Phải tính đến tổng thể các lợi ích, nếu không để xe ở hầm chung cư thì không biết để đâu khi đang thiếu diện tích bãi đậu xe trên mặt đất.
Trong phiên thảo luận về công tác phòng cháy chữa cháy ngày 13/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quảng Bình, đề xuất phải sửa Luật Xây dựng làm sao để các chung cư cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn không sử dụng tầng hầm làm nơi để xe.
“Từng xe đều có bình xăng và nhiều xe đậu dưới tầng hầm thì nơi đậu xe sẽ trở thành kho xăng dầu. Khi cháy thì không thể ứng cứu được. Kể cả có phun nước vào thì xăng nổi lên thì xăng vẫn cháy”, ông Phương phân tích và đề xuất, các cơ quan nhà nước có thể để xe dưới hầm nhưng khu dân cư, chung cư, khách sạn phải xây dựng bãi đỗ xe riêng chứ không nên để xe dưới hầm và nhà để xe nên làm trên cao.
Trao đổi với Đất Việt về đề xuất này của đại biểu Phương, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho biết, đề xuất của vị đại biểu Quốc hội là có cơ sở khi thời gian qua, nhiều vụ cháy chung cư, nhà cao tầng đều xuất từ tầng hầm. Tiêu biểu là vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8, TP.HCM) vào ngày 23/3/2018.
Vụ cháy này đã làm chết 13 người và 51 người bị thương, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và gây tác động tâm lý bất an đối với người dân đang sinh sống trong các chung cư, nhà cao tầng.
Điều đáng nói, vụ cháy chung cư Carina Plaza bắt nguồn từ sự cố phát cháy xe gắn máy Attila trong hầm để xe của chung cư, sau 9 phút thì gây ra cháy lan.
Trước đó là vụ cháy chung cư CT4 (khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội) vào tối 11/10/2015 xuất phát từ sự cố chập điện. Lửa xuất phát từ tầng hầm thiêu rụi hơn 300 xe máy, một ô tô.
Cũng giống như vụ cháy chung cư Carina Plaza, khói từ tầng hầm lan lên các tầng cao khiến hàng trăm người mắc kẹt. Nhiều người phải nhập viện vì ngạt khói nhưng rất may, việc giải cứu thành công nên không có thiệt hại về người.
Cả hai vụ cháy kể trên đều có điểm giống nhau là gốc lửa ở hầm gửi xe. Công tác chữa cháy ban đầu thất bại. Khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến thì lửa đã rất lớn nên khó khống chế. Khói lan vào cầu thang bộ khiến việc thoát hiểm khó khăn. Trước khi xảy ra cháy, những vấn đề về mất an toàn PCCC đã được người dân phản ánh nhưng không được khắc phục.
Dù đề xuất của đại biểu Phương là có cơ sở song PGS.TS Ngô Văn Xiêm vẫn thấy”không ổn lắm” bởi nếu có giải pháp ngăn ngừa thì khi cháy xảy ra vẫn có thể giảm thiểu và ngăn chặn tác động nguy hiểm của nó đến công trình.
“Cửa ở tầng hầm và các tầng trong chung cư là cửa ngăn khói. Khi xảy ra hỏa hoạn, chính những cửa ấy sẽ giúp cho cầu thang thoát hiểm của tòa nhà không bị nhiễm khói. Thế nhưng, thực tế, thời gian qua, tại nhiều chung cư nhà ở tái định cư, chung cư nhà ở xã hội, và một số chung cư nhà ở thương mại, cửa ngăn khói ở tầng hầm và các tầng phía trên khác bị chèn, bị mở thông để tiện đi lại, mà nếu xảy cháy thì không còn tác dụng ngăn khói xâm nhập.
Như ở vụ cháy Carina Plaza, có hiện tượng gạch chèn ở cửa ngăn giữa tầng hầm để xe và các tầng trên khiến khói độc lan nhanh sau khi đám cháy bốc lên từ tầng hầm. Người trong ngành PCCC thì biết đó là lối thoát hiểm, phải đảm bảo được đóng kín nhưng người dân không biết, chèn gạch vào để làm vậy để tiện bề đi lại.
Nếu thực hiện đúng các quy định, tiêu chuẩn, đảm bảo đóng kín các cửa ngăn giữa tầng hầm để xe với các tầng trên thì sẽ giảm thiểu được tác hại của đám cháy”, PGS.TS Ngô Văn Xiêm chỉ rõ.
Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học PCCC thừa nhận, nguy cơ cháy nổ ở hầm để xe dễ xảy ra khi tất cả ô tô, xe máy để trong hầm đều có bình xăng, nếu xảy ra cháy ở hầm để xe, việc chữa cháy rất khó khăn do xăng nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, ở các nước cũng để xe dưới hầm chung cư, vấn đề là phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.
“Nếu không để xe ở tầng hầm nữa thì biết để ở đâu, nhất là trong khi Việt Nam, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang thiếu trầm trọng các diện tích làm bãi đỗ xe trên mặt đất? Do đó, trước khi làm gì phải tính đến tổng thể các lợi ích”, PGS.TS Ngô Văn Xiêm nhấn mạnh.
Một phương án được nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học PCCC đề cập, đó là ở mỗi chung cư, chủ đầu tư “hy sinh” 1-2 tầng nổi để làm chỗ để ô tô, xe máy, còn phía dưới hầm làm nơi kinh doanh dịch vụ.
Tuy nhiên, ông tin rằng phương án này khó khả thi vì như vậy cũng rất nguy hiểm, hơn nữa chủ đầu tư cũng khó “hy sinh” được như vậy bởi “tấc đất, tấc vàng”.
Thành Luân - Theo Báo Đất Việt
https://baodatviet.vn/bat-dong-san/bao-ve-nguoi-mua-nha/de-xuat-khong-de-xe-ham-chung-cu-khong-on-lam-3391433/