Doanh nghiệp yêu cầu Chủ tịch tỉnh Long An “cởi trói” dự án 14 năm không thể thi công

24/03/2021 08:19

Công ty CP Địa ốc Hồng Phát vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp Văn phòng Chính phủ, Các Bộ ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Long An "cởi trói" cho dự án của công ty bị ngâm suốt 14 năm qua.

Công ty CP Địa ốc Hồng Phát vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp Văn phòng Chính phủ, Các Bộ ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Long An "cởi trói" cho dự án của công ty bị ngâm suốt 14 năm qua.

Năm 2007, Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát, tỉnh Long An) và Công ty China Policy Limited (CPL, trụ sở tại British Virgin Islands) ký thoả thuận đầu tư Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa trên diện tích 500ha, với vốn đầu tư 140 triệu USD. Tuy nhiên, dự án bất động sản này đã bị “bất động” 14 năm qua do tranh chấp kéo dài trong nội bộ.

Bên nỗ lực triển khai, bên đòi “chia phần”

Dự án nói trên nằm tại huyện Đức Hoà, Long An, được UBND tỉnh Long An chấp thuận chủ trương từ năm 2003 và có quyết định thu hồi đất, giao cho Công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư từ năm 2005. Đến ngày 1/6/2007, Công ty Hồng Phát và Công ty CPL ký kết thoả thuận khung cùng góp vốn đầu tư dự án.

Dự án có diện tích 500 ha, tổng vốn đầu tư 140 triệu USD, theo thỏa thuận Công ty CPL góp vốn bằng tiền mặt là 70%, còn lại 30% do Công ty Hồng Phát góp bằng giá trị quyền sử dụng đất. CPL ứng trước cho Công ty Hồng Phát 15,6 triệu USD để dùng vào việc bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của Dự án và được tính vào vốn góp khi hoàn tất việc thành lập công ty liên doanh.

Bản vẽ quy hoạch dự án[/caption]

Tuy nhiên, năm 2008 quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân đã phát sinh chi phí xây dựng khu tái định cư, Hồng Phát đề nghị CPL bổ sung 20 triệu USD nhưng CPL không đồng ý, từ đó dẫn tới mâu thuẫn không thể thành lập liên doanh. Để dự án tiếp tục triển khai đúng tiến độ, Hồng Phát phải bỏ ra 1.000 tỷ đồng lo thủ tục, bồi thường đất đai, hoàn tất mặt bằng 230 ha giai đoạn 1 của dự án.

Trong khi Công ty Hồng Phát đang nỗ lực để triển khai dự án, được UBND tỉnh Long An cấp 13 sổ đỏ với tổng diện tích 232,6ha thì CPL lại gửi đơn lên Bộ Công an tố cáo Hồng Phát “chiếm đoạt 15,6 triệu USD”. Qua xác minh, Bộ Công an khẳng định 15,6 triệu USD, Hồng Phát sử dụng vào dự án là có thật, không bị chiếm đoạt, đây chỉ là tranh chấp kinh tế, dân sự. Tháng 3/2013, CPL lại đâm đơn kiện Công ty Hồng Phát ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). VIAC đã ra phán quyết hai bên phải tiếp tục thành lập liên doanh như Thỏa thuận khung đã ký.

Bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Phát cho biết, công ty đang chấp hành phán quyết của VIAC, chấp nhận yêu cầu của CPL kiểm toán để xác định chính xác chi phí cũng như giá trị tăng thêm của Dự án, dù điều này nằm ngoài Thỏa thuận khung ban đầu. Thế nhưng, đến nay, liên doanh vẫn chưa thể thành lập do CPL không đầu tư thêm vào liên doanh ngoại trừ 15,6 triệu USD ban đầu. Kỳ lạ hơn là dù đã rót 15,6 triệu USD góp vốn vào dự án, nhưng suốt hàng chục năm, CPL chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tiếp theo đó CPL yêu cầu Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An phong tỏa 13 cuốn sổ đỏ trái pháp luật, khiến Công ty Hồng Phát không thể tiếp tục thế chấp vay vốn đầu tư. Trong khi đó, từ chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ Tư Pháp đã báo cáo Thủ Tướng khẳng định “Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản theo Điểu 71 của Luật Thi Hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014. Theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân (kể cả Cơ quan thi hành án Dân sự) không thể thực hiện thay. Ngày 31/8/2018 Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ Tướng Thường trực Trương Hòa Bình “Đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư Pháp”.

