Từ năm 2014 đến nay, hàng trăm hộ dân từ các tỉnh miền núi phía Bắc đã di cư vào các tiểu khu 265, 276, 280 và 286 thuộc lâm phần do UBND xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc quản lý và bảo vệ.
Số hộ dân này đã lấn chiếm, phá rừng, mua bán, sang nhượng hàng trăm héc-ta rừng để dựng nhà, lập vườn, trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày và một số cây công nghiệp, cây ăn quả, hình thành khu dân cư tự phát.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện tại điểm dân cư này có 163 hộ với 997 nhân khẩu. Số hộ này đã phát gần 50ha rừng nghèo kiệt và lấn chiếm, mua bán hàng trăm héc-ta đất lâm nghiệp trong tổng số 4.266ha rừng và đất rừng do UBND xã Cư M’lan quản lý. Điều đáng nói, do là điểm dân cư thành lập tự phát nên đời sống của 163 hộ dân vô cùng thiếu thốn, không có điện, trường, trạm, chợ, thủy lợi. Hơn nữa, số hộ dân này dựng nhà ở dọc Quốc lộ 29, thuộc lâm phần do UBND xã Cư M’lan quản lý với chiều dài khoảng 5km, đối diện với lâm phần của Vườn Quốc gia YokDon, cũng gây thêm áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, nhất là khi bà con còn tập tục săn bắt động vật rừng, khai thác lâm sản trái phép.
Hiện tại, dân di cư ngoài kế hoạch tiếp tục tăng thêm tại khu vực này. Chính quyền xã Cư M’lan và huyện Ea Súp đang lúng túng trong công tác ngăn chặn, xử lý. UBND tỉnh Đắc Lắc cần có biện pháp hỗ trợ huyện Ea Súp xử lý dứt điểm khu dân cư tự phát trên; đồng thời, cần lập dự án ổn định đời sống cho 163 hộ dân, không để tình trạng rừng bị phá và lấn chiếm tái diễn.