Thời gian gần đây, tại một số khu dân cư, chung cư cao tầng ở Hà Nội xuất hiện kiến ba khoang. Nhiều người không biết điều trị khiến tình trạng nặng thêm.
Kiến ba khoang (hay còn gọi là: kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, kiến cong…) là loài côn trùng có màu là các khoang đen – vàng cam xen kẽ, có thân mình thon, dài như hạt thóc, dài 1 – 1,2cm, ngang 2 – 3mm. Kiến có 3 đôi chân, 2 đôi cánh, một đôi cánh dài mỏng trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới đôi cánh cứng ngắn, bay và chạy rất nhanh.
Chất độc trên cơ thể kiến ba khoang tiếp xúc với da người có thể gây tổn thương da, bỏng da hoặc viêm da. |
Loại kiến này thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn…
Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Bác sĩ Lê Ngọc Duy - Trung tâm Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, chất độc trên cơ thể kiến ba khoang tiếp xúc với da người có thể gây tổn thương da, bỏng da hoặc viêm da.
Khi bị dính chất độc của loài côn trùng này, da sẽ bị rát, đỏ thành đám, vệt, theo chiều tay quệt nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.
Sau khi bị kiến ba khoang cắn, người bệnh cảm giác râm ran, 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, rát đỏ. Từ 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình. Sau 3 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại vết thâm lâu mất.
Cũng theo BS Lê Ngọc Duy, sau khi bị kiến ba khoang cắn, nếu không giữ gìn cẩn thận, vết thương có thể bị loét, làm rỉ dịch. Một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.
Xử trí thế nào khi bị chất độc của kiến dính vào da?
BS Lê Ngọc Duy chia sẻ, khi bị dính chất độc của kiến ba khoang, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương. Không tiếp xúc các vùng da lành với nơi bị dính độc tố.
Ngay lập tức, hãy rửa sạch vết thương (nhất là ở vùng mắt) càng nhanh càng tốt khi bị dính chất độc, bôi thuốc, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. “Khi da bị tổn thương tấy đỏ, lan rộng phải đi khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa Corticoid, chất giải độc tố…nên cần có bác sĩ chỉ định mới được dùng”- BS Lê Ngọc Duy cho biết.
BS Lê Ngọc Duy cũng lưu ý, viêm da do kiến 3 khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên rửa nhẹ nhàng tại nơi tiếp xúc bằng nước muối sinh lý (9‰) ngay lúc vừa tiếp xúc để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da, sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.