Chưa bao giờ hệ thống giáo dục lại gây chấn động dư luận với nhiều vụ việc lớn về tiêu cực trong đấu thầu, chỉ định thầu như thời điểm hiện tại. Những nghi vấn, bức xúc về công tác đấu thầu thiết bị giáo dục vẫn chưa dừng lại. Mục đích của việc mua sắm tập trung tài sản nhà nước thông qua đấu thầu là để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước, nhưng công tác quản lý nhà nước về đấu thầu tại một số đơn vị xuất hiện nhiều điều bất hợp lý khi có những gói thầu có mức tiết kiệm thấp, nghi vấn có dấu hiệu “đội giá” các sản phẩm gấp nhiều lần giá trên thị trường.
Chúng tôi đã khảo sát một số gói thầu tại Sở Giáo dục và đào tạo (Sở GD&ĐT) tỉnh Cà Mau trong giai đoạn 2021 - 2022 cho thấy vài điều cần đáng bàn để giúp công tác quản lý nhà nước về đấu thầu hiệu quả hơn.
Từ những gói thầu “tiết kiệm thấp”...
Theo tìm hiểu ngẫu nhiên 5 gói thầu tại Sở GD&ĐT Cà Mau trong giai đoạn 2021-2022, thì thấy rằng, tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu ở mức thấp. 3/5 gói thầu này là do ông Nguyễn Thanh Luận – Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; 2/5 gói thầu là do ông Nguyễn Minh Luân – Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau (tại thời điểm) đó ký quyết định phê duyệt. Trong đó, 3/5 gói có tỉ lệ quanh mức 0%, 2 gói không tiết kiệm được đồng nào, gói cao nhất tiết kiệm được 2,77 % nhưng lại có dấu hiệu đội giá sản phẩm.
Tổng giá dự toán của 5 gói thầu này là 125.286.400.000 đồng. Sau quá trình đấu thầu hàng trăm tỷ đồng, tiền tiết kiệm cho ngân sách 1.713.642.000 đồng, đạt tỉ lệ là 1,36%.
Cụ thể: Ngày 14/06/2021, ông Nguyễn Minh Luân – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau (tại thời điểm lúc bấy giờ) đã ký Quyết định số 236/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 01: Mua sắm tài khoản (user) để phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cấp phổ thông thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đơn vị trúng thầu: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel Cà Mau); với giá trúng thầu (đã bao gồm các loại thuế và chi phí khác có liên quan): 5.713.300.000.
Đáng chú ý là nhà thầu chào thầu chính xác 100% so với giá dự toán, đồng nghĩa với việc không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách, chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu không có yếu tố cạnh tranh (?)
Ngày 14/12/2020, ông Nguyễn Minh Luân – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã ký quyết định số 635/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 11: Bàn ghế học sinh, giáo viên, để máy tính. Đơn vị trúng thầu: Liên danh Công ty TNHH - XD - TTNT Thanh Phương và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Gia Khanh; giá trúng thầu 48.893.890.000 đồng (đã bao gồm các loại thuế và chi phí khác có liên quan).
Tuy nhiên, so với giá dự toán 48.924.100.000 tiền tiết kiệm cho ngân sách sau khi đấu là 30.210.000 đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0,061%.
..Đến gói thấu có dấu hiệu “đội giá” các sản phẩm
Tại gói thầu số 11: Mua sắm trang thiết bị phòng học ngoại ngữ cấp Tiểu học; do ông Nguyễn Thanh Luận – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau ký Quyết định số 220/QĐ-SGDĐT ngày 07/04/2022. Theo đó, Công ty cổ phần truyền thông Số 1 (MST 0100233174; địa chỉ: 135, phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; người đại diện pháp luật: Đặng Anh Phương – chức vụ: Tổng giám đốc) là đơn vị trúng thầu, với giá 10.815.300.000 đồng. So với giá dự thầu 10.980.000.000 đồng, tiết kiết cho ngân sách nhà nước 164.700.000 đồng, tỉ lệ tiết kiệm 1,5%.
