Giá nhập khẩu 2,5USD/test...được chỉ định thầu 178.500 đồng/test
Để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương sử dụng tiền ngân sách để mua sắm các loại sinh phẩm, vật tư xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng hình thức xét duyệt chỉ định thầu. Bên cạnh số ít test Covid-19 được sản xuất trong nước, các đơn vị y tế chủ yếu đầu thầu mua các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, khi thực hiện, dường như chưa có sự quản lý chặt chẽ từ phía các đơn vị liên quan, khiến cho giá đấu thầu ở các địa phương chênh lệch nhau rất lớn. Thậm chí cao hơn rất nhiều lần so với giá nhập khẩu.
Theo tìm hiểu của PV, đối với bộ test PCR, Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập khẩu sản phẩm Standard TM nCoV Real-Time Detection Kit, hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc (ngày đăng ký 26/8/2021) với mức giá 4,25 USD/test, và cộng các loại chi phí vào giá vào thì giá khoảng 4,46 USD/test, tương đương với mức giá khoảng 102.500 đồng.
Tuy nhiên, ngày 24/9/2021, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Vĩnh Long lại có Quyết định số 1405/QĐ-KSBT về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn gói thầu mua vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm triển khai phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR.
Nhà thầu được chỉ định trong Quyết định này là Công ty CP Y tế Đức Minh. Sản phẩm cung cấp là Standard TM nCoV Real-Time Detection Kit, hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc. Số lượng sản phẩm là 110 hộp (96 test/hộp), đơn giá 26.880.336 đồng/hộp (tính bình quân hơn 280.000 đồng/test). Tổng giá trị gói thầu hơn 2,95 tỷ đồng.
Cũng với gói thầu cung cấp kít Realtime PCR phát hiện SAR-CoV-2, ngày 30/9/2021, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uống Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã phê duyệt Quyết định số 4970/QĐ-BVVNTĐ cho Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh trúng thầu hơn 5,418 tỷ đồng.
Tiếp tục, ngày 15/9/2021, Công ty CP Y tế Đức Minh trúng gói chỉ định thầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang với tổng trị giá 1,953 tỷ đồng. Gói thầu là Bộ hóa chất xét nghiệm Realtime - PCR Covid-19 (gồm 60 hộp). Mỗi hộp gồm 96 test do SD Biosensor, nước sản xuất: Hàn Quốc. Đơn giá dự kiến là 32.550.000 đồng/hộp đã gồm thuế VAT.
Tương tự, với các bộ test nhanh Covid-19, giá nhập khẩu cũng chỉ dao động từ 2-2,5 USD/test (quy đổi tương đương khoảng 46.000-57.500đ/test). Song, kỳ lạ, là giá chỉ định thầu rút gọn ở nhiều tỉnh, thành đối với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, vật tư y tế trong nước lên đến từ 135.000 -178.500 đồng/test.
Cụ thể, ngày 22/9/2021, CDC tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có Quyết định số 289/QĐ-KSBT về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn gói thầu “Mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2 (bộ test nhanh) phục vụ phòng, chống dịch Covid-19”. Theo đó, gói thầu này cung cấp 1,5 triệu test kháng nguyên SARS-CoV-2 (phân nhóm 4) có tên thương mại StandardTM Q Covid-19 Ag Test do Công ty SD Biosensor Inc (Hàn Quốc) sản xuất. Đơn giá sau thuế (đã bao gồm các khoản phí) của gói thầu là 135.000đ/test, tổng giá trị là 202,5 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 9/2021, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng) đã có Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu mua sắm test nhanh Covid-19 cho Trung tâm Y tế quận Sơn Trà năm 2021. Tổng giá trị gói thầu là 1,785 tỷ đồng (mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển, các loại thuế theo quy định của Nhà nước). Doanh nghiệp trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Lục tỉnh, với số lượng 10.000 test Abbot Diagnostics Korea Inc/Hàn Quốc, giá mỗi test là 178.500 đồng.
Trước đó, vào ngày 13/7/2021, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã thực hiện Quyết định 129/QĐ-TTYT để chỉ định thầu mua test nhanh kháng nguyên, về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu mua test xét nghiệm phát hiện định tính kháng nguyên SARS-CoV-2 với tên sản phẩm là Panbio Covid-19 Ag Rapid test Device với số lượng 10.000 test được tính với giá 178.500 đồng/test.
