CTCP Ô tô Giải Phóng (GGG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 với doanh thu bằng 0. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều khoản chi phí kết quả là Ô tô Giải Phóng lỗ sau thuế 3,9 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, hãng xe nội địa này mang về doanh thu 5,3 tỷ đồng nhưng lỗ đến 14,2 tỷ đồng. Trước đó, Ô tô Giải Phóng đã thua lỗ 13 năm liên tiếp, khiến khoản lỗ lũy kế hiện tại lên đến 340,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9, vốn góp ban đầu là 293,9 tỷ đồng đã mất sạch, doanh nghiệp còn âm vốn chủ sở hữu 45,8 tỷ đồng. Công ty đang nợ 100,3 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay lên đến 56,2 tỷ đồng.
Số nợ vay còn lớn hơn cả tổng tài sản của doanh nghiệp là 54,4 tỷ đồng, được phân bổ chủ yếu vào hàng tồn kho (30,9 tỷ đồng) và tài sản cố định (21,1 tỷ đồng). Tiền mặt cạn kiệt, chỉ còn 60 triệu đồng.
Công ty cổ phần Ô tô Giải Phóng được thành lập vào năm 2001 với số vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng. Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Cơ điện Hà Giang. Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ô tô tải với thương hiệu GIAIPHONG. Hiện công ty này còn phân phối ô tô nhập khẩu từ Indonesia.
Công ty đang có một nhà máy lắp ráp tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nhà máy có công suất thiết kế 5000 sản phẩm/năm, có thể lắp ráp các loại xe ô tô tải có tải trọng đến 25 tấn.
Năm 2008 đánh dấu nhiều bước ngoặt trong sự phát triển của ô tô Giải Phóng. Ngày 03/10/2008 Công ty Cổ phần Cơ điện Hà Giang đổi tên thành CTCP ô tô Giải Phóng (viết tắt GMC) và chính thức hoạt động và giao dịch với tên mới kể từ ngày 01/11/2008.
Mặc dù sản lượng xe bán ra của Giải phóng trong năm này chưa lớn (932 xe tải thùng và 179 xe tự đổ) trong khi thị trường xe tải đang nằm trong tay của những thương hiệu như Trường Hải, Vinaxuki, Cứu Long TMT, Suzuki nhưng Giải phóng đã từng bước tạo dựng được thương hiệu và xây dựng được hệ thống phân phối của mình.
Thời điểm trước khi niêm yết, GMC có khoảng 70 điểm bán hàng tại 30 tỉnh thành phố trong cả nước, từ Bắc vào Nam. Trong mục tiêu chiếm lĩnh thị phần, GMC tập trung vào phân đoạn thị trường xe tải nhẹ và xe nông dụng với những tiêu chí là chất lượng sản phẩm - dịch vụ hậu mãi và giá cả hợp lý.
GMC cũng đã từng trình bày mục tiêu trở thành một trong 3 nhà sản xuất và phân phối xe tải hàng đầu Việt Nam trong bản cáo bạch của họ, nhưng cho đến hiện tại, có thể nói "giấc mơ chỉ là giấc mơ".
Doanh nghiệp đưa cổ phiếu GGG niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vào năm 2009 tuy nhiên đã bị hủy niêm yết và giao dịch trên UPCoM kể từ cuối năm 2013 do thua lỗ liên tiếp.
Dù đang chìm trong thua lỗ, khó có khả năng cải thiện và đã mất sạch vốn chủ sở hữu, ban lãnh đạo công ty khẳng định chưa có bất kỳ dự định nào về việc dừng hoạt động của công ty trong nhiều năm tới.
Hiện tại, số nhân sự còn lại của công ty là 44 người, bao gồm: nhân viên văn phòng (8 người) với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng, công nhân sản xuất (30 người) với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng và nhân viên gián tiếp tại nhà máy ô tô (6 người).