Nhưng điều đáng nói, gói thầu này có dấu hiệu “đội giá” khi sản phẩm có giá duyệt mua cao gấp nhiều lần giá đơn vị khác chào bán trên thị trường tại thời điểm đấu thầu.
Cụ thể: Sản phẩm tai nghe dành cho giáo viên và học viên H111/ Hãng: Logitech, xuất xứ Trung Quốc trong gói thầu số 11 trên được Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau duyệt mua với giá 1.477.500 đồng/cái. Nếu so sánh với giá sản phẩm tai nghe H111 của Logitech trên website của Logitech được niêm yết là 279.000 đồng/cái, thì giá duyệt mua của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã cao hơn gấp khoảng 5 lần giá chào bán sản phẩm tai nghe H111 của Logitech trên website của Logitech. Với số lượng 333 cái, tổng số tiền chênh lệch là 399.100.500 đồng.
Sản phẩm Webcam HD C270/ Hãng: Logitech, xuất xứ Trung Quốc trong gói thầu số 11 trên được Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau duyệt mua với giá 2.483.750 đồng/cái. Nếu so sánh với giá sản phẩm Webcam Logitech HD C270 trên website của Logitech được chào bán là 749.000 đồng/cái, thì giá duyệt mua của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã cao hơn gấp khoảng 3 lần giá chào bán sản phẩm Webcam Logitech HD C270 trên website của của Logitech. Với số lượng 333 cái, tổng số tiền chênh lệch là 577.671.750 đồng.
Tương tự, ngày 07/06/2022 ông Nguyễn Thanh Luận – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cũng ký quyết định số 312/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 17, thiết bị dành cho lớp 2. Đây là gói thầu thực hiện rộng rãi qua hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia. Đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Á Châu – Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Thanh Hoa với giá trúng thầu là 50.536.538.000 đồng. So với giá gói dự toán 51.980.000.000 đồng, tiết kiệm ngân sách sau đấu thầu 1.443.462.000 đồng, tỉ lệ tiết kiệm 2,77%.
Theo khảo sát, nhiều thiết bị trong gói thầu trên có giá cao hơn khá nhiều so với sản phẩm có cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật được các đơn vị chào bán trên thị trường. Tại gói thầu này cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu bị “đội giá” so với giá các sản phẩm tương tự được các đơn vị chào bán ngoài thị trường.
Sản phẩm đàn phím điện tử CT-X5000, xuất xứ Trung Quốc được Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau duyệt mua với giá 13.800.000 đồng/cái. Nếu so sánh với sản phẩm Đàn Organ Casio CT-X5000 tại website tongkhonhaccu.com đang được chào bán là 9.790.000 đồng/cái thì giá duyệt mua của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cao hơn 4.010.000 đồng so với sản phẩm Đàn Organ Casio CT-X5000 tại website tongkhonhaccu.com. Với số lượng 226 chiếc, tổng số tiền chênh lệch là 906.260.000 đồng.
Ngoài ra, cũng là đàn phím điện tử CT-X5000, xuất xứ Trung Quốc nhưng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) cũng chỉ duyệt mua ở một gói thầu khác với giá chỉ 12 triệu đồng/cái. Thấp hơn tới 1,8 triệu đồng/cái so với giá duyệt mua của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau. Với số lượng 226 chiếc, tổng số tiền chênh lệch là 406.800.000 đồng.
Như vậy, mới chỉ điểm qua một vài thiết bị ngẫu nhiên trong 02 gói thầu nêu trên cũng cho thấy sự chênh lệch giá đáng kể giữa giá duyệt mua của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau so với sản phẩm có cùng thông số kỹ thuật, xuất xứ được rao bán trên thị trường.
