Doanh nghiệp được tự quyết về con dấu?

25/11/2019 07:57

Không ít ý kiến đồng tình với việc cho doanh nghiệp quyền được chọn có hoặc không có con dấu, bởi sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu tranh chấp

Không ít ý kiến đồng tình với việc cho doanh nghiệp quyền được chọn có hoặc không có con dấu, bởi sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu tranh chấp

Doanh nghiệp (DN) có quyền quyết định có hoặc không có con dấu. Đây là nội dung mới của dự thảo Luật DN (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, cơ quan soạn thảo đang tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện. Tuy nhiên, quy định bỏ hay giữ con dấu của DN đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Giảm tranh chấp

Đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật DN (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sau 4 năm thực hiện Luật DN cho thấy không còn cần thiết sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc làm dấu, sử dụng dấu của DN. Nói cách khác, việc sử dụng dấu nên giao cho DN tự quyết định theo điều lệ hoặc quy chế hoạt động, tùy vào mục tiêu, nhu cầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu và thay đổi phương thức quản lý dấu, trao quyền cho DN thì sẽ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chi phí cho DN và góp phần giảm thiểu tranh chấp nội bộ của DN.

Cụ thể, hiện nhiều tranh chấp nội bộ trong DN kéo dài và nhiều trường hợp không thể giải quyết dứt điểm do con dấu bị chiếm giữ bởi một bên, dẫn tới DN không thể làm dấu mới để phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các bên tranh chấp, mà ngừng trệ hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết như vụ Công ty CP Xi-măng Hà Giang từng tranh chấp con dấu trong thời gian dài, công việc sản xuất - kinh doanh đình trệ, công nhân nhà máy phải "kêu cứu" nhiều nơi.

"Trong quá trình tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, tôi đã gặp nhiều trường hợp tranh chấp con dấu kéo dài nhiều năm, hệ lụy là rất lớn" - luật sư Hòe phân tích.

Đáng chú ý, con dấu còn bị lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối tác. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, cuối tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam Phạm Thị Thu Trang (ngụ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trang đã thành lập công ty "ma" về lĩnh vực bất động sản; làm giả con dấu, tài liệu, sau đó mời gọi nhiều người tham gia đầu tư, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của khách hàng. Đây chỉ là một ví dụ trong nhiều trường hợp lợi dụng việc làm giả con dấu DN để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe ủng hộ việc DN không dùng con dấu. "Con dấu hiện nay được coi là tài sản DN nên dễ nảy sinh tranh chấp, giải quyết phức tạp" - luật sư Trương Quốc Hòe nói và cho biết chưa kể việc lạm dụng con dấu trong nhiều trường hợp làm cho kém tính khả thi của các giao dịch do các bên bỏ qua việc nghiên cứu, tìm hiểu năng lực đối tác khi ký hợp đồng, mà chỉ dựa vào việc đóng dấu.

Chia sẻ quan điểm, TS - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đánh giá việc đưa nội dung DN có quyền tự quyết có hoặc không có con dấu là một bước tiến bộ quan trọng của dự thảo Luật DN (sửa đổi) lần này. Theo ông Lê Đăng Doanh, Luật DN 2014 hiện hành đã có cải cách rất lớn về cơ chế quản lý con dấu DN, chuyển từ việc cơ quan công an cấp dấu sang cơ chế DN tự quyết định làm dấu và sử dụng con dấu. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì DN vẫn phải làm thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về DN.

Doanh nghiệp được tự quyết về con dấu? - Ảnh 1.

Việc đưa nội dung doanh nghiệp có quyền tự quyết có hoặc không có con dấu được nhiều người cho là một bước tiến bộ quan trọng của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần nàyẢnh: Tấn Thạnh

Không thể loại trừ tình huống giả mạo

Ở góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (tỉnh Nghệ An) cho rằng nếu DN không dùng con dấu sẽ đặt ra các vấn đề về mặt kiểm soát, hậu quả pháp lý khi xảy ra tranh chấp. Mặc dù công nghệ đã phát triển nhưng vị đại biểu tỉnh Nghệ An vẫn băn khoăn trong hoạt động giao dịch của các DN khi không có con dấu. Ông Trần Văn Mão nhấn mạnh không thể loại trừ những tình huống giả mạo chữ ký, khi không còn con dấu thì sẽ xử lý như thế nào.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết tinh thần của quy định này là rất đổi mới. Tuy nhiên, việc để cho DN tự quyết có thể gây ra sự lủng củng trong hệ thống quản lý vì DN có thể chọn có hoặc không có con dấu.

"Hiện nay, chúng ta có khoảng 730.000 DN, con dấu đã ăn sâu trong tiềm thức, gần như giá trị còn hơn cả chữ ký. Do đó, khi đưa quy định này vào luật cần cân nhắc thêm và xem xét sự liên thông với các luật khác" - ông Đỗ Văn Sinh kiến nghị.

Ủng hộ quy định DN được quyền tự quyết có hoặc không có con dấu, ông Lê Đăng Doanh cho biết nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. "Trong thời đại kinh tế số, con dấu với tính chất cơ học, thủ công như hiện nay thì hiệu lực có phần hạn chế. Nhiều nước đã có các quy định luật pháp về chữ ký điện tử nên việc xem xét bỏ con dấu cho DN thời điểm này là hợp lý. Do vậy, cần thay đổi tâm lý, thói quen cho cộng đồng DN về con dấu" - chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Đồng tình về quan điểm này, ông Nguyễn Minh Long, giám đốc một DN vận tải ở Hà Nội, cho rằng việc cho DN tự quyết là cởi trói về thủ tục, tạo thông thoáng cho DN nhưng cần có lộ trình thực hiện phù hợp để DN tiếp nhận quy định mới. Còn các vấn đề về pháp lý, DN đều có các phương án tính toán để đề phòng mức độ rủi ro thấp nhất.

Trước những lo ngại về giải quyết tranh chấp khi không có con dấu, luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng dù sử dụng cả con dấu và chữ ký, hay riêng chữ ký thì đều có những nguy cơ bị làm giả, nếu các đối tượng vi phạm có chủ đích. Do đó, việc duy trì chữ ký cũng đủ cơ sở để giải quyết các tranh chấp nảy sinh trong các giao dịch. 

Không bỏ hẳn

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi nói về quy định mới của con dấu. Theo Bộ trưởng, nhiều nước trên thế giới hiện không dùng con dấu, một số nước còn dùng thì con dấu của họ cũng không có giá trị nhiều như cách hiểu của chúng ta trước đây, mà chủ yếu là chữ ký. Với quy định mới này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sẽ tạo thuận lợi cho DN, họ có quyền lựa chọn có hoặc không, không phải bỏ hẳn con dấu.

Theo NLD
https://nld.com.vn/thoi-su/doanh-nghiep-duoc-tu-quyet-ve-con-dau-20191124213630265.htm

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp được tự quyết về con dấu?" tại chuyên mục Thương hiệu. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.