“Thị trường” nhà trái phép nhộn nhịp và các cò đất hứa bao luôn cả việc xây mới nhà trên đất nông nghiệp.
LTS: Dự kiến năm 2025, huyện Nhà Bè (TP.HCM) sẽ lên quận và nơi đây có nhiều công trình nhà ở trái phép đang mọc lên trên đất nông nghiệp.
Cùng với các căn nhà xây trái phép là việc mua bán nhộn nhịp ở khu vực này. Điều đáng nói là ngoài cò đất thì có cả cán bộ ở địa phương tham gia rao bán nhà trái phép với giá hàng tỉ đồng, kèm những lời hứa chắc nịch là sẽ “không bị sao”...
Nhiều công trình lớn tại Nam Sài Gòn mọc lên, huyện Nhà Bè dự kiến lên quận vào năm 2025 đã khiến thị trường bất động sản tại huyện này sôi động. Bên cạnh những công trình chỉnh trang đô thị, giúp cho huyện Nhà Bè sớm đạt được mục tiêu lên quận thì tại huyện này cũng đang xuất hiện nhiều nhà trái phép.
Theo ghi nhận của PV, những căn nhà trái phép này đang được cò môi giới tranh nhau rao bán.
Xây nhà trái phép rồi rao bán
Đầu tháng 10, chúng tôi đi theo một người có nhu cầu tìm mua nhà ở tại xã Phước Kiển. Sau một hồi đi lòng vòng tìm kiếm khắp nơi nhưng không có căn nhà nào ưng ý thì một cò đất chỉ cho chúng tôi đến con hẻm 39/… trên đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức để xem nhà đang xây dựng.
Tại con hẻm này, chúng tôi ghi nhận nhiều thợ đang xây ba căn nhà liền kề trên đất nông nghiệp với diện tích 3 x 8 m, kết cấu một trệt, một lầu. Theo những người thợ, các căn nhà này được xây lên để bán và cả ba căn đều là nhà trái phép.
Sáng hôm sau, một người đàn ông tên N. đứng ra nhận là chủ những căn nhà trên, cho biết toàn bộ căn nhà này đều trái phép, xây trên đất nông nghiệp và khi xây xong sẽ bán với giá 1,150 tỉ đồng/căn. Ông này cũng tiết lộ là đã phải chung chi mỗi căn 50 triệu đồng.
Ông N. cũng giới thiệu cho chúng tôi một căn nhà trái phép khác đã hoàn thiện cạnh đó và cho hay là có mối quan hệ, quen biết với chính quyền địa phương, đã xây rất nhiều nhà trái phép tại khu đất này. Ông cho hay những căn nhà trái phép đều có điện, nước... hoàn thiện và người mua chỉ việc vào ở.
Ông này cũng cho hay là “bao” luôn việc muốn xây nhà mới trên đất nông nghiệp và chỉ cho chúng tôi lô đất 150 m2 cạnh đó kèm báo giá 2,25 tỉ đồng. Sau khi mua xong, muốn xây thì đưa tiền, ông sẽ “bảo kê” giúp.
“Ở đây làm gì cũng tốn tiền, nhà có giấy phép cũng phải tốn” - ông N. nói. Theo ông N., lô đất này đồng sở hữu, lô đất đã được bán cho người khác, nếu mua thì người đó sẽ ra thừa phát lại, giao sổ hồng chứ không chuyển nhượng sang tên được.
“Xây nhà cấp bốn không có gác thì phải chung chi 50 triệu đồng, có gác thì cũng vậy. Nếu xây với diện tích gần hết lô đất thì phải chung 70-80 triệu đồng” - ông N. nói.
Sau đó, ông N. hẹn hôm sau sẽ dẫn chúng tôi lên gặp người có trách nhiệm bên xã để làm tin việc xây nhà được với giá đã thông báo: “Anh sẽ dẫn em lên gặp trực tiếp xxx, nó là em của anh, anh sẽ nói chuyện trước với nó. Đồng ý rồi anh dẫn em vô, ví dụ nó nói bỏ cà phê bao nhiêu, 50 hay 80 là xong nhưng phải đưa đúng nha…”.
