng Mai hiện có 38 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai do nhiều chủ đầu tư nợ thuế lớn, chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài qua nhiều năm; nhiều chủ đầu tư không tập trung đầu tư hạ tầng xã hội như: Trường học, cây xanh, bãi đỗ xe..., dẫn đến quá tải về hạ tầng xã hội.
Trong tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trần Sỹ Thanh đã chủ trì kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội, yêu cầu quận Hoàng Mai cần có nghị quyết chuyên đề mới về vấn đề cơ sở vật chất giáo dục.
Ông Trần Sỹ Thanh đánh giá đây là vấn đề cốt yếu của quận Hoàng Mai. Trong đó, quận cần rà soát, đánh giá lại nhu cầu, dự báo xu hướng phát triển để phân công triển khai nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cấp bách của ngành Giáo dục quận.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - ông Trần Thế Cương - cho biết, quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng học sinh lớn của Hà Nội, trong khi quỹ đất dành cho trường học thiếu.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - Trần Thế Cương đề xuất quận Hoàng Mai tiếp tục dành quỹ đất đầu tư cho trường học bởi tại địa bàn quận số lượng trường công lập còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu bởi tâm lý của phụ huynh học sinh mong muốn con em được học trường công lập.
Về tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa giáo dục trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho biết, quận đang triển khai thực hiện 99 dự án, gồm 24 dự án xây dựng trường học. Trong đó, có 16 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư hơn 2 nghìn tỉ đồng.
Dự kiến, năm 2023, quận hoàn thành 5/16 dự án, gồm các trường: Mầm non Hoa Sữa, Tiểu học Tân Mai, Tiểu học Trần Phú, THCS Định Công và THCS Đại Kim; khởi công 4 dự án và chuẩn bị đầu tư 4 dự án trường học.