Ông Emanuel Pastreich, ứng cử viên độc lập trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, nói với Zing Việt Nam cần chuẩn bị kỹ trước xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế mới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khuyến khích doanh nghiệp nước mình chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm đa dạng hóa địa điểm sản xuất, giảm thiểu rủi ro và tránh tình trạng phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất.
Một số chuyên gia kinh tế dự báo làn sóng dịch chuyển đầu tư sẽ đem đến cơ hội cho các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ông Emanuel Pastreich, Chủ tịch Viện châu Á tại Washington (Mỹ), ứng cử viên độc lập trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, đã chia sẻ với Zing quan điểm về làn sóng dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và cơ hội của Việt Nam trước xu hướng mới này.
Không dễ thay thế ngay lập tức
- Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc của Mỹ và nhiều quốc gia khác là gì?
- Mỹ nỗ lực rời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc để chuyển đến các quốc gia khác trên thế giới, nhất là Đông Nam Á, bởi những vấn đề bên trong chính phủ Mỹ và ngành công nghiệp nước này.
Việc Apple chuyển sản xuất hàng triệu tai nghe AirPods sang Việt Nam nằm trong nỗ lực chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Mỹ hiện tích cực phát triển công nghệ, hướng tới xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh mua lại cổ phần. Nguyên nhân là Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay vào công nghệ và khoa học giống như những gì Mỹ từng làm vào những năm 1950. Điều đó dẫn đến lo ngại rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và dẫn đầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo và công nghệ vũ trụ trong một vài năm tới.Vậy nên, Mỹ dùng dịch Covid-19 như một cái cớ để cắt giảm vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đảo ngược xu thế nguy hiểm này. Tuy nhiên, tôi cho rằng mọi thứ đã quá muộn.
Ông Emanuel Pastreich - Chủ tịch Viện châu Á tại Washington (Mỹ), ứng cử viên độc lập trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh: Facebook nhân vật. |
Thật sai lầm khi tìm kiếm giá rẻ tại Trung Quốc và cho phép nước này thống trị quá nhiều lĩnh vực. Nhiều người ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc chỉ nghĩ đến lợi nhuận ngắn hạn.
- Như vậy, việc tìm kiếm một quốc gia có khả năng thay thế Trung Quốc để dịch chuyển dây chuyền sản xuất chắn hẳn sẽ rất khó khăn?
- Rõ ràng là Trung Quốc đã trở thành chuyên gia trong việc đáp ứng nhu cầu từ các nhà sản xuất nước ngoài. Họ tạo ra đúng những gì khách hàng cần trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Không dễ để làm được điều đó ở bất cứ đâu trên thế giới, thậm chí quá trình này có thể mất đến hàng thập kỷ.
Hơn nữa, Trung Quốc có xu hướng xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm tạo dựng mối quan hệ với người mua, bao gồm sự hợp tác giữa chính phủ và chính quyền địa phương. Họ sở hữu một bộ máy tinh vi mà không nhiều quốc gia có được.
Nhìn chung, tôi cho rằng khó có thể dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc ngay lập tức.
Chuẩn bị cẩn thận trước khi đón dòng đầu tư
- Việt Nam là một trong số các quốc gia có lợi thế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đông Nam Á. Theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đón làn sóng đầu tư mới?
- Theo tôi, trên hết, Việt Nam cần đầu tư vào khoa học cơ bản để đạt được khoa học tiên tiến và công nghệ riêng mà không cần phụ thuộc vào nước ngoài. Ví dụ như Hàn Quốc chỉ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đảm bảo rằng khoản đầu tư phù hợp với mục tiêu tự cung khoa học của quốc gia này.
Trước khi đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, cần phải biết rằng liệu khoản đầu tư đó có mang đến lợi ích lâu dài hay không.
Ngoài ra, song song với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam cần tự xây dựng nguồn vốn, đảm bảo rằng đồng tiền Việt Nam được hỗ trợ bởi vàng và các tài sản an toàn, tương tự Trung Quốc, Nga và một số nước khác.
Bên cạnh đó, cần tránh phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Bởi nếu như vậy, nền kinh tế sẽ đối mặt với thảm họa khi thị trường tài chính ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu sụp đổ.
- Vậy điều Việt Nam cần làm ngay vào thời điểm hiện tại là gì?
- Trước khi đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, cần phải biết rằng liệu khoản đầu tư đó có mang đến lợi ích lâu dài hay không.
Để làm được điều này, cách duy nhất là xây dựng một kế hoạch kinh doanh 30 năm. Kế hoạch sẽ trả lời câu hỏi Việt Nam có thể đi đến đâu, phát triển lĩnh vực khoa học nào và đạt được thành tựu công nghệ gì. Kế hoạch 30 năm đó cũng cần xét đến tương lai của thế giới sau 30 năm.
Sau đó, chúng ta cần tăng trình độ của lao động Việt Nam và chuẩn bị cho họ sẵn sàng chuyển sang các bước tiếp theo.
Việt Nam có lợi thế trong việc đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ảnh: Việt Linh. |
Sau khi hoàn thành kế hoạch, chúng ta mới xem xét và lựa chọn các kế hoạch chuyển dịch đầu tư quốc tế. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trở thành cường quốc nhờ những chiến lược dài hạn. Họ rất cẩn trọng với các khoản đầu tư nước ngoài.
- Việc Apple sẽ sản xuất hàng triệu tai nghe AirPods tại Việt Nam vào quý này có phải một tín hiệu tốt?
- Tôi không đứng ở vị trí có thể phán xét, nhưng tôi muốn các bạn chuẩn bị thật cẩn thận.
Trong cuộc khủng hoảng thương mại toàn cầu vào thời điểm hiện tại, với lợi thế hiện có, Việt Nam cần đào tạo người lao động mọi cấp độ, đầu tư công nghệ và độc lập về phương pháp sản xuất càng nhanh càng tốt.
Theo 'Hiếu Công - Phương Thảo/Zing.vn