Định Công: Ai đang `tiếp tay` cho việc `xẻ thịt` đất nông nghiệp?
13/03/2021 06:35
Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn phường Định Công đã diễn ra nhiều năm. Tuy nhiên, các vi phạm TTXD, xây nhà ở trên đất nông nghiệp tại đây vẫn chưa được xử lý triệt để.
Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn phường Định Công đã diễn ra nhiều năm. Tuy nhiên, các vi phạm TTXD, xây nhà ở trên đất nông nghiệp tại đây vẫn chưa được xử lý triệt để.
Chỉ đạo quyết liệt xử lý dứt điểm sai phạm
Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…
Cùng thời điểm đó, UBND TP Hà Nội tiếp tục có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. “Thực hiện thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành. Báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 30/4/2020”, công văn ghi rõ.
Việc người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích là vi phạm pháp luật về đất đai, phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, đồng thời có nguy cơ đe dọa an ninh lương thực. Vì vậy, đối với những trường hợp mới xây dựng Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cần kịp thời ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; Có biện pháp giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích người vi phạm tự tháo dỡ.
Đối với các trường hợp xây dựng cũ, cố tình tiếp tục thực hiện việc sử dụng trái phép mặc dù đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình hoặc bị thu hồi đất. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý đất, cần nâng cao năng lực làm việc và quán triệt về trách nhiệm, hậu quả pháp lý đối với cán bộ phụ trách chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, mặc những chỉ đạo quyết liệt đó, trong thời gian qua tình trạng vi phạm TTXD, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Định Công (quận Hoàng Mai) vẫn diễn ra và có dấu hiệu bùng phát khiến dư luận thủ đô đặc biệt quan tâm.
Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:
1. Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
2. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
"Điểm nóng" xây dựng, lấn chiếm đất nông nghiệp
Được biết, phường Định Công có diện tích khoảng 175,5ha, trong đó có phần không nhỏ là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích nên thường phát sinh vi phạm. Theo phản ánh của người dân địa phương, nguồn gốc đất các công trình đang xây dựng, quây tôn đều là đất nông nghiệp. Ngoài ra, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp ở địa bàn phường Định Công đã diễn ra nhiều năm. Tuy nhiên, dù có kiến nghị hay phản ánh thì tình trạng vi phạm TTXD, xây nhà ở trên đất nông nghiệp cũng không được xử lý triệt để bởi nó liên quan đến vấn để nhu cầu về chỗ ăn ở, sinh hoạt của nhiều gia đình…
Theo ghi nhận thực tế tại địa bàn quận Hoàng Mai nhiều công trình, dự án xây dựng có dấu hiệu sai phạm. Trong đó phải kể đến khu vực phường Định Công một trong địa bàn tập trung nhiều công trình xây dựng lấn chiếm quỹ đất nông nghiệp. Cụ thể: Ngõ 31 Định Công Hạ hàng loạt công trình xây dựng với mật độ 100%, ngõ 99/110/66 Định Công Hạ loạt nhà ở nằm trên quỹ đất nông nghiệp đã được quây tôn kín mít nằm sát ven hồ. Thậm chí, các công trình được xây dựng để hoạt động kinh doanh mà không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Ngoài ra, các công trình tại số 66/99 Định Công Hạ; 33/99 Định Công Hạ; 227 Lê Trọng Tấn; số 46, 58/159 ngõ 192 Lê Trọng Tấn, 115 Trần Hoà; đều đang được xây dựng cũng có dấu hiệu vi phạm TTXD.
Quy định của pháp luật đã rất rõ ràng, cụ thể về việc xử lý các hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp nhưng hầu hết các trường hợp sai phạm mới bị dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính. Các biện pháp mạnh hơn như cưỡng chế thu hồi, tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất… là rất khó vì liên quan chồng chéo đến nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau. Một phần vì chính quyền địa phương còn “cả nể” những trường hợp có quen biết, anh em, họ hàng... Do đó thực tế nhiều công trình bị xử phạt xong vẫn tiếp tục xây dựng, sử dụng. Thậm chí, nhiều ngôi nhà còn xây dựng kiên cố 3-4 tầng.
Trách nhiệm của thực trạng này trước hết thuộc về người đứng đầu các xã, phường. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm. Văn bản cũng nêu rõ: Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm.
Việc chậm trễ trong công tác triển khai rà soát, giải quyết các công trình, dự án sai phạm tại phường Định Công (quận Hoàng Mai) đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi như: Chính quyền sở tại liệu có đang buông lỏng quản lý quỹ đất? Loạt công trình lấn chiếm đất nông nghiệp gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung của Thủ đô thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Đặc biệt, nguồn lợi thu từ các hoạt động kinh doanh sai mục đích trên rơi vào túi ai?
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, rất mong UBND quận Hoàng Mai, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, quyết liệt xử lý triệt để các sai phạm tồn tại, chấm dứt các sai phạm phát sinh. Bên cạnh đó, UBND quận Hoàng Mai cũng cần làm rõ trách nhiệm đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm, phá vỡ quy hoạch đô thị, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường... thủ đô Hà Nội.