Năm 2020 là năm được dự báo thị trường sẽ còn đối mặt với không ít thách thức, nhưng trong khó khăn lúc nào cũng song hành cùng cơ hội. Do đó, kế hoạch kinh doanh đang được nhiều doanh nghiệp địa ốc xây dựng bài bản để sẵn sàng ứng phó với những khó khăn của thị trường.
Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng kế hoạch ứng phó trước diễn biến khó khăn của thị trường. Ảnh: Trọng Tín
Dấu hiệu thanh lọc mạnh mẽ
Trong báo cáo vừa mới công bố của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết thúc năm 2019, có 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đáng chú ý, trong 14 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh bất động sản đứng vị trí đầu bảng.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động năm 2019 là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%. Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4% so với năm 2018.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động và giải thể gia tăng đã được dự đoán từ trước, bởi thị trường gặp nhiều khó khăn như việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng khó hơn vì lộ trình siết tín dụng bất động sản và hạn chế cấp phép dự án mới.
Theo lãnh đạo của một doanh nghiệp có trụ sở tại quận Tân Bình (TP.HCM), năm 2020, công ty này tập trung thanh lọc bộ máy nhiều hơn là xây dựng chiến lược “bành trướng” ra các thị trường tỉnh.
“Ngoài việc tập trung hoàn thiện các dự án cũ để bàn giao đúng tiến độ cho khách hàng, hiện doanh nghiệp chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch ra mắt dự án mới. Sắp tới, tôi phải cắt giảm một lượng lớn nhân sự, chỉ giữ lại những nhân viên đam mê và thực sự giỏi để chinh chiến tại những thị trường vùng ven”, vị giám đốc này cho biết.
Doanh nghiệp chủ động ứng phó
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho biết, hiện doanh nghiệp này có rất nhiều dự án bị ách tắc. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược hoạt động, chờ khi thông thoáng giữa các quy định của pháp luật rồi mới xây dựng các kế hoạch tiếp theo.
Nói cụ thể hơn về kế hoạch “giải cứu” dự án bị vướng mắc, bà Loan cho biết, tại dự án Lavida Plus (quận 7, TP.HCM) đã được Sở Xây dựng TP.HCM có văn bản số 20092/SXD-PTN&TTBĐS chấp thuận việc huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 725 căn hộ thuộc Block A. Tuy nhiên, khi dự án đang tiến hành xây dựng gần xong phần phô và chuẩn bị bàn giao nhà cho khách hàng, thì ngày 12/6/2019, Sở Xây dựng TP.HCM lại có quyết định hủy bỏ văn bản trên, nguyên nhân được Sở đưa ra là do dự án thay đổi quy hoạch.
Theo bà Loan, việc Sở Xây dựng hủy bỏ văn bản cho phép Công ty bán nhà ở hình thành trong tương lai với Khối A là không sai. Bởi trước đó, Công ty Tân Thuận (đơn vị chuyển nhượng dự án cho Quốc Cường Gia Lai) đã có văn bản gửi Ban Quản lý Khu Nam để đề nghị hoán đổi vị trí 2 block A và B, và đã được chấp thuận. Tuy nhiên, việc hoán đổi giữa Block A và Block B ở đây thực chất là hoán đổi công năng, chứ không phải vị trí xây dựng. Tức là Quốc Cường Gia Lai hiện vẫn đang xây dựng tại vị trí cũ (Block A), nay xin đổi thành công năng của Block B để có thêm phần căn hộ lưu trú (officetel).
“Hiện tại, dự án vẫn đang được tiến hành xây dựng để kịp bàn giao cho khách hàng theo đúng tiến độ. Sở Xây dựng không cho thu tiền của khách hàng nữa thì chủ đầu tư sẽ tự bỏ tiền ra để làm, khi nào hoàn thành xong thủ tục pháp lý thì mới tiến hành thu”, bà Loan nói và cho biết thêm, dự án bị yêu cầu ngừng việc huy động vốn, chứ không phải ngừng xây dựng, nên Công ty vẫn tiến hành làm. Công ty chấp nhận bỏ tiền ra nhiều hơn để hoàn thiện dự án, bàn giao nhà cho khách hàng.
Hay như câu chuyện của Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Đức Linh (Đức Linh Real), là một doanh nghiệp được thành lập từ năm 2016, chuyên đầu tư và môi giới đất nền tại quận Thủ Đức. Từ khi đi vào hoạt động đến năm 2018, Công ty liên tiếp đưa ra thị trường nhiều dự án như Khu dân cư Đức Linh Green, Khu phố thương mại Đức Linh Center, Khu dân cư Happy Garden… Tuy nhiên, đến khoảng cuối năm 2018, đầu 2019, khi các dự án trên được bán hết, giá đất tại Thành phố cũng không ngừng tăng cao, lãnh đạo công ty quyết định đánh bắt xa bờ.
Bà Trần Thùy Linh, Phó tổng giám đốc Đức Linh Real chia sẻ, vào thời điểm đó, ban lãnh đạo Công ty đã dành hơn 1 tháng để đi khảo sát và dự tính sẽ làm dự án tại tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, do chưa hoàn thiện xong thủ tục pháp lý, nên kế hoạch đánh bắt xa bờ vẫn chưa thực hiện được.
“Trước những khó khăn chung của thị trường, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thu không đủ chi nên công ty đã cắt giảm nhiều nhân sự. Thậm chí, phải trả mặt bằng tại đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) đề về thuê tại quận 9 cho bớt phần gánh nặng”, bà Linh nói và cho biết thêm, lế hoạch trong thời gian tới của Công ty là liên kết hoặc hợp tác với các đối tác khác có dự án để phân phối. Cụ thể, Công ty dự kiến sẽ hợp tác với Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding để phân phối các sản phẩm của công ty này tại TP.HCM và Bình Phước.
Tương tự, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty SeaHoldings cho rằng, thị trường hiện nay đang chờ đợi việc gỡ một số điểm vướng mắc nhất định về mặt pháp lý, nguồn cung, tín dụng sẽ được giải quyết triệt để nhằm tạo ra sự chuyên nghiệp cho thị trường. Do đó, trong năm 2020, doanh nghiệp này xác định sẽ tinh gọn lại hoạt động, lựa chọn phân khúc sản phẩm phù hợp nhằm tối ưu tăng trưởng.
“Năm nay, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện hai dự án là Lago Centro và The Pearl Riverside để bàn giao đúng tiền độ cho khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên tục có đội thăm dò thị trường, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực và vật lực để tung ra những dự án khác vào đúng thời điểm”, ông Phương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Netland cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng vào bất động sản đã ảnh hưởng rất nhiều đến những công ty chưa có dự án mới hoặc chưa được giải ngân. Điều này khiến không ít lãnh đạo doanh nghiệp suy nghĩ lại, thậm chí thay đổi chiến lược phát triển công ty.
Tuy nhiên, đối với Netland thì không bị ảnh hưởng nhiều. Bởi từ khi bắt tay vào phát triển dự án, ban lãnh đạo Công ty đã xác định việc huy động nguồn vốn từ ngân hàng rất rủi ro và không ổn định, nên đã hướng đến kênh huy động vốn từ những đối tác nước ngoài.
“Việc tìm kiếm nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn và mất thời gian. Ngoài việc thương thảo các thỏa thuận liên quan đến lợi ích của 2 bên, đối tác nước ngoài còn xem xét độ uy tín của doanh nghiệp mình trên thị trường như thế nào, cộng thêm rất nhiều thứ khác nữa mới đưa ra quyết định”, ông Quang nói.