Doanh nghiệp thực phẩm lo sợ phải 'bán mình'

10/10/2019 16:52

Một loạt doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, vốn đang được xem là trụ cột thị trường trong nước, dần mất vào tay những doanh nghiệp ngoại. Xu hướng này khiến nhiều doanh nghiệp Việt lo lắng và buộc phải thay đổi.

Một loạt doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, vốn đang được xem là trụ cột thị trường trong nước, dần mất vào tay những doanh nghiệp ngoại. Xu hướng này khiến nhiều doanh nghiệp Việt lo lắng và buộc phải thay đổi.

Trong câu hỏi về các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống trong năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng sẽ tập trung vào đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm (tỷ lệ phản hồi khoảng gần 96%); Nghiên cứu thị hiếu của người dùng (khoảng 68%); và Đầu tư nhiều hơn cho hoạt động marketing, nhận diện thương hiệu (khoảng 46%).

Tiềm năng tăng trưởng

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành thực phẩm – đồ uống nhiều năm nay luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Xét về giá trị sản xuất, đây là ngành có giá trị sản xuất lớn nhất và có tổng doanh thu lớn thứ hai trong số các ngành hàng kinh tế Việt Nam.

Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch và đồ uống có lợi cho sức khỏe sẽ có những bước chuyển tích cực trong tất cả các phân khúc đi kèm với sự dịch chuyển lên nhóm hàng thực phẩm có giá trị cao trong tương lai, hứa hẹn cơ hội tăng trưởng mạnh cho các công ty thực phẩm sạch và thức uống có lợi cho sức khỏe.

Dự báo ngành thực phẩm và đồ uống sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng.

Trong khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong ngành do Vietnam Report tiến hành tháng 9/2019, có đến 66% các doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin rằng họ sẽ tăng trưởng trong mức doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019, chỉ có 27% cho rằng tăng trưởng dưới 10% và 7% cho rằng kết quả kinh doanh không thay đổi so với năm 2018.

Rõ ràng, cơ hội để phát triển của các thương hiệu thực phẩm – đồ uống tại Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh mạnh, các chuyên gia trong báo cáo nhận định doanh nghiệp Việt Nam lại không thay đổi kịp so với sự hội nhập, duy trì thói quen cũ dẫn đến tụt hậu.

Theo bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm Tp.HCM, hiện nay các doanh nghiệp nội cũng đã khá chủ động trong các chiến lược để bắt kịp xu hướng và khắc phục khó khăn. Tuy vậy, để có thể nâng cao được chất lượng sản phẩm, triển khai nghiên cứu thị trường… đòi hỏi một số vốn lớn cũng như kinh nghiệm quản trị.

Ngoài ra, doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự thiếu ổn định nguồn nguyên liệu. Chẳng hạn, nguyên liệu ngành sữa trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 25%, hay nguyên liệu sản xuất dầu ăn 90% phải nhập khẩu.

“Khi các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống đi tìm các chất phụ gia cho thực phẩm, đồ uống thường gặp phải khó khăn đầu tiên đó là truy xuất nguồn gốc, nếu không truy xuất nguồn gốc thì không thể tham gia được thị trường và đây là điều các doanh nghiệp trong ngành đang thấy rõ và cũng đang phát triển theo hướng đó”, một doanh nghiệp cho hay.

Theo các chuyên gia, chính thói quen văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi kịp so với sự hội nhập. Do đó, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại lấn sân vào thị trường Việt Nam cạnh tranh thị phần.

 

Các thương hiệu thực phẩm – đồ uống ngoại đang ngày càng mở rộng thị phần tại Việt Nam

 

Rào cản ra nhập thị trường

Theo báo cáo về ngành thực phẩm – đồ uống vừa được Vietnam Report công bố, làn sóng mua bán sáp nhập và thôn tính các doanh nghiệp nội của khối ngoại đang diễn ra khá mạnh trong ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam thời gian qua.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều thương hiệu đến từ nước ngoài trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống xuất hiện ngày càng nhiều, khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp trong nước bị mua lại.

Chỉ tính riêng tại Tp Hồ Chí Minh, có đến hơn 2.040 doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống và số lượng doanh nghiệp gia nhập ngành hàng này hàng năm khoảng 300 doanh nghiệp.

Đáng chú ý, những doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, nắm giữ thị phần nhiều như công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Kinh Đô, Bibica… đều được khối ngoại để ý và mua lại. Chẳng hạn, các doanh nghiệp của Thái Lan hợp tác chiến lược cùng Masan, đầu tư cổ phiếu Vinamilk; vụ Daesang Corp (Hàn Quốc) đầu tư 100% cổ phần của CTCP thực phẩm Đức Việt; CTCP Á Mỹ Gia trao gửi toàn bộ 100% cổ phần của mình cho Earth Chemical (Nhật Bản); Fraser & Neave Ltd. (Singapore) mua 5,4% cổ phần của Vinamilk…

Ngoài ra, còn có nhiều sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức M&A hay tự thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể như Tập đoàn CJ Chelijedang (Hàn Quốc) đã chính thức mua lại cổ phần của công ty Cầu Tre với tỷ lệ sở hữu lên tới 71,6%. Tập đoàn này cũng đang nắm giữ 64,9% vốn của công ty TNHH thực phẩm Minh Đạt và 3,8% cổ phần tại công ty Vissan.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi các doanh nghiệp nước ngoài tích cực có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích. Song song với đó, tính cạnh tranh được đẩy lên, một mặt kích thích các doanh nghiệp trong nước thích nghi đổi mới để hòa vào “sân chơi” thương mại chung.

Thế nhưng, một thương hiệu mạnh như Vinamilk, Masan, Sabeco hay Vinacafe hiện nay dù được coi là lớn ở thị trường trong nước nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với những tập đoàn đồ uống nổi tiếng trên thế giới như Heneiken, Nestle hay Coca – Cola… Vì vậy trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành thực phẩm – đồ uống cần đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá và phát triển hình ảnh và ghi tên mình trên bản đồ thực phẩm – đồ uống thế giới.

Để biến cơ hội thành lợi thế cho tăng trưởng của doanh nghiệp nội, ngoài việc phải thay đổi thói quen văn hóa kinh doanh để bắt kịp với sự hội nhập, cần đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng xu hướng thị hiếu tiêu dùng, điều quan trọng hơn với các doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống là phải gia tăng chất lượng sản phẩm ngay từ các khâu trong chuỗi sản xuất.

Ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Tập đoàn PAN: Mỗi thành viên tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm từ nông dân, các nhà sản xuất, chế biến và phân phối cần cố gắng tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định, an toàn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, cần có sự hợp tác tốt giữa các thành viên trong chuỗi. Đây là hướng đi bền vững để nâng cao vị thế của thực phẩm Việt Nam

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao: Nhiều doanh nghiệp Việt sản xuất nước giải khát đang đầu tư bài bản, chuyên nghiệp để cạnh tranh trong thời đại mới. Thực tế doanh nghiệp nào chú trọng đến những sản phẩm gắn liền với thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe sẽ được người tiêu dùng đón nhận.

Ts.LS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizligh: Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm – đồ uống Việt phần lớn vừa có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn và kinh nghiệm quản trị, thiếu liên kết; nặng về mối quan hệ, chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các FTA, chưa phát triển được mô hình kinh doanh theo chuỗi… Do đó, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại lấn sân vào thị trường Việt Nam cạnh tranh thị phần. 

Thanh Hoa

Theo: thoibaokinhdoanh.vn

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp thực phẩm lo sợ phải 'bán mình'" tại chuyên mục Thương hiệu. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.