Đến ngày 26/11/2018, Tổng Cục THADS có văn bản “Cơ quan THADS không có căn cứ để cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của Hồng Phát và yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An ban hành văn bản chấm dứt nội dung công văn 525/CTHA ngày 18/9/2017 về việc ngăn chặn 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty Hồng Phát”. Mặc dù vậy nhưng ngày 18/12/2018, ông Đặng Hoàng Yên, Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An ký ban hành Quyết định 07/QĐ-CTHADS ngăn chặn toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất của công ty Hổng Phát. Quyết định trên đã “trái” với chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Tư Pháp và Tổng Cục THADS.

Ngày 9/3/2021, đại diện 5 bộ, ngành trung ương gồm Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ cùng lãnh đạo tỉnh Long An và sở, ngành liên quan đã phải vào cuộc làm việc với Hồng Phát và CPL. Nhưng thay vì tìm cách tháo gỡ vướng mắc, lập liên doanh thì CPL bất ngờ đưa ra đề nghị cho phép CPL được tự phát triển dự án trên 130ha/232,6ha đất giai đoạn 1 mà Hồng Phát đã nỗ lực triển khai suốt 14 năm qua.

[caption id="attachment_64758" align="aligncenter" width="623"]

Máy móc, công trường bất động do dự án buộc phải tạm dừng triển khai)

Đề nghị chia tách dự án là trái luật

Đại diện CPL cho rằng mâu thuẫn giữa CPL và Hồng Phát kéo dài không thể tháo gỡ và việc lập công ty liên doanh không còn khả thi nên “chia phần” là giải pháp duy nhất để giải quyết dứt điểm tranh chấp. Căn cứ vào “thỏa thuận khung” hai bên ký ban đầu, Công ty CPL góp vốn bằng tiền mặt 70%, còn lại 30% do Công ty Hồng Phát góp bằng giá trị quyền sử dụng đất. Vậy nên, tất cả các khoản chi cho dự án mà Hồng Phát gồng gánh khoảng 1.000 tỉ đồng những năm qua lẽ ra CPL phải chịu nhưng công ty này nhất quyết không đầu tư thêm mà còn đòi chia tách dự án.

Việc CPL đòi chia 130 ha đất tại dự án mà Công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư đã bị tỉnh Long An bác bỏ vì không có căn cứ pháp lý. Tại cuộc họp của các sở, ban, ngành tỉnh Long An ngày 11/10/2019, bàn về việc chia tách dự án, ông Nguyễn Anh Việt – phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Long An đã khẳng định: "Không thể tách dự án, vì đất đã cấp cho Hồng Phát làm chủ đầu tư dự án này".

Theo TS luật Lưu Bình Nhưỡng: “Chính CPL khởi kiện tranh chấp và được giải quyết bằng thủ tục trọng tài. Phán quyết trọng tài ngày 25/4/2013, yêu cầu hai bên thỏa thuận, tiến tới lập liên doanh, đang được Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An thi hành. Việc CPL quay sang đề nghị cơ quan hành pháp giải quyết tranh chấp theo hướng “chia” đất bằng thủ tục hành chính là trái pháp luật và trái phán quyết của trọng tài”.

Vụ việc hiện chưa ngã ngũ, dự án còn có thể kéo dài nếu các bên liên quan và các cơ quan chức năng không có hướng tìm cách giải quyết, hỗ trợ thấu tình đạt lý và đúng quy định của pháp luật.

Theo Trung Cường/Gia đình Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp yêu cầu Chủ tịch tỉnh Long An “cởi trói” dự án 14 năm không thể thi công" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.