Tuy nhiên, khi đến hẹn, ông N. đổi ý và cho biết cứ đưa tiền, ông sẽ lo việc xây trái phép.
Đầu tháng 12, chúng tôi quay lại nơi đây thì chứng kiến những nhà này đã được xây gần xong, xung quanh che kín những tấm tôn cao. Chúng tôi cũng thấy một số nhà khác đang được che tôn xây dựng.
Qua tìm hiểu, tại khu vực nhà xây trái phép này có khoảng 10 căn nhà trái phép khác. Một số căn nhà đang được người dân rao bán với giá trên dưới 1 tỉ đồng.
[caption id="attachment_60263" align="aligncenter" width="680"] Ông N. tự giới thiệu là có thể nhận xây những căn nhà trên đất nông nghiệp. Ảnh: TỰ SANG[/caption]
Chỉ còn 200 hộ dân làm nông nghiệp
Cả huyện nay chỉ còn khoảng 200 hộ dân làm nông nghiệp. Trong khi đó trên địa bàn huyện Nhà Bè hiện nay, các đô thị lớn mọc lên dày đặc. Đến năm 2025, tỉ lệ hộ dân làm nông nghiệp gần như không còn, kinh tế chủ yếu là dịch vụ, công nghiệp.
(Theo báo cáo của huyện Nhà Bè tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM
ngày 30-11-2019)
Cò hoạt động nhộn nhịp
Vào cuối tháng 11, chúng tôi đi theo cò N. để tìm mua những căn nhà giá rẻ trên địa bàn huyện Nhà Bè. Hơn 16 giờ, N. đón chúng tôi tại quận 7 và chở đi theo hướng đường Huỳnh Tấn Phát về cầu Phú Xuân (huyện Nhà Bè).
Khi trời vừa chập tối, chúng tôi được dẫn tới xem một căn nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ 2114/… đường Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân. Xe N. vừa tắt máy, chúng tôi vừa đặt chân xuống đất thì cả chục cò khác cũng ùa đến, người mở cửa, người bật điện, người đứng nhìn, người dẫn vô trong coi nhà, người trông xe, người livestream… khiến chúng tôi choáng ngợp.
“Nhà có diện tích 30 m2, được xây kiên cố một trệt, một lầu với hai phòng ngủ, một WC, xây mới 100%, mua bán giấy tay, có giá 1,450 tỉ đồng, mua về ở ngay” - một phụ nữ làm cò môi giới cho chúng tôi biết.
Sau đó chúng tôi lên lầu một để xem, lúc này có ba cò khác cũng đi theo không ngớt lời khen nhà đẹp, nhà mới, khó tìm được căn thứ hai như vậy.
Thấy nhiều người, N. sợ chúng tôi mua nhà không biết chia hoa hồng thế nào nên vội kéo chúng tôi vào một góc khuất bảo: “Tôi có nhà này đẹp hơn, hẻm ô tô hẳn hoi. Ở đây chúng nó bu như kiến, tôi không thích” và ra hiệu chúng tôi lên xe để chở đi chỗ khác.
Các cò truyền tai nhau N. có mối quan hệ quen biết và hay cà phê, nhậu nhẹt với cán bộ địa phương nên thường xuyên “binh” những căn nhà trái phép theo ý khách đến mua. Ngoài ra, N. còn được biết đến là cò môi giới “lỳ đòn”, đeo bám rao bán nhà cho khách rất quyết liệt.
Cuối năm 2019, Thanh tra TP.HCM xác định ở xã Long Thới có nhiều công trình không phép quy mô cả ngàn mét vuông. Tại các xã Long Thới, Phước Lộc, Phước Kiển còn nhiều trường hợp xây dựng không phép nhưng không lập biên bản vi phạm hành chính, hoặc đã lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có quyết định xử phạt; còn nhiều trường hợp đã có quyết định cưỡng chế buộc tháo dỡ nhưng chậm tổ chức thực hiện. Thanh tra TP.HCM kiến nghị chủ tịch UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND huyện Nhà Bè tổ chức chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. |
Kỳ sau: Cán bộ tham gia vào “thị trường” nhà trái phép. Các cò nhà, đất khẳng định nếu không có chuyện tiếp tay của cán bộ thì không căn nhà trái phép nào tồn tại.