Doanh nghiệp địa ốc âm thầm 'bẻ lái'

26/08/2020 11:00

Do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều ngành nghề chịu thiệt hại, nhưng bất động sản công nghiệp thì ngược lại. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp địa ốc dân dụng đã lấn sang phân khúc này.

Do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều ngành nghề chịu thiệt hại, nhưng bất động sản công nghiệp thì ngược lại. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp địa ốc dân dụng đã lấn sang phân khúc này.

Doanh nghiệp địa ốc mở rộng phân khúc

Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức, có thể kể đến như nhà đầu tư và người mua đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị đầu tư, khung pháp lý cho bất động sản vẫn rất chậm thay đổi… Tuy nhiên, đi kèm theo đó là những cơ hội mới không phụ thuộc vào dịch bệnh.

“Cơ hội hiện nay đang được đặt lên vai 3 lĩnh vực là bất động sản công nghiệp, logistics và nhà ở với mức giá vừa phải”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính chia sẻ.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, mặc dù thị trường nhà, đất trong thời gian qua có phần “nguội”, thì bất động sản công nghiệp lại không ngừng nóng lên khi nhiều doanh nghiệp địa ốc mở rộng ra phân khúc này để đón làn sóng đầu tư mới.

doanh-nghiep-dia-oc-am-tham_wiww

Nhiều khu công nghiệp mới ra đời, các khu công nghiệp cũ mở rộng quy mô để đón làn sóng đầu tư mới

Chẳng hạn, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của CTCP DHR Holdings (DRH - HOSE), ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DRH cho biết, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ xem xét đầu tư phát triển mảng bất động sản công nghiệp.

"Đây là định hướng phát triển sắp tới của Công ty và sẽ triển khai theo hình thức liên doanh, liên kết hoặc mua cổ phần của một số doanh nghiệp chuyên hoạt động trong mảng bất động sản công nghiệp”, ông Đạt nói.

Tương tự, CTCP Vinhomes cũng đã công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng cổ phần trong Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes. Với quyết định này, Vingroup cũng đã chính thức lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

Hay gần đây nhất, vào cuối tháng 7 vừa qua, Trần Anh Group đã phát đi thông báo sẽ triển khai khởi công dự án khu công nghiệp mang tên Trần Anh Tân Phú tại Long An. Thời gian dự kiến là trong nửa cuối năm 2020.

Được biết, dự án có quy mô 262 ha, được chia làm 2 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 là 105 ha và giai đoạn 2 gồm 156 ha.

Đại diện Trần Anh Group cho biết, đây là hướng đi mới, phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay. Bởi trước xu hướng dịch chuyển của nhiều nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, cơ hội cho bất động sản công nghiệp là rất lớn.

Theo số liệu từ Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 6/2020, cả nước có 336 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 97.000 ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt gần 66.000 ha.

Trong 336 khu công nghiệp đã thành lập, có 261 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 68.000 ha và 75 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng với tổng diện tích khoảng 29.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 76%.

Tại phía Nam, chỉ tính riêng tỉnh Long An trong quý II/2020 đã có 5 khu, cụm công nghiệp được triển khai xây dựng. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đang đua nhau đổ vốn vào phân khúc bất động sản được xem là có nhiều tiềm năng này.

Hướng đến câu chuyện đường dài

Việc rót vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp trong thời qua có thể thấy, các doanh nghiệp địa ốc đang định hướng phát triển đường dài.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc kinh doanh Trần Anh Group cho biết, việc Công ty đầu tư khu công nghiệp không phải là hướng đi trái ngành. Bởi bất động sản công nghiệp cũng là một phần trong lĩnh vực bất động sản. Hơn nữa, đây cũng là định hướng phát triển lâu dài để trở thành tập đoàn đa năng của Trần Anh Group.

“Trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cũng cần nắm bắt xu hướng và Trần Anh Group đang nắm bắt xu hướng mới của thị trường. Tất cả đều nhìn nhận từ nhu cầu và thị trường hiện có. Đặc biệt ở Long An, quỹ đất để phát triển khu công nghiệp còn rất lớn. Đây cũng là một trong những tỉnh thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn của phía Nam”, ông Thiện nói và cho biết thêm, thị trường bất động sản công nghiệp đang hưởng lợi lớn từ làn sóng dịch chuyển đầu tư của các công ty nước ngoài và dư địa phát triển của nó sẽ còn lớn mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Thành Long An chia sẻ, thương chiến Mỹ - Trung và dịch Covid-19 khiến “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư từ những công ty hàng đầu, tầm cỡ quốc tế.

"Dòng vốn FDI đang có chiều hướng tìm đến Việt Nam rất mạnh. Chúng tôi nhìn ra cơ hội đang rất lớn nên quyết định khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Phát, với quy mô lên tới 1.800 ha tại Long An đúng thời điểm vàng, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới này", ông Thành nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, một xu hướng khác là các khu công nghiệp đang tiến hành chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình "khu thương mại, dịch vụ, cụm công nghệ cao gắn với đô thị hiện đại" nhằm tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Cụ thể, theo quy hoạch của dự án Trần Anh Tân Phú có phát triển khu nhà ở cho các chuyên gia. Trong đó, có quy hoạch 1 công viên rộng với mảng thực vật lớn nhằm cân bằng không gian sống ngay trong nội khu.

Dự án khu công nghiệp Việt Phát cũng được quy hoạch theo mô hình kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị. Cụ thể, diện tích đất dành cho khu công nghiệp là 1.200 ha và phần đất còn lại dành cho phát triển đô thị.

“Hiện nay, đầu tư khu công nghiệp không còn đơn thuần truyền thống là tập trung nhà xưởng, mà sẽ được quy hoạch thêm những không gian sống trong nội khu như một khu đô thị hoàn hảo. Bên cạnh đó, trước xu thế dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn trở thành tâm tâm sản xuất mới của thế giới. Việc gia tăng nhu cầu thuê đất và nhà máy đang rất lớn. Trần Anh Group mong muốn mang đến cho các nhà đầu tư những dự án tiềm năng và chất lượng nhất”, đại diện Trần Anh Group chia sẻ.

Còn tại TP.HCM, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, một số khu công nghiệp đã được phát triển và đưa vào sử dụng từ trước đó đã đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng. Như tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), chủ đầu tư đã xây dựng 3 khối nhà xưởng cao tầng cho thuê, hay Khu chế xuất Linh Trung đang xây dựng nhà xưởng cao tầng dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

(Theo Tin nhanh Chứng khoán)

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp địa ốc âm thầm 'bẻ lái'" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.