Dù được pháp luật công nhận khi được cấp GCNQSDĐ suốt hàng chục năm nay, tuy nhiên chỉ vì những đơn kiện thiếu cơ sở, chứng cứ mà một hộ dân tại xã huyện Trảng Bom, Đồng Nai có nguy cơ mất trắng đất.
Theo hồ sơ PV có được, 3 thửa đất số 1060, 1061,1062 tờ bản đồ số 39 xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là 3 thửa đất) được gia đình bà Huỳnh Thị Lệ Thu và ông Ngô Văn Lộc (đã mất) cùng ngụ tại huyện Trảng Bom sử dụng ổn định từ năm 1986 đến nay.
Với 3 thửa đất này, gia đình bà Lệ Thu đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kê khai, đóng thuế nên đến năm 2003, gia đình bà đã được UBND huyện Trảng Bom cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 3 thửa đất trên và được cấp lại GCN QSDĐ vào năm 2011 với nguồn gốc đất là do Nhà nước giao trồng rừng vào năm 1986.
[caption id="attachment_56952" align="aligncenter" width="663"] Vị trí đất xảy ra tranh chấp[/caption]
Tuy nhiên, phần đất của gia đình ông Lộc bà Lệ Thu được giao, kê khai, cấp sổ và trực tiếp sử dụng suốt 34 năm qua nhưng vẫn bị khởi kiện yêu cầu trả lại cho người khác. Cụ thể, năm 2015 gia đình bà Lệ Thu bị bà Nguyễn Ngọc Thu (ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) khởi kiện với yêu cầu buộc gia đình bà Lệ Thu trả lại cho bà Ngọc Thu 3 thửa đất nêu trên.
Nguyên nhân được bà Ngọc Thu đưa ra, phần đất đó là của bố mẹ chồng bà Ngọc Thu khai hoang từ năm 1977, đến năm 1982 thì cho vợ chồng bà. Bà Ngọc Thu canh tác sử dụng đến năm 1985 thì bị gia đình bà Lệ Thu chiếm đất cho đến tận bây giờ. Lý do là thế, nhưng bà Ngọc Thu lại không hề cung cấp được bất kỳ tài liệu chứng cứ nào khẳng định được việc bố mẹ chồng bà Ngọc Thu được công nhận là đã khai hoang từ năm 1977 và công nhận việc gia đình bà Ngọc Thu sử dụng từ năm 1982 đến năm 1985 trên 3 thửa đất.
Tuy nhiên, căn cư theo quy định thời điểm đó thì lời khai của phía bà Ngọc Thu về nguồn gốc đất thửa đất số 1060, 1061, 1062 đang tranh chấp với gia đình bà Lệ Thu có nhiều điểm không có tính xác thực, không có cơ sở pháp lý để chấp nhận.
Bởi lẽ, Theo Quyết định 272-CP ngày 03 Tháng 10 năm 1977 của Hội đồng đồng chính phủ quy định “Đất đồi núi, rừng và đất đai chưa khai phá đều thuộc quốc gia công thổ, không ai được chiếm làm của riêng…” và Mục 1, Phần I Thông tư số 20-TT/LB ngày 11 tháng 05 năm 1978 của Bộ nông nghiệp – Bộ lâm nghiệp quy định: “Đất và rừng trên lãnh thổ cả nước đều là tài sản chung của toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, không một đơn vị hoặc cá nhân nào được chiếm làm của riêng. Chỉ Nhà nước mới có thẩm quyền giao đất, giao rừng cho các đơn vị quốc doanh và các hợp tác xã quản lý, sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật và chấp hành đúng chính sách, luật lệ của Nhà nước”.
Như vậy, có thể thấy pháp luật thời điểm này quy định rõ đất hoang, đất rừng là công sản quốc gia, không cho phép cá nhân tự khai phá, khai hoang đất để sử dụng vào bất cứ mục đích gì. Cá nhân, hộ gia đình chỉ được quyền khai thác, sử dụng đất khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định.
