Nhiều dự án nông nghiệp ở Đắk Lắk nhưng thực chất là đang làm điện mặt trời nhưng chưa bị xử lý.
Ngày 28/12/2020, trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Văn Hưng - quyền Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra một số dự án nông nghiệp trên địa bàn nhưng bị phản ánh phát triển điện mặt trời mà chưa được cấp phép.
"Có nhiều thông tin về tình trạng đột lốt dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng nhà đầu tư lại làm điện mặt trời. Tuy nhiên, chưa rõ cụ thể thông tin như thế nào, cần phải có kiểm tra chính xác, nếu sai phạm kiên quyết xử lý" - ông Hưng cho hay.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2020, tại xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, một lãnh đạo trên địa bàn đã phản ánh về 2 dự án sản xuất rau công nghệ cao nhưng rau chưa có đã lợi dụng triển khai việc lắp pin năng lượng là trái quy định. Sau đó, chủ 2 dự án này đã bị xử phạt.
[caption id="attachment_60311" align="aligncenter" width="680"] Ảnh minh hoạ. (Báo Dân trí).[/caption]
Tại xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột cũng xảy ra tình trạng đột lốt dự án nông nghiệp để làm điện mặt trời tại một số dự án.
Còn tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao đang tiến hành việc lắp điện mặt trời trên mái nhà. Điều đáng nói, bên trong dự án này là những khu vực treo những bịch nấm rơm nằm chất chồng lên nhau, không được chăm sóc đã bị mốc đen.
Ông Nguyễn Chí Linh - Cán bộ địa chính, xây dựng xã Ea Nuôl cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 10 trang trại nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời mái nhà (trong đó có 2 trang trại đã đấu nối).
Cũng theo ông Linh, các dự án này đáp ứng đầy đủ thủ tục, nhu cầu trang trại nông nghiệp công nghệ cao nên về quy định không thể xử lý được. Hầu hết các trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại xã Ea Nuôl đều đứng tên hộ gia đình cá nhân và tất cả đều có dung lượng dưới 1 MWp.
"Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy có nhiều dự án có dấu hiệu trá hình dưới vỏ bọc nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình một trang trại trồng nấm nhưng chỉ treo bịch nhằm đối phó với cơ quan chức năng để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại" - vị cán bộ địa chính xã nhận định.
Được biết, theo quy định, các công trình điện mặt trời trên 1 MWp phải được bộ Công thương phê duyệt. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã chia nhỏ dự án, với công suất dưới 1 MWp nhằm tránh nhiều thủ tục liên quan và được hưởng giá bán điện cao.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về phát triển điện mặt trời mái nhà mô hình trang trại, nhà xưởng trên địa bàn.