Đặc biệt, với test Trueline Covid-19 Ag Rapid được sản xuất trong nước (do Công ty TNHH Medicon sản xuất), có giá 135.000 đồng/test được CDC tỉnh Long An áp dụng tại Quyết định số 43/QĐ-KSBT ngày 28/5/2021 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng và cơ sở y tế năm 2021”, với 11.000 test, tổng số tiền 1,485 tỷ đồng. Cùng với việc lựa chọn nhà thầu loại test này, ngày 28/6/2021 Bệnh viện đa khoa khu vực Hậu Nghĩa thuộc Sở Y tế Long An đã thực hiện gói thầu mua 7.000 test với giá 135.000 đồng/test. Và Quyết định số 128/QĐ-TTYT (ngày 13/7/2021) thực hiện gói thầu rút gọn mua test nhanh kháng nguyên (Trueline Covid-19 Ag Rapid test) với số lượng 5.000 test của Trung tâm Y tế huyện Tân Phú (Đồng Nai), cũng với mức giá 135.000 đồng/test.
Tuy nhiên, ngày 30/6/2021, cũng test Trueline Covid-19 Ag Rapid nhưng Công ty CP Bệnh viện Mỹ Hạnh tại Long An, ký hợp đồng mua chỉ với giá 108.000 đồng/test. Trong khi đó, 25/7/2021, Viện Y dược học dân tộc thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đã có Quyết định số 531/QĐ-VYDHDT về phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với số lượng 10.000 test (cùng loại) chỉ có giá 99.750 đồng/test.
Chỉ định thầu rút gọn: “Quyết sách kịp thời nhưng cần cơ chế giám sát”!
Liên quan đến các gói chỉ định thầu rút gọn nói trên, trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Lê Ngô Trung – Giám đốc Công ty Luật Trung Lê Và Cộng Sự cho biết, với mục đích tạo sự cạnh tranh và minh bạch trong quá trình mua sắm, đầu tư, thì chủ đầu tư thường tổ chức hoạt động mời thầu, để qua đó lựa chọn được nhà thầu, đơn vị cung cấp phù hợp nhất với tiêu chí do mình đặt ra.
Việc tổ chức mời thầu và lựa chọn nhà thầu này, ngoài việc tạo cơ hội cho chủ đầu tư xem xét và chọn được nhà thầu đạt các tiêu chí chất lượng và năng lực, thì sẽ đem lại sự tiết kiệm và hiệu quả kinh tế của gói thầu.
Đặc biệt, đối với chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thì cần đòi hỏi cơ chế kiểm tra, giám sát và thực hiện phải khắt khe hơn.
Theo Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, có 8 hình thức để lựa chọn nhà thầu gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, và tham gia thực hiện của cộng đồng.
Tương ứng với mỗi hình thức sẽ có quy trình thủ tục phù hợp và cụ thể nhất định. Trong đó, riêng hình thức chỉ định thầu sẽ có thêm quy trình chỉ định thầu rút gọn để áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt và khẩn cấp.
Cụ thể, Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về quy trình chỉ định thầu rút gọn được áp dụng với các gói thầu quy định tại điểm a Điều 22 Luật đấu thầu; theo đó, “gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách” sẽ được áp dụng trong trường hợp này.
Quy trình chỉ định thầu có quy định rõ: trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu từ các bước chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu đến thương thảo và hoàn thiện hợp đồng. Từ đó, chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu phê duyệt và ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu. Kết quả chỉ định thầu phải được công khai theo quy định.
Theo luật sư Trung, trên nguyên tắc nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp thì việc áp dụng chỉ định thầu với quy trình thủ tục rút gọn là điều cần thiết. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như thời gian vừa qua, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm Covid-19 là quyết định hoàn toàn chính xác, thể hiện quan điểm, đường lối đúng đắn của các cấp lãnh đạo.
Tuy nhiên, Luật sư Lê Ngô Trung nhấn mạnh, dù chủ trương của Chính phủ là đúng đắn, kịp thời nhưng trong quá trình triển khai, nếu thiếu đi cơ chế kiểm tra, giám sát thì cũng sẽ có nguy cơ dẫn đến điều kiện để phát sinh tiêu cực.
Chẳng hạn, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp ban đầu chủ đầu tư xác định giá gói thầu cao, sau đó lựa chọn doanh nghiệp có báo giá thấp nhất để chỉ định thầu.
Điều này về hình thức thì không sai, tuy nhiên cần xem xét rằng có hay không việc cố tình lập dự toán với giá gói thầu cao để hợp thức hóa việc chỉ định thầu với giá trúng thầu thấp hơn; đó là chưa kể việc các doanh nghiệp (hoặc các bên) cố tình bắt tay nhau để nâng giá của sản phẩm từ khâu báo giá, từ đó nhà đầu tư sử dụng làm căn cứ để xác định giá gói thầu cao hơn giá thị trường.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc
Theo Tiểu Thúy/Tiêu Dùng