Trước những thông tin trên, Tạp chí Nhà Quản Lý có trao đổi với đại diện Công ty cổ phần truyền thông số 1 cho rằng: “Việc chênh lệch giá của sản phẩm đơn lẻ, chia nhỏ ra như vậy chỉ mang tính chất tượng trưng. Xét thì phải xét tổng thể 1 phòng học 100 triệu thì là 100 triệu còn chi tiết nhỏ lẻ là do cách phân bổ”. Vấn đề về địa lý xa xôi tại các điểm trường, khó khăn trong công tác bảo trì, bảo hành cũng được đại diện công ty nêu ra.
Khi phóng viên nêu ra các điểm về dự toán, chi phí công lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng với cách lý giải vị đại diện này cho rằng: “tính chất là không chia nhỏ được chi phí, thiết bị sẽ bao gồm trọn gọi: toàn bộ từ công lắp đặt, vận chuyển, VAT”. Vậy như cách lý giải trên thì việc từng sản phẩm có giá trúng thầu chi tiết cụ thể dược căn cứ vào đâu để đơn vị có thể đưa ra con số cụ thể đó (?)
Đấu thầu tiết kiệm thấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thâm hụt ngân sách nhà nước
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu thì việc chênh lệch giá tại các gói thầu thời gian qua thường ở mức cao hơn giá thành sản phẩm ngoài thị trường, thậm chí có những gói thầu đội giá rất cao khiến nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước là điều cần phải xem xét. Rất có thể xảy ra hiện tượng “thổi” giá trị sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, khoản tiền chênh lệch sẽ đi đâu, vào túi ai là điều cần làm rõ.
Nêu quan điểm về thực trạng đấu thầu ở nước ta hiện nay, Luật sư Bùi Hải Yến - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định: Hiện tượng có quá nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, một số gói thầu có tỉ lệ suýt soát bằng “0” hay một số nhà thầu “quen mặt” với bên mời thầu rất có khả năng có các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu”.
Việc đấu thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách Nhà nước. Hiện nay quy trình lựa chọn nhà thầu, thẩm định kết quả được quy định chi tiết trong Luật Đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP, tuy nhiên bên mời thầu có thực hiện đúng theo những quy định đó hay không sẽ tác động đến kết quả đấu thầu.
Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng những gói thầu “siêu tiết kiệm”, luật sư Hải Yến phân tích: Chẳng hạn, quy trình công khai gói thầu, mời gọi nhà thầu không rõ ràng, minh bạch, không công khai, không được tiếp cận rộng rãi. Chủ đầu tư/bên mời thầu cố tình không cung cấp hoặc cung cấp không rõ ràng những nội dung gói thầu, khiến các nhà thầu khó tiếp cận, trong khi đó một số nhà thầu “quen” lại nắm đầy đủ những thông tin cần thiết phục vụ đấu thầu.
Hoặc do quá trình lựa chọn nhà thầu không có sự cạnh tranh, vì số lượng nhà thầu ít, đôi khi chỉ có 01 nhà thầu/gói thầu. Hoặc trong quá trình đấu thầu thì các nhà thầu liên thông với nhau, xuất hiện hiện tượng “quân xanh”, “quân đỏ”, khiến cho việc đấu thầu công khai mất tính cạnh tranh vốn có.
Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu hiện nay chưa đáp ứng năng lực và kinh nghiệm, không đảm bảo điều kiện để trúng thầu.
Cũng có thể kể đến, có hiện tượng nâng khống giá trang thiết bị trong các gói thầu so với thị trường, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, có dấu hiệu trục lợi và vi phạm pháp luật hình sự.
Thời gian gần đây, vấn đề tiết kiệm chi tiêu ngân sách được đặt ra để tránh nguy cơ thâm hụt ngân sách và nợ công cho Việt Nam. Do đó với tỉ lệ tiết kiệm siêu thấp (từ 0% đến 0,016%), về cơ bản cho thấy không góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.
Theo điều 222, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, người nào thực hiện một trong những hành vi được quy định tại khoản 1, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm. |