Đua nhau gom cổ phiếu quỹ
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay đã có 53 giao dịch đăng ký mua cổ phiếu quỹ của 47 doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Tính đến ngày 15/4, tổng giá trị đăng ký mua cổ phiếu quỹ là hơn 1.600 tỷ đồng, tương đương với gần 66 triệu cổ phiếu.
Ngân hàng Tiên Phong (TPB) đăng ký mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. |
Điển hình như Công ty Cổ phần PVI (PVI) công bố nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua chủ trương mua tối đa 11,6 triệu cổ phiếu, tương đương 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành để làm cổ phiếu quỹ, thời gian thực hiện trong năm nay. Hiện tại, thị giá cổ phiếu PVI ở mức 30.700 đồng/cổ phiếu, ước tính PVI chi ra hơn 356 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam-Gelex (GEX) đăng ký mua vào 29 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 5,94% vốn điều lệ. Ước tính số tiền GEX bỏ ra khoảng 400 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng quyết định chi ra khoảng 410 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ để chặn đà giảm của cổ phiếu là Công ty Cổ phần Gemadept (GMD). Cụ thể, GMD sẽ mua vào 25 triệu cổ phiếu, tương đương 8% vốn điều lệ để làm cổ phiếu quỹ.
Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) sẽ mua lại tối đa 21,6 triệu cổ phiếu, tương đương với 10% lượng cổ phiếu trên thị trường. Với mức giá hiện tại, ước tính PAN sẽ phải chi hơn 490 tỷ đồng để mua hết số cổ phiếu đăng ký.
Tương tự, Ngân hàng Tiên Phong (TPB) đăng ký mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,17% vốn điều lệ bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Ước tính, TPB sẽ chi khoảng 170 tỷ đồng để mua lại số cổ phiếu quỹ đăng ký. Hồi tháng 6/2019, TPBank đã chi hơn 627 tỷ đồng để mua lại 24 triệu cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu quỹ lên 30 triệu. Nếu giao dịch lần này thành công, TPBank sẽ sở hữu 40 triệu cổ phiếu quỹ.
Công ty Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (CTI) sẽ mua công khai 18,9 triệu cổ phiếu, tương đương với 30% vốn điều lệ. Giá mua là 22.100 đồng/cổ phiếu và có thể thay đổi theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản trị tại thời điểm đăng ký mua. Như vậy CTI sẽ bỏ ra số tiền khoảng 417 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.
Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) triển khai phương án mua 15 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 4,7% vốn điều lệ. Hiện tại, giá cổ phiếu DIG đang ở mức 11.200 đồng/cổ phiếu nên DIG sẽ chi ra khoảng 168 đồng.
Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) triển khai phương án mua 15 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. |
Công ty Bất động sản và Đầu tư VRC (VRC) cũng đang trình cổ đông phương án mua lại tối đa 20% số lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, tương ứng 10 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Ước tính, VRC sẽ chi ra khoảng 52 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Công ty Cổ phần Vicostone (VCS) công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc mua lại tối đa 3% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 4,8 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm tái cấu trúc nguồn vốn. Thị giá VCS đang ở mức 58.600 đồng/cổ phiếu, như vậy Vicostone phải chi ra hơn 281 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Ai hưởng lợi?
Trong thông báo mua lại cổ phiếu quỹ, hầu hết các doanh nghiệp đều nêu lý do là “bình ổn giá cổ phiếu và tối đa hóa lợi ích cho cổ đông”. Tuy nhiên, lý do dễ thấy là để cứu giá cổ phiếu do bị lao dốc mạnh trong thời gian qua, nhất là vì đại dịch COVID-19. Chẳng hạn, thị giá VRC từ mức 25.000 đồng/cổ phiếu thì nay chỉ còn 5.190 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu GEX đã giảm gần 30% giá trị, từ mức 20.500 đồng/cổ phiếu về mức 14.900 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Còn cổ phiếu VCS cũng giảm 20% trong một tháng qua. Thậm chí, nếu so với mức đỉnh hồi đầu tháng 10/2019, thị giá VCS đã “bốc hơi” gần 50%...
Về lý thuyết, mua lại cổ phiếu quỹ sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho cổ đông khi làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, tăng các chỉ số hiệu quả hoạt động tính trên nguồn vốn như thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)… Sức cầu từ mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ cũng có thể giúp cổ phiếu tăng giá, các cổ đông chốt lời sẽ chịu thuế suất thấp hơn so với chia cổ tức bằng tiền. Tuy nhiên, hoạt động mua cổ phiếu quỹ vẫn tiềm ẩn rủi ro cho cổ đông và cả nhà đầu tư chứng khoán.
Lý giải về việc các doanh nghiệp liên tục chi hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng nói rằng, trong thời gian này thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các mã đều lao dốc, việc doanh nghiệp rót tiền mua cổ phiếu quỹ như một phản xạ tự nhiên.
Hoạt động mua cổ phiếu quỹ vẫn tiềm ẩn rủi ro cho cổ đông và cả nhà đầu tư chứng khoán. |
“Trong ngắn hạn, hoạt động mua lại cổ phiếu quỹ giúp doanh nghiệp trấn an cổ đông, thông qua hành động cụ thể rằng, cổ phiếu vẫn hấp dẫn. Về dài hạn, khi cổ phiếu có thể đạt lại được thị giá cao như trước đây, doanh nghiệp có cơ hội thu được thặng dư khi bán ra trở lại. Tuy nhiên, việc mua cổ phiếu quỹ không phải là hoạt động đảm bảo rằng, doanh nghiệp hoàn toàn dư dả nguồn lực giữa lúc kinh doanh khó khăn vì dịch COVID-19”, ông Hoàng nói.
Chuyên gia này phân tích thêm, doanh nghiệp có thể để trấn an cổ đông bằng cách chấp nhận mạo hiểm để mua lại cổ phiếu quỹ trong bối cảnh thiếu hụt tiền mặt. Nguồn tiền để thực hiện có thể là đi vay hoặc lấy từ hoạt động kinh doanh khác, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Do đó, việc mua cổ phiếu trong thời điểm này có thể là con dao hai lưỡi với tương lai của một công ty. Cụ thể, hoạt động này sẽ lấy đi của doanh nghiệp lượng tiền mặt đáng kể và phải ít nhất 6 tháng sau mới được bán cổ phiếu quỹ để thu tiền về.
Một điểm lưu ý khác cũng cần lưu ý là các doanh nghiệp thường đăng ký mua cổ phiếu theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu không mua đủ qua khớp lệnh, doanh nghiệp có thể thông qua giao dịch thỏa thuận. Tuy nhiên dưới hình thức này, liệu rằng có hay không việc sử dụng tiền của công ty để giúp một hoặc vài cổ đông đặc biệt thoái vốn ở giá tốt?
Không chỉ mua cổ phiếu quỹ mà nhiều người nội bộ, người có liên quan ở các doanh nghiệp cũng đang rục rịch gom cổ phiếu để cứu thị giá. Chẳng hạn, con trai của Chủ tịch Hòa Phát đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG. Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn mua thêm 5 triệu cổ phiếu NVL. Chủ tịch Cơ Điện Lạnh REE Nguyễn Thị Mai Thanh đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu REE. Một Phó tổng giám đốc Nhựa An Phát Xanh đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu AAA. Nhiều lãnh đạo của TTC Land đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu SCR. Chủ tịch công ty Đường Quảng Ngãi cũng đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu QNS… |