Đối với các chứng từ nộp thuế các năm 1983, 1984, 1985 do bà Ngọc Thu cung cấp để chứng minh việc nộp thuế sử dụng đất thì phía Chi cục thuế khu vực Thống Nhất – Trảng Bom tỉnh Đồng Nai đã có ý kiến nêu rõ: “Trong sổ bộ thuế nhà đất không có thông tin về số thửa, do đó Chi cục thuế không xác định được số thửa đất đóng thuế.” Như vậy có thể hiểu căn cứ vào các biên lai thuế bà phía bà Ngọc Thu cung cấp thì không thể xác định được là đã được đóng thuế cho các phần đất tranh chấp nêu trên.
Về việc giao đất của gia đình bà Lệ Thu, theo bản án sơ thẩm của vụ án thì phía TAND huyện Trảng Bom cũng đã có nhận định rõ: Chính phía bà Ngọc Thu đã nhiều lần và tại phiên Tòa Trảng Bom thừa nhận rằng “danh sách 8 hộ dân được giao đất rừng từ tháng 7/1986 là danh sách có thật, công nhận hộ bà Lệ Thu có trong danh sách, danh sách này là đúng”, UBND xã lấy đất của bà Ngọc Thu nhưng lại không hoán đổi hoặc giao đất khác cho bà.
Theo đó, có thể hiểu là do quyền lợi của bà Ngọc Thu chưa được giải quyết nên bà yêu cầu gia đình bà Lệ Thu trả lại đất.
Như vậy, bà Ngọc Thu đã thừa nhận gia đình bà Lệ Thu không tự chiếm đất mà là được giao đất trồng rừng theo chủ trương của chính quyền từ năm 1986. Còn việc bà Ngọc Thu được đề nghị nhận đất hoán đổi 2 lần ở 2 địa điểm khác nhau nhưng bà không nhận vì lý do đất xấu thì đây không phải là lỗi của gia đình bà Lệ Thu.
Về việc bà Ngọc Thu cho rằng UBND huyện Trảng Bom cấp GCN QSDĐ cho gia đình bà Lệ Thu khi đất đang còn tranh chấp thì theo Tòa Trảng Bom, việc này đã được UBND huyện Trảng Bom giải quyết theo quy định pháp luật.
[caption id="attachment_56953" align="aligncenter" width="600"] Các biên lai đóng thuế do bà Ngọc Thu cung cấp không đủ căn cứ để thể hiện chủ quyền đối với phần đất tranh chấp[/caption]
Cụ thể, qua xem xét chứng cứ của UBND huyện Trảng Bom giải quyết khiếu nại của bà Ngọc Thu (vào năm 2007) cho thấy, kết quả giải quyết của UBND huyện Trảng Bom cũng đã thể hiện bằng văn bản rõ ràng cụ thể như: Kết luận điều tra, thông báo kết quả, công văn trả lời đơn … (theo quy định không cần ban hành hình thức 1 quyết định). Các kết quả này có giao cho bà Ngọc Thu nhưng bà Ngọc Thu không khiếu nại lên cấp trên theo thủ tục hành chính, do đó kết quả giải quyết UBND huyện Trảng Bom đối với bà Ngọc Thu đã có hiệu lực pháp luật, Tòa Trảng Bom không có quyền giải quyết lại.
Từ những luận cứ trong suốt quá trình tố tụng, việc Toà án nhân dân Cấp cao tuyên bác đơn khởi kiện của bà Nguyễn Ngọc Thu, chấp thuận kháng án của bà Huỳnh Thị Lệ Thu cùng các thừa kế của ông Ngô Văn Lộc, công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho gia đình ông Lộc thiết nghĩ cũng là điều ngay tình.
Bởi các lẽ trên, có thể nhận thấy việc gia đình bà Lệ Thu sử dụng đất ổn định ngay tình được các cấp chính quyền công nhận và cấp quyền sử dụng đất theo quy định đã rất rõ ràng.
Hiện vụ án đang thực hiện các thủ tục xét xử phúc thẩm theo quy định, cùng với đó dư luận cũng đang mong chờ một bản án công tâm đúng quy định pháp luật đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.