Dự án BT nằm ngoài ‘vùng phủ sóng’ của Luật PPP?

24/05/2020 12:30

Các phân tích của Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho thấy những quy định về dự án BT (xây dựng – chuyển giao) không hoàn toàn trùng khớp với dự án PPP (đối tác công tư).

Các phân tích của Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho thấy những quy định về dự án BT (xây dựng – chuyển giao) không hoàn toàn trùng khớp với dự án PPP (đối tác công tư).

Dự án BT nằm ngoài ‘vùng phủ sóng’ của Luật PPP?

Theo HoREA, Khoản 3, Điều 13 Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định: “Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao” (hợp đồng BT).

Khoản 4, Điều 44 Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định: “Việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu”.

Điều 117 Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định: “Sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao”.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP về “đầu tư theo hình thức đối tác công tư”. Khoản 5 Điều 3, nghị định này giải thích: “Hợp đồng BT là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác”.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP “quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao”, để hướng dẫn thi hành Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Trong khi đó, trong dự thảo Luật PPP, Khoản 1, Điều 4 giải thích: “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà nhà nước có trách nhiệm cung cấp”.

Khoản 3 Điều 45 dự thảo Luật PPP, quy định: “hợp đồng xây dựng – chuyển giao là hợp đồng để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan ký kết hợp đồng, chịu trách nhiệm bảo trì dài hạn; hỗ trợ tổ chức, đơn vị vận hành công trình (nếu có). Nhà đầu tư được cơ quan ký kết hợp đồng thanh toán theo một trong các phương tiện: tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác”.

Như vậy có thể thấy dự án BT không hoàn toàn trùng khớp với loại hình dự án PPP ở các điểm sau.

Một là dự án PPP được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân. Trong khi đó, dự án BT được thực hiện trên cơ sở nhà đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan ký kết hợp đồng và được cơ quan ký kết hợp đồng thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác.

Trong khi đó, ở dự án BT, nhà đầu tư bỏ tiền ra trước để thực hiện công trình BT và được nhà nước thanh toán lại sau, khi công trình BT được nghiệm thu bàn giao, tương tự như kiểu “hợp đồng nhận thầu trọn gói; hợp đồng nhận thầu khoán gọn”. Trong dự án BT chỉ có yếu tố“thanh toán”, mà không có yếu tố “hợp tác” như trong dự án PPP.

Hai là trong dự án PPP, nhà nước và nhà đầu tư là hai đối tác bình đẳng, hợp tác có thời hạn để thực hiện dự án PPP, cùng chia lợi nhuận, cùng chia sẻ rủi ro, nhất là trong trường hợp dự án bị giảm doanh thu trong quá trình khai thác, quản lý vận hành.

Trong khi đó, ở dự án BT, nhà nước thanh toán giá trị hợp đồng BT cho nhà đầu tư theo nguyên tắc “ngang giá”, theo kiểu “mua đứt bán đoạn”. Nhà đầu tư dự án BT bán công trình BT cho nhà nước; nhà nước mua công trình BT và thanh toán cho nhà đầu tư bằng tài sản công, theo phương thức trao đổi hàng hóa thô sơ “vật đổi vật, hàng đổi hàng”.

Mặt khác, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT đã được quy định tại Khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý sử dụng tài sản công, “thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu”. Do vậy, dự thảo Luật PPP quy định quy trình, hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT không thống nhất với Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Để giải quyết vấn đề này, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ Khoản 3, Điều 45 của dự thảo Luật PPP quy định về loại hợp đồng BT.

Việc điều chỉnh hợp đồng BT thực hiện theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai.

Vĩnh Chi - Nguồn Vietnam Finance

Link gốc

 

Bạn đang đọc bài viết "Dự án BT nằm ngoài ‘vùng phủ sóng’ của Luật PPP?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.