Điểm tên loạt ông lớn địa ốc báo lỗ quý đầu năm

06/05/2024 07:32

Trải qua năm 2023 với nhiều chông gai, đa phần các doanh nghiệp bất động sản đều đánh giá khó khăn nhất đã qua đi và kỳ vọng tương lai sáng hơn trong năm 2024.

diem-ten-loat-ong-lon-dia-oc-bao-lo-quy-dau-nam-1714955488.jpg

Doanh nghiệp bất động sản kinh doanh thua lỗ quý đầu năm. Ảnh minh họa: Vũ Phạm

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc quý I ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Nhiều dự án bất động sản quy mô hàng chục nghìn ha, vốn hàng tỷ USD đồng loạt khởi công, các doanh nghiệp rục rịch kế hoạch bung hàng…

Về thanh khoản, thị trường ghi nhận khoảng 6.200 giao dịch, tăng 8% so với quý IV/2023 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ cải thiện, đạt gần 31%, tăng 5% so với quý IV/2023 và 19% so với cùng kỳ 2023. Tín hiệu phục hồi xuất hiện ở phân khúc chung cư, nhà ở thấp tầng phục vụ nhu cầu ở thực trong khi phân khúc đất nền còn ảm đạm.

Thế nhưng, báo cáo tài chính quý đầu năm cho thấy bức tranh vẫn còn ảm đạm, hàng loạt khoản lỗ kỷ lục được hé lộ.

Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng – DIC Corp (mã: DIG) bất ngờ có quý lỗ kỷ lục 117 tỷ đồng. Trong quý I, tổng công ty phát sinh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 186 tỷ đồng, giảm 6% so với quý I/2023. Tuy nhiên, bị giảm trừ gần hết (hàng bán bị trả lại) khiến doanh thu thuần còn 489 triệu đồng. Doanh nghiệp cho biết doanh thu quý I chủ yếu từ hoạt động kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng căn hộ dự án CSJ, chuyển nhượng nhà xây thô dự án Đại Phước, nhà xây thô dự án Hậu Giang. Mảng bán vật liệu và xây lắp tại các đơn vị thành viên cũng không khởi sắc.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 170 tỷ về 12 tỷ đồng do không phát sinh khoản thu nhập từ các khoản đầu tư, chi phí tài chính giảm từ 67 tỷ về 12,4 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý lần lượt tăng 37% và 72,2%.

Diễn biến tương tự cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã: LDG) khi hàng bán bị trả lại khiến doanh thu âm 130 tỷ đồng, lỗ ròng 125 tỷ đồng – quý thứ 6 thua lỗ liên tiếp.

Chủ thương hiệu nhà ở vừa túi tiền Ehome – Ehome S – Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã: NLG) gây chú ý với khoản lỗ ròng 77 tỷ đồng, quý lỗ duy nhất trong vòng 10 năm và là khoản lỗ lớn nhất ghi nhận trong 1 quý kể từ khi niêm yết (2013). Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân đến từ việc doanh thu bán căn hộ giảm và giảm phần lãi nhận từ công ty liên doanh Mizuki so với cùng kỳ 2023.

Một kỷ lục không mấy vui vẻ được thiết lập tại “ông lớn” địa ốc – Novaland (mã: NVL) ngay quý đầu năm, đó là khoản lỗ ròng 567 tỷ đồng. Công ty địa ốc do ông Bùi Thành Nhơn làm Chủ tịch HĐQT vừa thoát lỗ 2 quý thì nay bị lỗ lại. Tỷ giá là yếu tố khiến Novaland lỗ đậm quý I. Doanh nghiệp ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá tăng mạnh từ 14 tỷ đồng lên 452 tỷ đồng trong khi lợi nhuận gộp, lợi nhuận từ hoạt động hợp tác đầu tư và lợi nhuận từ được bồi thường do vi phạm hợp đồng tăng.

Với việc có các khoản nợ vay cùng nợ trái phiếu lớn bằng USD thì việc Novaland bị lỗ chênh lệch tỷ giá lớn trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng trong giai đoạn vừa qua không quá bất ngờ. Tại ngày 31/3, doanh nghiệp có khoản vay bằng USD 72,8 triệu USD do Credit Suisse AG thu xếp, được đảm bảo bằng dự án tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khoản trái phiếu không có tài sản đảm bảo có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu NVL trị giá 300 triệu USD phát hành 2021 do Credit Suisse AG thu xếp và làm đại lý phát hành, đáo hạn 2026. Ngoài ra, tập đoàn còn có các khoản vay ngắn hạn bằng USD với bên thứ 3 trị giá hơn 6.000 tỷ đồng.

Không lỗ nhưng Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã: KDH) cũng có quý kinh doanh “buồn” khi doanh thu giảm 21% xuống 334 tỷ đồng và lãi ròng giảm 68% xuống 63,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp có quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận xuống dưới 100 tỷ đồng – tình trạng rất hiếm gặp kể từ 2016 đến nay.

Mặc dù khởi đầu năm khá bi quan nhưng đa phần giới phân tích đều kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay. Theo Chứng khoán MBS, động lực đến từ 3 luật quan trọng (Nhà ở, Đất đai, Kinh doanh bất động sản) đã dược thông qua cùng các thông tư, nghị định góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; các chính sách tín dụng dần được nới nỏng, lãi suất cho vay giảm.

Dù vậy, nguồn cung trong năm 2024 – 2025 vẫn bị thắt chặt do các bộ luật vẫn cần đợi hệ thống văn bản hướng dẫn. Chứng khoán MBS kỳ vọng các doanh nghiệp đang có dự án có thể mở bán và quỹ đất sạch được hưởng lợi giai đoạn này. 

Bạn đang đọc bài viết "Điểm tên loạt ông lớn địa ốc báo lỗ quý đầu năm" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.