Nâng ngực: chết; căng da mặt: chết; thậm chí xăm chân mày... cũng chết. Liên tiếp nhiều vụ chết người sau khi giải phẫu thẩm mỹ đã làm dư luận bất an với các cơ sở làm đẹp hiện nay.
Các cơ quan chức năng đang kiểm tra, xử lý quy trình của các bệnh viện thẩm mỹ liên quan nhưng hậu quả nặng nề đã xảy ra một lần nữa là lời cảnh báo về hoạt động giải phẫu thẩm mỹ bát nháo hiện nay.
Tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ diễn ra thường xuyên chứ không phải bây giờ mới có. Thường thì các bên tự thỏa thuận với nhau để không phải vướng vào pháp luật nên nhiều người xem thường mức độ nguy hiểm của loại hình y khoa này. Cách đây 6 năm, một vụ án gây rúng động dư luận cả nước đã xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội). Một phụ nữ đã chết trong lúc giải phẫu thẩm mỹ. Bác sĩ lo sợ nên phi tang xác nạn nhân. Công an điều tra vụ việc và tòa đã tuyên 19 năm tù với bác sĩ này.
Lạm dụng giải phẫu thẩm mỹ không bao giờ được khuyến khích trong y khoa lẫn đời sống xã hội. Thậm chí các bác sĩ hoặc nhiều bệnh viện lớn luôn cảnh báo với người dân nên hạn chế tối đa can thiệp y khoa nếu không cần thiết. Với mục đích làm đẹp, giới bác sĩ càng cẩn trọng vì sự can thiệp vào cơ thể đang khỏe mạnh, minh mẫn là điều tối kỵ. Dù muốn hay không những di chứng do phẫu thuật thẩm mỹ để lại là không tránh khỏi. Hàng loạt ngôi sao thời trang, điện ảnh, âm nhạc... của thế giới là nạn nhân của việc lạm dụng này: không ai nhận ra người mẫu thời trang Katie Price bốc lửa một thời, nay thân hình chảy sệ, nhan sắc tàn tạ. Han Mi Ok - ngôi sao nổi tiếng tại Hàn Quốc nay khuôn mặt biến dạng khủng khiếp... Đó là chưa kể đến những nổi đau thể xác giày vò tăng dần theo thời gian do di chứng phẫu thuật để lại.
Ở Việt Nam, ngành giải phẫu thẩm mỹ những năm qua phất lên nhanh chóng. Nhu cầu "sửa sang nội, ngoại thất" của quý bà và cả quý ông tăng vùn vụt qua thời gian. Hết sửa mũi kiểu Demi More (ngôi sao phim Mỹ), đến mắt của Phạm Băng Băng (ngôi sao phim Trung Quốc), cằm của Shin Ye Eun (ngôi sao phim Hàn)... Quý ông thì cũng gọt cằm, chỉnh má, sửa hông... Với giá cả phải chăng (so với nước ngoài), thời gian phẫu thuật nhanh chóng, TP HCM, Hà Nội đã trở thành trung tâm giải phẫu thẩm mỹ của cả nước và cho cả kiều bào ở nước ngoài. Những năm đầu thế kỷ, cơ sở giải phẫu thẩm mỹ chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì nay có đến hàng trăm cơ sở và ngày càng bùng nổ. Đây được xem là nghề hái ra tiền nên phát triển ồ ạt. Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ đã đành, cơ sở chăm sóc sắc đẹp cũng tham gia không ngần ngại nguy hiểm. Còn quảng cáo thì ôi thôi đủ kiểu, bác sĩ từ Hàn Quốc, Nhật Bản cho đến chuyên gia sắc đẹp từ Anh, Pháp, Ý... đều được tung hô thoải mái. Có thể nói các cơ quan chức năng đã không thể kiểm soát và quản lý nổi sự bùng nổ đến bát nháo của rất nhiều cơ sở thẩm mỹ hiện nay.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng mạo hiểm về sức khỏe và cả tính mạng thì liệu có đáng? Cái đẹp bền bỉ mà ai cũng theo đuổi chính là một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh.